(Xây dựng) – Thủ đô đang từng ngày phát triển với những tòa nhà chọc trời cùng nhịp sống hối hả hiện đại. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là những chiếc cổng làng ẩn mình trong phố. Trải qua hàng trăm năm, cổng làng không chỉ đơn thuần là kiến trúc mà nó còn là hồn cốt, nơi thể hiện ước mơ, khát vọng của người dân.
Cổng làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai) được đắp nổi ba chữ lớn “Ước Lễ môn”. |
Có thể thấy, Hà Nội ngày nay đã phát triển vượt bậc so vời thời xưa. Từ vùng đất được mệnh danh là sông trong thành phố, đến thành phố hiện đại trải dài 2 bên bờ sông Hồng. Trước đây, Hà Nội với 36 phố phường đã đi vào trong thi ca, đến nay là một thành phố thông minh với 579 xã, phường, thị trấn, có đến 1.350 làng, phố. Đất Kinh Kỳ sở hữu trong mình 300 cổng làng cổ. Ngày nay, số cổng làng tuy đã giảm rất nhiều so với thuở sơ khai, nhưng những chiếc cổng nhỏ bé ấy vẫn tồn tại, mang trong mình giá trị văn hóa, kiến trúc đặc biệt.
Kinh đô Thăng Long xưa có 21 tuyến đường ngoại vi vào kinh thành, sau này quy hoạch lại còn 5 tuyến đường chính với 5 cửa ô như Ô Quan Chưởng (Đông Hà môn), Ô Cầu Giấy, Ô Cầu Dền, Ô Đông Mác. Trước đây, mỗi tuyến đường nối với các làng que và các cửa ô đều có cổng ra vào. Sau này, bởi nhiều lý do khác nhau mà các cổng này đã không còn để lại dấu vết. Chỉ riêng Ô Quan Chưởng là còn tồn tại đến ngày nay. Theo sử sách, Ô Quan Chưởng được xây dựng từ thời Lê Mạc (1527-1593). Đây là một cổng quan rất uy nghiêm mang chất thành quách, là dấu ấn đặc biệt về một kinh đô xưa.
Hầu hết cổng làng cổ được người xưa cho tạo tác những bức đại tự. Ở những vùng đất giàu chữ nghĩa, các cụ còn cho đắp nổi hoặc viết những câu đối hai bên cổng. |
Ở phía xa hơn, khu vực ngoại thành có cổng làng Ước Lễ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX. Như đã biết, làng Ước Lễ được xây dựng rất chỉnh trang theo lối thành quách trong lũy ngoài hào. Đầu và cuối làng có 2 cổng nhưng quy mô và mức độ hơn kém nhau. Cổng trước xây theo lối kinh thành Huế, khi xây xong đã bị triều đình cử người về kiểm tra. Nhờ có người làm quan trong triều và lễ lạt nên được cho qua. Đây là cổng đẹp tinh tế và bề thế. Chính môn là một vòm cuốn hai bên “mang cổng” là mảng tường rộng. Bên trên là thượng lâu bốn mái đủ lưỡng long chầu nguyệt và đao cuốn. Cổng được xây bằng gạch trần cổ Bát Tràng. Phía trước cổng là chiếc cầu cong vượt hào, tô thêm vẻ đẹp và tôn dáng vóc cho chiếc cổng đầy thẩm mỹ này. Trên “trán cổng” phía trước có 3 chữ đại tự “Ước Lễ môn”. Trán cổng phía từ trong làng đi ra có 3 chữ đại tự “Thiếu Cao Đại” - nghĩa là khuyên người làng khi ly hương, mỗi người hãy nâng tầm cao hơn một chút và mở tầm rộng hơn một chút. Chính nhờ lối kiến trúc riêng của làng và cái cổng đặc biệt này mà làng quê nơi đây thêm trù phú thịnh vượng.
Trong một thống kê, tính đến cuối năm 2013, không kể các cổng làng do sáp nhập Hà Tây (cũ) vào thì Hà Nội chỉ còn 98 cổng. Trong nội đô lịch sử, Thuỵ Khuê - con phố có nhiều cổng làng nhất Thủ đô bao năm rồi vẫn còn giữ được nét độc đáo của văn hóa làng quê. Những cổng làng rêu phong, cổ kính nằm xen giữa công trình cao tầng hiện đại…
Các cổng đều xây bằng gạch chỉ cuốn tò vò, trên có mái che, hai bên thường trạm khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm. Thường đó là chữ của vua ban tặng hay của ông đồ có tiếng trong vùng mang ý nghĩa ngợi ca hoặc răn dạy; Cũng có khi đó là câu đối đúc kết những tinh hoa của làng. Năm tháng qua đi, đời người nối tiếp, mưa gió bào mòn, những con chữ có thể mờ phai, mất nét nhưng lòng người vẫn hằn sâu.
