(Xây dựng) - Dự án đường Vành đai 4 Hà Nội là dự án xây dựng tuyến đường bộ vành đai phục vụ giao thông đi lại của cư dân Thủ đô. Dự kiến, dự án có chiều dài 112,8km, có 3 cầu vượt vượt sông, 6 làn xe cao tốc.
Đường Vành đai 4 dự kiến vượt qua 3 con sông là: Sông Hồng, sông Đuống và sông Cầu. |
Theo thiết kế, đường Vành đai 4 Hà Nội sẽ bao gồm 6 làn xe cao tốc và đường gom đô thị. Mặt đường rộng từ 90m đến 135m; đi qua 16 huyện bao gồm: Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín, Sóc Sơn (Thành phố Hà Nội), Văn Giang, Yên Mỹ, Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên), Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong, Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) và Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang). Tổng mức đầu tư: 66.500 tỷ đồng
Theo kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại Hà Nội trong giai đoạn tới của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, từ 2021 – 2025 nhiều tuyến đường trọng điểm của thành phố sẽ bắt đầu được triển khai xây dựng đồng bộ. Trong đó, tuyến đường Vành đai 4 là tuyến vành đai trọng điểm được đầu tư xây dựng, đồng thời cơ bản hoàn thành mạng lưới đường trên cao khu vực trung tâm đô thị. Cụ thể, đường Vành đai 4 sẽ triển khai thi công xây dựng, cơ bản hoàn thành trong giai đoạn này và được đầu tư theo hình thức BOT.
Ngày 14/02, phát biểu tại buổi hội thảo Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 có ý nghĩa tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội và toàn bộ vùng Thủ đô, góp phần kết nối các tuyến đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm, mà hiện nay tuyến đường Vành đai 3 đang đảm nhiệm và đã chịu quá tải trầm trọng.
Cũng theo ông Chu Ngọc Anh, khi có tuyến đường Vành đai 4 sẽ giảm ùn tắc cho Vành đai 3, góp phần phát triển đô thị 2 bên tuyến, phục vụ công tác an ninh, quốc phòng.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đề nghị các đại biểu về dự phát huy kinh nghiệm lãnh đạo, kiến thức khoa học, tầm nhìn vĩ mô, với tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng để giúp UBND Thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tại hội thảo, đại diện Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đã báo cáo tóm tắt nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4. Theo đó, đường Vành đai 4 có chiều dài 112,8km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Dự án đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100km/h, gồm thành phần đường cao tốc và tuyến nối theo hướng đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long; đoạn 4 làn xe và đường bên có tốc độ 60-80 km/h.
Dự án đường Vành đai 4 sẽ có 8 nút giao chính được xây dựng giai đoạn 1 bao gồm: nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai; nút giao đường trục Mê Linh; Đại lộ Thăng Long; Quốc lộ 6; nút giao Pháp Vân – Cầu Giẽ; nút giao cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; Quốc lộ 38; nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Dự án đường Vành đai 4 cũng có 3 cầu vượt vượt sông. Cụ thể, 2 cầu vượt sông Hồng là: cầu Hồng Hà (dài 5.023m) và cầu Mễ Sở (dài 2.674m); 1 cầu lớn vượt sông Đuống (dài 990m)...
Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại từ giai đoạn chuẩn bị (khảo sát bằng thiết bị bay không người lái, công nghệ ảnh hàng không…); giai đoạn thực hiện sử dụng các vật liệu mới như bê tông cường độ cao, siêu cao, mặt đường nhựa polymer với nhiều thiết bị và phương pháp thi công mới.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò của giao thông là vô cùng quan trọng. Cơ sở hạ tầng giao thông đặt định hướng và thúc đẩy liên kết vùng, hình thành các sự kết nối hiệu quả với thị trường trong nước và quốc tế. Mỗi bước phát triển của cơ sở hạ tầng đều tác động trực tiếp đến hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh của đất nước.
Nhận thức rõ điều đó, trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, đặc biệt ngành Giao thông vận tải đã tích cực phát triển toàn diện, từng bước quy hoạch lại hạ tầng giao thông vùng có tác động không nhỏ tới sự phát triển của các ngành kinh tế nói chung và của thị trường bất động sản nói riêng. Nhiều chuyên gia trong giới bất động sản cũng nhận định bất động sản dọc trục đường Vành đai 4 sẽ tăng giá đáng kể khi tuyến đường này hoàn thành.
Ngoài ra, công trình này còn mở ra nhiều cơ hội và khả năng hợp tác đầu tư giữa các tỉnh ven đô Hà Nội, tạo tiền đề thúc đẩy các hoạt động giao thương, vận tải trong khu vực để thúc đẩy nền kinh tế – xã hội toàn khu vực phát triển, hình thành nên vùng kinh tế hiện đại bậc nhất.
Mộc Miên
Theo