(Xây dựng) - Giữa trung tâm Hà Nội, hàng loạt dự án nhà cao tầng được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng với vị trí đắc địa, nhưng “bỏ hoang” sau nhiều năm xây dựng, làm méo mó bộ mặt Thủ đô, gây thất thoát và lãng phí nghiêm trọng.
Dự án tổ hợp khách sạn Sao Phương Đông chậm tiến độ nhiều năm
Dự án tổ hợp khách sạn Sao Phương Đông có tên thương mại là dự án khách sạn Westin Hà Nội có địa chỉ tại số 269 Kim Mã, phường Giảng Võ, quận Ba Đình do Công ty Cổ phần Du lịch và thương Mại sao Phương Đông làm chủ đầu tư. Quy mô dự án bao gồm 17 tầng cao, 1 tầng lửng, 2 tầng kỹ thuật trên diện tích 3.485 m2.
Dự án khách sạn Westin Hà Nội tọa lạc tại 269 Kim Mã, phường Giảng Võ, quận Ba Đình |
Dự án được khởi công vào ngày 4/12/2011. Trong quá trình triển khai, năm 2014, UBND quận Ba Đình đã yêu cầu tạm thời đình chỉ thi công công trình xây dựng dự án, do hàng loạt hộ dân sống tại Khu tập thể B5 Giảng Võ lên tiếng cho rằng, việc thi công của dự án này đã gây ảnh hưởng tới đường ống thoát nước, khiến nước thải tràn vào nhà các hộ liền kề.
Bảng dự án phía dưới chân công trình bị phai màu rách nát |
Tới năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đưa dự án này vào diện 161 dự án có dấu hiệu vi phạm, chiếm 23,1% số dự án được giao đất, cho thuê đất giai đoạn 2012-2017.
Công trình sau hơn 10 năm xây dựng mới hoàn thiện phần thô rồi bỏ không gây mất mỹ quan đô thị, làm xấu bộ mặt Thủ đô. |
Theo ghi nhận của phóng viên, sau hơn 10 năm xây dựng, tòa nhà đã xây xong phần thô, nhưng vẫn chưa đi vào hoàn thiện, nhiều hạng mục còn có dấu hiệu xuống cấp. Toàn bộ dự án đang bị bỏ hoang, công trường không có hoạt động thi công. Các thiết bị thi công hầu như không còn hoặc không hoạt động.
Siêu dự án 10.000 tỷ của VietinBank
Siêu dự án Tòa nhà Trụ sở chính - Trung tâm thương mại tài chính Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank Tower) tọa lạc tại khu đô thị Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội với diện tích hơn 3ha, tổng mức đầu tư lên tới 10.267 tỷ đồng được khởi công từ 20/10/2010 - được coi là siêu dự án nghìn tỷ bậc nhất Việt Nam. Với tổng diện tích sử dụng lên tới 300.000m2, VietinBank Tower gồm 2 tòa tháp, được liên kết bằng khối để 7 tầng dành cho các mục đích sử dụng chung như phòng hội nghị, hội thảo, trung tâm thương mại cao cấp, quán cafe và nhà hàng. Tháp thứ nhất cao 68 tầng được thiết kế tiết kiệm tối đa năng lượng tiêu thụ sẽ là trụ sở làm việc chính của VietinBank. Tháp thứ hai với 48 tầng sẽ là nơi đặt khách sạn 5 sao, khu chăm sóc sức khỏe, căn hộ cao cấp cho thuê. Các tầng phía trên của mỗi tháp được bố trí theo đường chéo để tạo thành các góc chữ V, biểu trưng của VietinBank. Dự án VietinBank Tower được kỳ vọng là tổ hợp tòa nhà thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng và là trung tâm tài chính, ngân hàng, khách sạn đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Đến nay, Đại hội cổ đông VietinBank đã thông qua ưu tiên phương án chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu từ năm 2020 và việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội dẫn tới gián đoạn quá trình làm việc với các Nhà đầu tư; đồng thời dịch Covid-19 đã làm thay đổi phương thức và nhu cầu sử dụng văn phòng làm việc, hoạt động thương mại, hội nghị, hội họp... dẫn tới sự điều chỉnh về chiến lược, phương thức và kế hoạch đầu tư của một số Nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực bất động sản văn phòng, trung tâm thương mại nên việc chuyển nhượng vẫn chưa hoàn thành theo đúng dự kiến. VietinBank đang tiếp tục thực hiện các thủ tục cần thiết và tìm kiếm các Nhà đầu tư tiềm năng để thực hiện phương án chuyển nhượng Dự án. Đồng thời, VietinBank cũng nghiên cứu phương án tăng tổng mức đầu tư để hoàn thành Dự án theo đúng quy mô và thiết kế đã được phê duyệt để thực hiện trong trường hợp việc chuyển nhượng Dự án không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của VietinBank và Nhà thầu.
