(Xây dựng) – Sở Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu “Dừng mọi hoạt động thi công xây dựng công trình kể từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 15/4/2020”. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng và một số chuyên gia cho rằng Hà Nội đang làm khó doanh nghiệp và có vẻ đi quá tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Văn bản dừng mọi hoạt động thi công xây dựng công trình… của Sở Xây dựng Hà Nội. |
Cụ thể, ngày 1/4, thực hiện Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 31/3/2020 của UBND Thành phố về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Sở Xây dựng Hà Nội đã có Công văn số 2618/SXD-TTr đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã triển khai: Dừng mọi hoạt động thi công xây dựng công trình kể từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 15/4/2020; Tổ chức tổng vệ sinh, thu dọn công trường, phối hợp với các cơ quan y tế trong việc khử trùng trong phạm vi công trường và các khu vực lân cận, đảm bảo vệ sinh môi trường; Tổ chức cho cán bộ, công nhân nghỉ tại nhà hoặc tại các công trường xây dựng trong khoảng thời gian trên…
Lãnh đạo một doanh nghiệp, tổng công ty tại Hà Nội cho rằng: Việc khẩn cấp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay là cần thiết, tuy nhiên cần phải có phương án và biện pháp linh hoạt, đúng đắn. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định rõ “Cách ly xã hội nhằm giữ khoảng cách người với người, không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong toả xã hội”, chính vì vậy việc Hà Nội thực hiện lệnh cấm mọi công trình xây dựng trong 15 ngày, đang làm doanh nghiệp rất hoang mang, sẽ gây tổn thất lớn cho các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn.
Một doanh nghiệp khác cũng than thở: Doanh nghiệp xây dựng trong hai tháng trở lại đây đã thấm đòn rất lớn với dịch bệnh Covid-19, nay thêm “lệnh” cấm thi công sẽ làm cho các doanh nghiệp xây dựng rất khó khăn. Tiến độ công trình chậm; tiền trả lương cho cán bộ công nhân viên, tiền trả lãi ngân hàng sẽ kéo dài thêm… Nên chăng hãy để cho doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên công trường theo hướng dẫn của cơ quan y tế chứ không nên dừng tất cả.
Một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cũng cho rằng, Hà Nội đang làm quá mức chỉ đạo của Thủ tướng. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc cách ly toàn xã hội chứ không phải phong tỏa xã hội. Trong thời gian này, cả nước vẫn phải duy trì hàng hoá lưu thông, sản xuất an toàn…
Theo vị chuyên gia này, các nhà máy, khu công nghiệp vẫn hoạt động thì công trường xây dựng cũng không nên cấm tuyệt đối. Nên yêu cầu họ tích cực các biện pháp phòng ngừa trên công trường như đầy đủ đồ bảo hộ; số lượng người ít; khoảng cách an toàn… thay vì cấm tuyệt đối. Có thể tham khảo cách thực hiện giống như Đà Nẵng.
Cụ thể, Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng ban hành công văn yêu cầu các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại các công trình. Tuy nhiên, thay vì cấm tuyệt đối, Đà Nẵng có những biện pháp dễ thở hơn cho các doanh nghiệp chỉ đề nghị tại các công trình: Không được tập trung công nhân từ 10 người trở lên trong không gian làm việc như phòng họp, sàn công tác, vận thăng, thang máy và không gian kín khác tại công trường; không sử dụng điều hòa ở chế độ nhiệt độ thấp (< 26 độ); thực hiện biện pháp khử khuẩn, mang khẩu trang, thiết bị bảo hộ, giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người. Đề nghị tổ chức đo thân nhiệt cho người ra, vào công trình; đo thân nhiệt cho người lao động vào đầu và cuối mỗi ca; trường hợp nhiệt độ cơ thể từ 37,5 độ C trở lên phải tạm thời cách ly và báo ngay cho cơ quan y tế tại địa phương. Tổ chức rà soát người lao động đến từ các vùng dịch trong và ngoài nước để thông báo cho UBND quận, huyện nơi công trình để tổ chức cách ly theo quy định. Trường hợp không đảm bảo tuân thủ các quy định phòng chống dịch thì mới yêu cầu dừng hoạt động.
Ngày 31/3, Thanh tra Giao thông Hà Nội cũng đã ra một văn bản liên quan đến việc lập 26 chốt trực; cấm người và phương tiện ra vào thành phố khiến người dân rất hoang mang. Ngay sau đó, Thanh tra Giao thông Hà Nội đã phải thu hồi lại văn bản này.
Nam Nhi
Theo