(Xây dựng) - Sau hàng loạt vụ cháy thương tâm tại các nhà ống, nhà ở kết hợp với kinh doanh vừa xảy ra, nhiều người dân sinh sống tại Thủ đô đổ xô đi mua các vật dụng thoát hiểm, thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) như thang dây, bình cứu hỏa, mặt nạ phòng độc… để chủ động trong việc ứng phó với hoả hoạn.
Nhiều thiết bị phòng cháy chữa cháy như thang dây, mặt nạ phòng độc, bình xịt cứu hoả được người dân tìm mua. |
Vội vã sửa lối thoát nạn, mua thiết bị bảo hộ
Thời gian qua, liên tiếp các vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh, cho thuê trọ xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Vụ cháy mới đây xảy ra ngày 16/6 tại phố Định Công Hạ (Hoàng Mai, Hà Nội) đã làm 4 người trong gia đình tử nạn. Cụ thể, đám cháy bùng phát tại tầng 4 của ngôi nhà ống cao 6 tầng, 1 tum. Đây là nhà ở kết hợp kinh doanh, tại tầng 1 - 3 có chứa nhiều loại hàng hóa như sơn, đồ điện, vật liệu xây dựng... còn tầng 4 trở lên dùng để ở. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, nhiều người dân, nhất là các gia đình sống trong các chung cư, khu tập thể đã đi tìm mua thiết bị PCCC nhằm chủ động ứng phó khi có hỏa hoạn xảy ra.
Nguyên nhân nhu cầu thiết bị phòng cháy tăng cao bởi gần đây nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra ở các công trình nhà ở kết hợp kinh doanh, cho thuê trọ. |
Anh H.N (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Tôi hiện đang ở trọ trong một phòng của nhà dân trên đường Bùi Xương Trạch. Nhà có 5 tầng và 1 tum, đa số các tầng đều hàn chuồng cọp nên khi xảy ra hỏa hoạn rất khó thoát. Trước đó, chủ nhà cho thuê đã sắm bình cứu hoả, thang dây, lắp thiết bị báo cháy… nhưng sau khi theo dõi diễn biến vụ cháy xảy ra đêm 16/6, tôi phải mua ngay mặt nạ phòng độc". Anh H.N cho biết vừa mua chiếc mặt nạ phòng độc TZL30A có giá 230.000 đồng/chiếc.
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, anh C.T (Đống Đa, Hà Nội) vội vàng ra phố Yết Kiêu tìm các mặt hàng PCCC để mua cho gia đình. “Hiện gia đình tôi đang sinh sống trong 1 tòa chung cư có đầy đủ lối thoát hiểm và trang bị bình chữa cháy cho mỗi tầng. Nhưng qua hàng loạt vụ cháy nhà dân vừa qua, tôi quyết định mua thêm mặt nạ chống khói để phòng ngạt, đồng thời tự trang bị thêm thang dây… để phòng trường hợp khẩn cấp”.
Cũng loay hoay đi tìm thang dây cho gia đình, chị L.C (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Nhà tôi gồm 3 tầng và 1 tum, con nhỏ nhiều khi phải ở nhà trong khi bố mẹ đi làm nên chúng tôi phải hàn ban công kín khung sắt. Sau khi nghe tin đám cháy nhà dân ở Hoàng Mai, tôi và chồng lập tức xin phép nghỉ làm để ở nhà để sửa lại lối thoát nạn".
Trước đó, chị L.C cho biết đã lắp thiết bị chữa cháy, dọn sạch cầu thang bộ và mua mỗi tầng 2 bình chữa cháy. Giờ chị tiếp tục tìm mua thang dây khoảng 20m treo trên tum, thêm mỗi người một chiếc mặt nạ phòng độc.
Thị trường trang thiết bị PCCC nóng trở lại
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, trong mấy ngày qua, trên nhiều tuyến phố chuyên kinh doanh thiết bị PCCC như: Nguyễn Du, Yết Kiêu, Lê Duẩn, Đê La Thành, Nguyễn Trãi, Phố Vọng… người dân đổ xô đến hỏi mua các thiết bị PCCC, vật dụng thoát hiểm. Trong đó, nhiều nhất phải kể đến là thang dây, bình chữa cháy, mặt nạ chống độc.
