(Xây dựng) - Sáng 15/12, Kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII đã tiến hành khai mạc với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII. |
Năm 2021, Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh khó khăn chung do đại dịch Covid-19, song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực phấn đấu của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, Hà Tĩnh đã vượt qua khó khăn, thách thức đạt được nhiều kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực.
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 5,02%, cao hơn cả nước. Sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, đóng góp 4,46 điểm % trong mức tăng trưởng chung GRDP 5,02%. Chỉ số sản xuất toàn ngành năm 2021 ước tăng 16,45% so với năm 2020.
Kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng mạnh so với năm trước; trong đó xuất khẩu ước đạt 2 tỷ USD, tăng 66,7% chủ yếu do giá thép tăng cao nên Formosa đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu thép; nhập khẩu ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 50%.
Thu ngân sách trong bối cảnh có nhiều khó khăn nhưng dự kiến đạt 16.000 tỷ đồng, vượt 31% dự toán tỉnh giao, tăng 25% so với năm 2020; là số thu cao nhất từ trước đến nay. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 8.200 tỷ đồng, vượt 17% dự toán, tăng 3% so với năm trước. Hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 7.800 tỷ đồng, vượt 51% dự toán, tăng 63% so với năm trước.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn ước đạt hơn 28.000 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch. Năm 2021, thu hút 52 dự án đầu tư, trong đó: 51 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 14.600 tỷ đồng và 1 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 2,5 tỷ USD. Xúc tiến đầu tư chuỗi du lịch dịch vụ ven biển; triển khai lập quy hoạch các Tổ hợp dự án nghỉ dưỡng và sân golf tại huyện Lộc Hà (xã Thịnh Lộc), huyện Cẩm Xuyên (xã Cẩm Dương), thị xã Kỳ Anh (xã Kỳ Ninh). Khánh thành đưa vào hoạt động giai đoạn 1 Nhà máy sản xuất, chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu An Việt Phát với tổng mức gần 1.300 tỷ đồng tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Hoạt động thương mại, dịch vụ chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa chỉ tăng hơn 2% so với năm trước. Tổng lượt khách du lịch ước giảm 35%. Vận tải hành khách ước giảm khoảng 40% cả về doanh thu và số lượng hành khách. Tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển thương mại điện tử, thương mại biên giới, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khuyến công địa phương... giai đoạn 2021-2025.
Thực hiện tốt nhiều hoạt động an sinh xã hội, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Để thực hiện những mục tiêu về kinh tế - xã hội trong năm 2022, Hà Tĩnh sẽ tập trung phục hồi kinh tế - Đảm bảo thích ứng dịch bệnh - Thu hút đầu tư - An sinh xã hội” với các giải pháp được đưa ra là: Thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp; cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phục hồi, phát triển thương mại, dịch vụ; quản lý, sử dụng hiệu quả ngân sách, tín dụng ngân hàng. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã.
Cùng với đó là phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa - xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số; thực hiện hiệu quả công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị, giao thông, tài nguyên và môi trường…
Kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII diễn ra trong 2 ngày (từ ngày 15 - 16/12).
Phương Dung
Theo