(Xây dựng) – Từ nhiều năm nay, khi đi qua khu đất vàng số 40 Phùng Hưng (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm), ít ai biết đây là trụ sở Tổng công ty xây dựng đường thủy (VINAWACO). Bởi lẽ, nơi vốn là trụ sở làm việc của VINAWACO lại đang bị “xẻ thịt”, cho ngân hàng thuê làm văn phòng giao dịch với số tiền lên đến hàng tỷ đồng một năm.
Biển trụ sở VINAWACO có vẻ như “lọt thỏm” giữa 2 ngân hàng. |
Theo như quan sát, tại mảnh đất “vàng” 40 Phùng Hưng, hiện tồn tại nhiều đơn vị cùng hoạt động. Ngay 2 bên mặt tiền là văn phòng giao dịch của Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV). Ở giữa, có một lối đi hẹp treo biển Tổng công ty xây dựng đường thủy VINAWACO. Men theo lối đó, đi vào trong, lên tầng 2 mới là nơi làm việc của cán bộ, người lao động của Tổng công ty.
Được biết, Tổng Công ty xây dựng đường thuỷ (VINAWACO) là công ty trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện cổ phần hoá từ năm 2014 với 36,62% vốn nhà nước. Sau cổ phần hoá, toàn bộ khu đất tại số 40 Phùng Hưng đang thuộc quyền quản lý và sử dụng của VINAWACO theo Hợp đồng thuê đất số 701/HĐTĐ-STNMT-PC của Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố Hà Nội ký ngày 18/8/2016.
Phía bên trái là văn phòng giao dịch của Ngân hàng ACB. |
Theo đó, diện tích đất thuê là hơn 800m2 trong thời gian 50 năm nhằm mục đích làm trụ sở làm việc của công ty. Tuy nhiên, các đơn vị khác lại đang sử dụng và chiếm gần hết toàn bộ mặt tiền của khu đất.
Theo một số thông tin, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) phải trả số tiền khoảng 2,52 tỷ đồng/năm, Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam phải trả khoảng 2.18 tỷ đồng/năm để được sử dụng mặt làm phòng giao dịch.
Phía bên phải toà nhà là phòng giao dịch của Ngân hàng BIDV. |
Trước đó ông Nguyễn Huy Hiền – Nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty đường thuỷ, Cục phó Cục đường sắt Việt Nam chia sẻ với báo chí, khi định giá trị doanh nghiệp để thực hiện cổ phần hoá, khu đất số 40 Phùng Hưng chỉ tính phần tài sản trên đất vì đất là đất thuê. Tổng giá trị tài sản hơn 10 tỷ đồng, trừ khấu hao còn hơn 7 tỷ. Tuy nhiên, lợi nhuận thu được từ việc cho thuê đất 1 năm ở đây đã gần chục tỷ.
Khi đến đặt lịch làm việc với VINAWACO, nhóm phóng viên Báo điện tử Xây dựng có gặp và trao đổi số điện thoại với một đồng chí – xưng là trợ lý của Chủ tịch HĐQT. Người này cho biết, do công ty đang ngừng hoạt động (giãn cách xã hội do dịch Covid-19) nên hiện không thể sắp xếp thời gian, qua đợt giãn cách xã hội này sẽ sắp xếp lịch làm việc để Báo điện tử Xây dựng qua làm việc cụ thể.
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng có liên hệ với phường Hàng Bông và được biết: Trụ sở Tổng Công ty xây dựng đường thủy thuê đất của thành phố Hà Nội, do đó việc sử dụng, cho thuê lại – như báo chí phản ánh thuộc thẩm quyền xử lý của thành phố Hà Nội.
Có thể thấy, tại khu đất “vàng” 40 Phùng Hưng, Tổng Công ty VINAWACO đang có “dấu hiệu” cho thuê đất trái thẩm quyền, sử dụng đất không đúng mục đích.
Người dân không khỏi thắc mắc, số tiền hàng tỷ đồng mà các đơn vị cho thuê thu được sẽ đi về đâu, việc thu – chi số tiền ấy có minh bạch? Liệu việc cho thuê, sử dụng đất này có đúng theo quy định của pháp luật? Hơn hết, các cơ quan chức năng và quản lý Nhà nước có thẩm quyền cần sớm vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ, tránh thất thoát Ngân sách Nhà nước, đảm bảo trật tự xã hội.
Điều 64 của Luật Đất đai năm 2013 có những quy định cụ thể về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 64 quy định các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm: a) Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm; b) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất; c) Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền; d) Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho; đ) Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm; e) Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm; g) Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành; h) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục; i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng. |
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.
Luân Anh – Việt Khoa
Theo