Tại cửa hàng T.L trên phố Nguyễn Du (Hoàn Kiếm, Hà Nội), khách liên tục vào hỏi mua bình chữa cháy, thang dây và mặt nạ chống độc. Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, chị P.H, chủ đại lý cửa hàng cho biết: Sau vụ hỏa hoạn xảy ra tại Định Công Hạ nhiều người dân và các cơ sở kinh doanh có tâm lý lo lắng, bất an. Họ bắt đầu tìm đến cửa hàng để mua thang dây thoát hiểm, bình chữa cháy và mặt nạ chống độc để phòng sự cố cháy nổ xảy ra. Giá của từng sản phẩm có phần nhích lên. Hiện tại, giá các mặt hàng này tăng khoảng 10-20% so với trước. Một số mặt hàng bán chạy, như mặt nạ phòng độc, thang dây thoát hiểm có ngày hết hàng, nếu khách mua phải đặt cọc trước. Do đó, doanh thu của cửa hàng tăng gấp 3-4 lần ngày thường, nhiều sản phẩm tạm thời “cháy” hàng.
"Đây không phải lần đầu người dân đổ xô đi mua những thiết bị này. Sau mỗi vụ cháy, tình trạng này lại diễn ra và sau đó một thời gian ngắn là chấm dứt, gần đây nhất là hồi tháng 9/2023, sau vụ cháy khiến 56 người thiệt mạng ở Khương Hạ", chị PH nói.
Qua khảo sát của phóng viên, hiện các thiết bị PCCC chủ yếu được khách tìm mua là hàng bình xịt chữa cháy, mặt nạ chống độc và thang dây, đối tượng đặt mua theo đơn hàng là chủ cơ sở kinh doanh và các hộ gia đình do nhà ở kết hợp kinh doanh cũng là nhóm công trình xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng nhất trên địa bàn Thủ đô.
Thị trường trang thiết bị PCCC thậm chí "nóng" cả trên các sàn thương mại điện tử chuyên bán thiết bị PCCC, bảo hộ lao động. Kể từ sau khi có tin vụ cháy nhà ở kết hợp với kinh doanh, khách đặt hàng tăng gấp 3-4 lần so với trước đó.
Cụ thể, với mặt nạ chống khói làm từ chất liệu chống cháy, có màng chắn bảo vệ mắt và phin lọc hoạt tính, chống khói, chống độc… giá bán khoảng 600.000 đồng - gần 1 triệu đồng/sản phẩm. Mặt nạ chống khói thông thường có giá 150.000 - 500.000 đồng/chiếc (tùy loại). Bình chữa cháy dạng bột loại 2 - 8kg có giá từ 200.000 đồng - 400.000 đồng/bình; dạng khí CO2 từ 3 - 5kg có giá từ 480.000 - 740.000 đồng/bình. Thang dây thoát hiểm có giá khoảng 75.000 đến 90.000 đồng/m, tương đương khoảng 425.000 đồng cho loại 5m. Còn lại, trung bình ở mức 120.000 - 130.000 đồng/m, tương đương 600.000 - 650.000 đồng loại 5m. Đi kèm với thang dây, nhiều người cũng tìm mua dây đai an toàn (giá dao động từ 700.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng), bộ thả dây chậm… Giá các mặt hàng này cũng khá đa dạng, ở mỗi nơi bán một giá khác nhau, đặc biệt giá tăng theo từng ngày.
Người dân cần cẩn trọng khi mua, bảo quản và trang bị đẩy đủ kiến thức sử dụng thiết bị PCCC. |
Việc mua các thiết bị PCCC để đảm bảo an toàn tính mạng cho chính mình và gia đình, người dân cần lưu ý mua hàng tại các công ty, đại lý uy tín; có chế độ bảo hành; đầy đủ giấy tờ kiểm định chất lượng; yêu cầu hướng dẫn sử dụng sơ bộ, tránh tình trạng mua hàng ồ ạt theo phong trào.
Diệu Linh
Theo