(Xây dựng) - Nông thôn Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và phong phú, như văn hóa truyền thống, bản sắc cộng đồng, cảnh quan hoang sơ... Đây là những yếu tố quan trọng để hình thành điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách. Đặc biệt là sau đại dịch, tâm lý của những công dân sống ở các đô thị lớn muốn tìm về với thiên nhiên để tìm cảm giác bình an.
Ảnh minh hoạ. |
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới, du khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10% tổng lượng khách du lịch và cho doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Tỷ lệ này tăng hằng năm từ 10-30%, trong khi du lịch truyền thống chỉ tăng trung bình 4%/năm. Du lịch nông thôn khá đa dạng, nhưng tại Việt Nam, du lịch nông thôn được nhận định gồm 3 loại hình cơ bản là du lịch nông nghiệp/du lịch canh nông, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, trong đó, trọng tâm là du lịch cộng đồng.
Tính đến nay, cả nước có trên 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Theo thống kê sơ bộ từ báo cáo của 37 tỉnh, thành phố, nước ta đã có 73 tuyến du lịch có dẫn khách đến các điểm du lịch nông thôn và có 365 điểm du lịch nông thôn. Tuy nhiên, các điểm du lịch nông thôn chủ yếu quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp và mang tính tự phát.
Cho đến thời điểm này, Việt Nam chưa có chính sách tổng thể về phát triển du lịch nông thôn cấp quốc gia. Mỗi địa phương có những chính sách phát triển và hỗ trợ riêng, hầu hết các chính sách đang triển khai là lồng ghép vào các chương trình phát triển và chính sách đặc thù khác của địa phương. Một số tỉnh đã chủ động, sáng tạo xây dựng và thực hiện các đề án, kế hoạch, quy chế… phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp/du lịch canh nông, trong đó có tỉnh Lâm Đồng; một số địa phương có mô hình quản lý du lịch cộng đồng như: Quảng Trị, Đồng Tháp, Bến Tre...
Tổng nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch nông thôn cũng rất hạn chế, chủ yếu từ ngân sách nhà nước thông qua các dự án đầu tư công trình hạ tầng nông thôn như điện, đường, nước sạch... phần lớn từ nguồn vốn xây dựng Nông thôn mới. Sản phẩm du lịch nông thôn nhìn chung chưa đặc sắc. Đặc biệt, thị trường khách du lịch nông thôn còn nhiều hạn chế, chủ yếu vẫn là khách trong nước (nội địa) và khách tại chỗ (trong tỉnh). Một số trung tâm du lịch bước đầu có thêm du khách nước ngoài, nhưng số lượng còn ít như: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Lào Cai, Quảng Ninh…
Nhiều ý kiến trong Hội thảo về Định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cho rằng, để phát triển du lịch nông thôn cần có chủ trương, cơ chế và chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đó là, các chính sách về quản lý đất đai, hạ tầng, về quản lý du lịch nông thôn, hỗ trợ du lịch nông thôn, quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông thôn...
Theo ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Du lịch nông thôn đóng vai trò quan trọng trong tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, trong tổ chức không gian, kết nối với đô thị và các trung tâm du lịch, góp phần mở rộng phạm vi không gian và kéo dài thời gian lưu trú của khách. Phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường.
Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành Kinh tế mũi nhọn và mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới bền vững.
Hạ Ly
Theo