Dự án hơn 12.000m2 nằm trên khu “đất vàng” sau 10 năm vẫn im lìm
Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cao cấp thuộc khu đô thị mới Việt Hưng do Công ty CP Tập đoàn đầu tư Long Giang làm chủ đầu tư bị bỏ hoang, cỏ cây mọc um tùm. |
Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cao cấp nằm trên ô đất rộng hơn 12.000m2, thuộc khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) được UBND Thành phố Hà Nội giao đất cho Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Long Giang vào ngày 8/11/2011.
Tuy nhiên, dự án đã không được chủ đầu tư triển khai xây dựng theo đúng tiến độ, lọt vào danh sách dự án chậm tiến độ trên địa bàn Hà Nội. Theo kết quả của Đoàn Thanh tra, kiểm tra liên ngành của Hà Nội thì Dự án này đã chậm tiến độ tới 66 tháng, tức hơn 5 năm.
Dù được gia hạn thêm thời gian nhưng dự án vẫn “đắp chiếu”. |
Năm 2019, dự án này đã được Hà Nội gia hạn 24 tháng (theo Quyết định số 4260/QĐ-UBND ngày 9/8/2019) nhưng đến nay, dù thời hạn gia hạn đã hết, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, dự án vẫn quây tôn kín mít, bên trong sân dự án bị hoang hóa cỏ dại mọc um tùm, không hề có dấu hiệu được triển khai.
Nhiều chuyên gia cho rằng: Hiện nay, theo quy định của luật Đất đai, dự án được cấp quyết định chấp thuận đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư… có hiệu lực trong vòng 12 tháng. Nếu sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng có thể được gia hạn thêm và tối đa 48 tháng phải đưa đất vào khai thác sử dụng. Nếu hết thời gian này, dự án vẫn bỏ hoang, vẫn “treo”, cơ quan chức năng sẽ ra quyết định thu hồi quyết định chấp thuận đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư và thu hồi đất mà không bồi thường.
Nhưng hiện nay các địa phương mới dừng lại ở việc thu hồi quyết định chấp thuận đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư nếu dự án chậm triển khai mà khó thu hồi được đất, nhất là trong trường hợp đất do chủ đầu tư tự đền bù, giải phóng mặt bằng. Bởi luật quy định nhà nước chỉ được thu hồi đất trong một số trường hợp cần thiết mà không có trường hợp dự án chậm triển khai. Luật Đất đai cũng không quy định rõ như thế nào là không đưa vào sử dụng, nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng khe hở này để đối phó với cơ quan chức năng bằng cách triển khai “nhỏ giọt”, mỗi năm một ít.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ: Để xảy ra tình trạng dự án “treo”, dự án chậm triển khai trong nhiều năm nguyên nhân từ công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu sự kiểm soát và xử lý trong việc sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án… Tất nhiên, việc thu hồi các dự án “treo” là không hề dễ dàng, nhưng không phải là không thể thực hiện, quan trọng là chính quyền phải thật cương quyết, cần phải có biện pháp xử lý dứt điểm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Với những dự án chủ đầu tư chậm triển khai do chủ đầu tư không đủ năng lực cần có biện pháp xử lý thu hồi giao cho doanh nghiệp khác có năng lực để triển khai dự án, từ đó không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Liên quan đến các dự án ôm “đất vàng” rồi bỏ hoang và những công trình xây xong rồi “đắp chiếu” phóng viên Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục ghi nhận và làm việc với các cơ quan chức năng, chủ đầu tư dự án và tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nhóm PV
Theo