Ngày nay, dọc theo trục đường Thụy Khuê theo thứ tự là các làng Yên Thái, An Thọ, Đông Xã, Hồ Khẩu và Thụy Khuê. Giữa phố xá ồn ào, tấp nập, đây là con phố hiếm hoi của Hà Nội còn giữ lại những nét cổ, văn hóa truyền thống.
Cổng làng Hồ Khẩu có diện tích lớn nhất so với các cổng khác trên con phố Thụy Khuê hiện đang trong quá trình tu sửa. |
Cổng làng Yên Thái, ngôi làng đã đi vào ca dao tiêu “Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”. |
Cổng làng Đông Xã ở ngõ 444 Thụy Khuê có kiểu thiết kế vuông vức, xưa có 5 bậc lên xuống nhưng do bất tiện người dân đã phá bỏ những bậc thang này. |
Cổng Hầu là lối dẫn vào làng An Thọ xưa, cổng được trùng tu vào năm 1998 song vẫn giữ lại hình dáng cổ với mái ngói ta. Ở cổng Hầu có đôi câu đối: Tô Thủy tuần hoàn văn phái viễn/Lý thành tả trĩ bút phong cao. |
Ngoài những cổng làng đặc biệt nêu trên, Hà Nội còn hàng trăm cổng làng khác cũng rất đẹp và mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, bản sắc riêng mỗi làng quê, lối phố. Những cổng làng ấy đã làm nên một bộ mặt, hồn bóng mỗi quê hương trên đất Hà Thành.
Cổng làng xưa kia là nơi đánh dấu ranh giới địa chính của làng. Dù to dù nhỏ, dù xây bằng gạch hay ghép đá, chiếc cổng làng chính là dấu ấn minh chứng cho một nếp làng bề thế, chỉn chu. Cửa nhà trong làng có thể xộc xệch, sơ sài, con người có thể lam lũ, nhếch nhác nhưng cổng làng thì phải đàng hoàng, chững chạc. Đơn giản chỉ bởi cổng làng là bộ mặt, là biểu tượng của làng quê, phần nào thể hiện được cốt cách của làng, tư chất của mỗi người dân trong đó.
Các chuyên gia chia sẻ rằng, cổng làng thường được xây dựng ở đầu hoặc cả cuối làng và trở thành điểm nút của sự gặp gỡ. Cổng làng là nơi người ta chào nhau, gặp gỡ, trò chuyện…
Cũng bởi yếu tố vị trí trong tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan, cổng làng cũng là một chỉ báo “quê nhà” trong mỗi người. Bởi, sau cái cổng ấy là sự bình yên, là nơi chôn rau cắt rốn với họ hàng nội ngoại, là mảnh đất chất chứa bao kỷ niệm. Cổng làng với những thành tố khác đã trở thành hình ảnh khắc sâu trong tim mỗi người dân làng, phố.
Cổng làng là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của làng quê cổ truyền vùng Bắc Bộ. Có làng giàu có, làng khoa bảng, làng nghề… tất cả những cái hay cái đẹp đều được các vị túc nho viết thành câu đối khắc trước cổng. Đó là một phần của văn hóa làng. Vì thế, theo các chuyên gia, những cổng làng còn lại cần được quan tâm đúng mức với những phương án thống kê, duy tu, bảo dưỡng, bảo vệ cẩn trọng.
Bởi, tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội đang diễn ra mạnh mẽ. Việc chỉnh trang, xây dựng nông thôn mới cũng đang được thực hiện trên toàn thành phố. Đã có một số cổng làng bị đập bỏ nhường chỗ cho đường mới, bị xây lại mất đi lối kiến trúc cũ.
Cổng làng Hà Nội là công trình mang dấu ấn, bản sắc văn hóa, hồn thiêng và là niềm tự hào đối với mỗi người dân quê hương. Cổng làng, một công trình khắc ghi bao nét tài hoa, cao sang và thịnh vượng của làng mà biết bao thế hệ cha ông dày công tạo dựng để lại cho con cháu. Uống nước nhớ nguồn, các thế hệ cháu con hôm nay cần giữ gìn để cổng làng - một di sản văn hóa, một dấu ấn thiêng liêng, một hồn quê sâu nặng đã gắn bó bao đời với quê hương được trường tồn và phát triển.
Vũ Trung – Ánh Dương
Theo