(Xây dựng) - Đơn vị ông Dương Văn Huy (Tuyên Quang) được giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng trạm y tế xã trên địa bàn 2 huyện (1 dự án có 2 trạm y tế tại 2 huyện khác nhau), có tổng mức đầu tư 19 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 28 và Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, dự án đơn vị ông Huy thực hiện thuộc dự án nhóm III (có phát sinh chất thải nguy hại).
Ông hỏi, dự án nêu trên thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường là có đúng theo quy định hay không?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 20220 quy định: "Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức".
Quy định này được áp dụng đối với dự án đầu tư được phân loại theo các tiêu chí về môi trường kể từ ngày Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành, làm cơ sở xác định đối tượng phải có giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư thuộc nhóm I, II và III.
Theo đó, dự án "có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý" được hiểu là nước thải, bụi, khí thải phát sinh từ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của dự án đầu tư xả ra môi trường nếu không xử lý thì vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường quy định.
Khoản 2 Điều 71 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định: "Đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc nhóm I, nhóm II, nhóm III quy định tại các Phụ lục III, IV và V ban hành kèm theo Nghị định này có phát sinh chất thải nguy hại với tổng khối lượng từ 1.200 kg/năm trở lên hoặc từ 100 kg/tháng trở lên trong quá trình vận hành thì phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường".
Thu Hằng
Theo