(Xây dựng) - Với định hướng lâu dài xây dựng Điểm du lịch Phù Đổng thành địa chỉ đỏ để du khách thập phương về tham quan, chiêm bái di tích lịch sử đền Phù Đổng với lễ hội Gióng, ghé thăm mô hình vườn đồng của các hộ dân, đồng thời thưởng thức đặc sản quê hương… xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) xác định mục tiêu mũi nhọn là phát triển du lịch thông minh và làng nghề hoa cây cảnh. Đồng hành cùng sự phát triển du lịch của địa phương, Phù Đổng Green Park hướng tới trở thành khu du lịch trải nghiệm lý tưởng, một trong những điểm dừng chân trong chuỗi du lịch tâm linh.
Sau 5 năm cải tạo môi trường và đầu tư xây dựng, hiện khu sinh thái Phù Đổng Green Park có không gian thoáng đãng, xanh sạch đẹp với quy mô 15,6ha. |
Phù Đổng Green Park – Khu du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm cho trẻ em
Ngày 5/11/2021, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4728/QĐ-UBND về việc công nhận Điểm du lịch Phù Đổng. Cùng với sự phát triển của ngành Du lịch, Phù Đổng đang trở thành điểm đến mới thu hút du khách thập phương với nhiều sản phẩm đặc trưng là du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, sinh thái…
Từ năm 2019-2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, xã Phù Đổng vẫn có 4 hợp tác xã (HTX) hoạt động có hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định. Các HTX đều tiêu thụ tối thiểu 30% tổng sản lượng sản phẩm, dịch vụ của HTX trong 3 năm liền.
Xã Phù Đổng có 1 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận OCOP 4 sao theo quyết định của UBND Thành phố Hà Nội, đang xây dựng hồ sơ, tài liệu đề xuất cấp Giấy chứng nhận đối với sản phẩm OCOP du lịch văn hóa cộng đồng của Công ty Cổ phần Phù Đổng Green Park.
Sản xuất của HTX chế biến sữa bò Phù Đổng sử dụng sản phẩm sữa do xã viên HTX sản xuất, đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định.
Với mục tiêu xử lý chất thải trong chăn nuôi bò sữa và nuôi trùn quế công nghệ khép kín để bảo vệ môi trường, sử dụng đất hiệu quả kết hợp phát triển mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm học tập cho học sinh, Công ty Cổ phần Thương mại và Phát triển Phù Đổng xanh (Phù Đổng Green Park) cùng HTX Phát triển nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Hiệp Thư đã cải tạo môi trường, đầu tư xây dựng khu vực thùng, ao thôn Phù Dực 1, Phù Dực 2 thành Khu sinh thái Phù Đổng Green Park với quy mô 15,6ha.
Tại đây có các khu chính: Khu giáo dục trải nghiệm dành cho học sinh, Khu trải nghiệm sinh thái dành cho các công ty, doanh nghiệp tổ chức sự kiện và Khu du lịch tâm linh kết nối với các di tích trên địa bàn, khu nuôi giun công nghệ cao, khu sản xuất hoa cao cấp trong nhà lưới, nhà kính.
Đây là mô hình kinh tế có quy mô phù hợp đặc điểm phát triển kinh tế của địa phương và đầu tư sản xuất để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.
Những năm gần đây, số lượng hộ chăn nuôi trên địa bàn giảm mạnh, người dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chuyển dịch sang phát triển kinh tế từ trồng hoa cây cảnh và du lịch, do đó chất lượng môi trường có nhiều chuyển biến rõ rệt. Khu vực kinh doanh của Phù Đổng Green Park có hệ thống thu gom nước thải, hệ thống xử lý nước thải bằng hồ sinh học, không xả thải ra môi trường.
Đại diện Phù Đổng Green Park cho biết: Từ năm 2015, Công ty đã bắt tay vào xử lý môi trường cho khu di tích. Nhờ vào chủ trương, các chính sách hỗ trợ và sự ủng hộ của Đảng ủy, UBND xã Phù Đổng, Phù Đổng Green Park đã gặt hái được những thành quả bước đầu và đang hướng tới trở thành một trong những điểm dừng chân trong chuỗi du lịch tâm linh, kết nối tham quan di tích Đền Gióng (một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam). Từ đó, thúc đẩy cho du lịch địa phương ngày càng phát triển, được nhiều du khách biết tới và chọn làm điểm đến tham quan cho kỳ nghỉ của mình.
