(Xây dựng) - Bộ GTVT chỉ ra nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng chậm tiến độ tại các dự án cao tốc Bắc - Nam là do thiếu vật liệu đắp nền đường, đặt ra yêu cầu cần có giải pháp lâu dài, bền vững cho vấn đề này.
Thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn đi qua tỉnh Quảng Trị. |
Khan hiếm khi yêu cầu lớn và tiến độ gấp
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến triển khai các dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, 13 địa phương, các DN, nhà thầu, đơn vị thi công dự án tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu thực hiện nghiêm Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020; thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện dự án; yêu cầu các địa phương rà soát việc cấp phép và khai thác mỏ vật liệu trên địa bàn và xử lý thật nghiêm nếu phát hiện sai phạm, trục lợi, găm hàng, ép giá.
Nhận diện vấn đề này, các chuyên gia cho biết, đặc điểm chung của địa hình Việt Nam là đồi núi chiếm ¾ diện tích lãnh thổ, đồng bằng chỉ chiếm ¼ diện tích, chủ yếu là đồi núi thấp, trên phạm vi cả nước, địa hình đồng bằng và đồi núi thấp (dưới 1.000 m) chiếm tới 85%, địa hình cao (trên 2.000 m) chỉ chiếm 1%, cấu trúc địa hình khá đa dạng.
Cho nên, không thể nói Việt Nam khan hiếm VLXD đường bộ, việc khan hiếm VLXD cao tốc Bắc - Nam hiện nay chỉ là khan hiếm mang tính cục bộ, mang tính thời điểm do công tác quản lý và công suất khai thác khi triển khai các công trình trọng điểm có nhu cầu vật liệu lớn và yêu cầu tiến độ gấp.
Bên cạnh đó, theo một đơn vị tư vấn thiết kế công trình giao thông, trong quá trình thực tế triển khai dự án, đơn vị tư vấn thiết kế đã phải thực hiện khâu khảo sát mỏ vật liệu theo đề cương, dự toán rất kỹ lưỡng, bao gồm các nội dung: Khảo sát vị trí, trữ lượng, chất lượng; Các tuyến đường, cấp loại đường có khả năng vận chuyển đến công trình; Khảo sát giá tại các vị trí mỏ thời điểm khảo sát; Khảo sát các vị trí tập kết, đổ thải vật liệu đào thải; Thể hiện bản đồ duỗi thẳng vị trí, các tuyến đường vận chuyển; Phân tích các cự ly vận chuyển tối ưu, khả thi (cự ly vận chuyển kinh tế);...
Cần sự thống nhất trong quản lý tài nguyên
Vậy, để xảy ra tình trạng: Không đủ vật liệu cung cấp do năng lực cung ứng tại các mỏ được khảo sát; Giá tăng rất cao so với thời điểm khảo sát do khan hiếm; Thủ tục mở mỏ hoặc cho nâng công suất khai thác rất khó khăn, mất thời gian, không thể đáp ứng tiến độ bỏ thầu; Nhiều nhà thầu đến cùng 1 mỏ mua do phạm vi phân chia gói thầu chưa hợp lý... là do đâu?
Các chuyên gia cho rằng, chưa có sự quản lý thống nhất chung về tài nguyên đất, đá từ Trung ương đến địa phường; Tiến độ các dự án lớn, trọng điểm chưa phù hợp khả năng khai thác, cung ứng vật liệu; Chưa có/chưa hoàn chỉnh hệ thống định mức liên quan đến khai thác chế biến vật liệu; Chưa có quy định chặt chẽ về việc phải tận dụng tối đa, tránh lãng phí tài nguyên từ vật liệu đào ra như Đất, đá…; Hệ thống quy trình quy phạm còn bất cập với các quy định yêu tiêu chuẩn quá cao về vật liệu, một số dự án đã phải xem xét điều chỉnh quy định mới có vật liệu để làm; Nhà thầu khi bỏ giá chưa có sự đầu tư khảo sát nghiên cứu kỹ trước khi xác định giá bỏ thầu.
Theo đó, các giải pháp được đề xuất là: Nâng cao trách nhiệm của các chủ đầu tư và đơn vị tư vấn trong khâu lập, trình, phê duyệt nội dung, chi phí khảo sát đảm bảo đủ cơ sở xác định chuẩn xác khối lượng, chất lượng, khả năng cung cấp, cự ly và hiện trạng các tuyến đường công vụ, đường vận chuyển; Đưa ra các quy định về quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương về vật liệu cho các dự án quan trọng, dự án lớn, dự án trọng điểm đảm bảo đủ nguồn vật liệu (Quy hoạch mỏ vật liệu địa phương cho dự án trọng điểm, cho phép giao các nhà thầu khai thác cho nhu cầu của dự án để chủ động); Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các địa phương trong việc phối hợp quản lý nguồn vật liệu, thực hiện việc cam kết cụ thể với các dự án lớn/quan trọng/trọng điểm quốc gia;
Nghiên cứu xây dựng và ban hành hệ thống định mức khai thác, chế biến, vận chuyển vật liệu để quản lý thống nhất chung về mức chi phí vật liệu cung ứng, đảm bảo tính kinh tế của dự án, đồng thời tránh thất thoát, lãng phí.
Thanh Nga
Theo