(Xây dựng) - Hiện số vốn chưa giải ngân thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2023 còn khá lớn, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các Sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Hạng mục cầu Thống Nhất thuộc dự án đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa nằm trong nhóm giải ngân đầu tư công. |
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục ra văn bản gửi các Sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư yêu cầu những đơn vị này đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện số vốn chưa giải ngân thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2023 còn khá lớn (trên 50% kế hoạch). Để đảm bảo giải ngân hoàn thành kế hoạch năm 2023, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đề nghị lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương và đơn vị chủ đầu tư cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công không đạt mục tiêu đề ra.
Cụ thể về từng nhóm đơn vị cam kết thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị nhóm 5 đơn vị cam kết giải ngân từ 80% đến dưới 90% kế hoạch và 24 đơn vị cam kết giải ngân từ 90% kế hoạch trở lên thực hiện đảm bảo đạt tỷ lệ cam kết và phấn đấu đạt tỷ lệ cao hơn.
Riêng nhóm 3 đơn vị cam kết giải ngân dưới 80% kế hoạch, UBND tỉnh đề nghị 2 đơn vị phấn đấu giải ngân đạt từ 80% kế hoạch trở lên. Tỉnh Đồng Nai cũng lưu ý, trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để kịp thời tháo gỡ, xử lý.
Dự án xây dựng kè, đường ven sông Đồng Nai vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng. |
Tính đến nay, Đồng Nai nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công thấp của cả nước.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, nguồn vốn đầu tư công được phân bổ cho công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng lớn nhưng quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn. Qua rà soát, các nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Đồng Nai đạt thấp vì vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; thiếu hụt nguồn vật liệu và các quy hoạch chưa đồng bộ; trong đó, nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là do vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi triển khai thực hiện các dự án.
Các dự án bị ảnh hưởng bởi công tác giải phóng mặt bằng gồm một số dự án trọng điểm như: Hạng mục cầu Thống Nhất thuộc dự án đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa; dự án đường hương lộ 2; dự án xây cầu Vàm Cái Sứt; dự án nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 768 đoạn từ cầu Thủ Biên đến tỉnh lộ ĐT767, thuộc thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu. Chỉ tính riêng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua 1 (dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước thẩm quyền về đầu tư), từ nay đến hết năm 2023, các đơn vị liên quan phải thực hiện giải ngân nguồn vốn hơn 1.400 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng. Đây là một trong những nhiệm vụ được xác định là gần như “bất khả thi” vì chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc năm 2023.
Thìn Nguyễn
Theo