Khu giáo dục trải nghiệm dành cho học sinh. |
Đền Phù Đổng – Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật
Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng (Đền Gióng) đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2013. Với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, Phù Đổng cũng là nơi gắn với nhiều huyền thoại về thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước của dân tốc, mà tiêu biểu là người anh hùng làng Gióng mới lên ba đã đánh giặc ngoại xâm. Truyền thuyết ấy vẫn được lưu truyền cho tới ngày hôm nay với nhiều di tích như: Đền Thượng (thờ Thánh Gióng), Đền Hạ (hay còn gọi là Đền Mẫu – thờ mẹ Thánh Gióng), Miếu Ban (nơi sinh Thánh Gióng), Cố Viên, Đống Đàm (nơi diễn ra các trận đánh của Thánh Gióng với giặc Ân), Giá Ngự, đình Hạ Mã…
Đền Thượng – nơi thờ Thánh Gióng nằm ở sát đê, được bố cục theo hình chữ “Công”, quy mô rộng lớn. Trong hậu cung có 12 gian, có tượng Thánh Gióng cao 3m, hai bên có 6 tượng quan văn, quan võ, hai phỗng quỳ và 4 viên hầu cận “Tứ Trấn”. Bên đền có 1 bia đá rất đẹp, cũng là 1 hiện vật hiếm có tại các ngôi đền khác ở nước ta.
Đền Hạ - nơi thờ mẹ Thánh Gióng hiện nằm gần chùa Giếng (chùa Tập Phúc) còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị như: đôi phỗng đám 1 bộ dải bạc, 2 bình hương đá…
Miếu Ban nằm ở phía Tây Đền Thượng, trong xóm Ban, tên chữ là Dục Linh Từ. Miếu thờ Thánh Mẫu, Miếu lợp ngói cổ hình mũi hài, sau Miếu là giếng Bát Nhũ trì, giữa giếng nổi lên một gò đất nhỏ. Truyền rằng, Thánh Gióng ra đời trên sập hiện đặt ở đảo này, sau đó được tắm trong chậu đá.
Xã Phù Đổng định hướng lâu dài xây dựng Điểm du lịch Phù Đổng thành địa chỉ đỏ để du khách thập phương về tham quan, chiêm bái di tích lịch sử đền Phù Đổng với lễ hội Gióng. |
Để tưởng nhớ công ơn Đức Thánh Gióng phá tan giặc Ân, hàng năm cứ đền đầu tuần tháng Tư âm lịch, người dân xã Phù Đổng lại long trọng tổ chức lễ hội. Hội Gióng thực sự là kịch trường dân gian độc đáo, hàm chứa nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc.
Làng nghề cây cảnh – hoa giấy Phù Đổng
Phù Đổng không chỉ là quê hương của Thánh Gióng với nhiều di tích và câu chuyện lưu truyền mà còn là vùng đất của những cánh đồng hoa giấy. Với kinh nghiệm được tích lũy qua nhiều năm và đặc biệt là tư duy sáng tạo mới mẻ trong tạo thế cây của người dân đã làm cho hoa giấy Phù Đổng nổi bật hơn so với những nơi khác. Cây có nhiều dáng thế độc đáo, hoa ra nhiều hơn, dường như không có lá.
Xã Phù Đổng được công nhận làng nghề cây cảnh hoa giấy năm 2020, toàn bộ hoạt động trồng trọt, kinh doanh thương mại hoa giấy được diễn ra ngoài đồng ruộng và không có công trình xây dựng, không tồn tại hoạt động sinh hoạt của người dân. Do vậy, không phát sinh chất thải sinh hoạt, nước thải sinh hoạt phát sinh từ khu vực rửa chân tay, dụng cụ nông nghiệp. Lưu lượng nước thải không đáng kể, thành phần nước thải chủ yếu là đất liên quan đến độ màu của nước thải. Loại nước này sử dụng được cho hoạt động tưới cho cây trồng.
Không chỉ là loại cây được trồng để cản nắng, làm mát, trang trí, các nhà vườn ở Phù Đổng đã nâng hoa giấy lên thành dòng cây cảnh nghệ thuật. Với sự cần cù, yêu nghề và bàn tay khéo léo, biết nắm bắt nhu cầu thị trường, cùng điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp, nghề trồng hoa, cây cảnh ở Phù Đổng ngày càng phát triển, mang lại thu nhập cao cho người dân. Hoa giấy Phù Đổng cũng được đề xuất xây dựng thương hiệu và đánh giá sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Có thể nói, đây là một trong những mô hình đón đầu chủ trương của huyện Gia Lâm xây dựng xã Phù Đổng thành phường gắn với phát triển du lịch thông minh.
Tuệ Minh – Hoàng Anh
Theo