(Xây dựng) – Gần đây, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch, kiểm tra các nhà chung cư để xác định những vấn đề còn tồn tại liên quan đến hoạt động quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Từ đó giải quyết kịp thời các tranh chấp, bất đồng hoặc có biện pháp xử lý phù hợp, không để trở thành các vụ việc khiếu kiện phức tạp. Nhận nhiệm vụ, UBND quận Đống Đa đã nhanh chóng triển khai xây dựng kế hoạch, kiểm tra nhằm bám sát thực tiễn tại cơ sở.
Phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa thực hiện công tác kiểm tra hoạt động quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư tại địa bàn. |
Tính đến thời điểm hiện tại, quận Đống Đa đang là quận nội đô có số lượng chung cư lớn nhất Thành phố Hà Nội với tổng số 546 chung cư bao gồm 506 đơn nguyên cũ và 40 chung cư thương mại. Với thực tế, càng nhiều chung cư mới xuất hiện thì kéo theo càng nhiều phát sinh liên quan đến hoạt động quản lý, vận hành, sử dụng, tranh chấp, bất đồng. UBND quận Đống Đa đã nhanh chóng triển khai xây dựng kế hoạch, kiểm tra nhằm tìm ra biện pháp xử lý phù hợp bám sát thực tiễn địa phương.
Ngay từ đầu năm, UBND quận Đống Đa đã lên Kế hoạch Số 51/KH-UBND ngày 25/01/2022 và hoàn thành nội dung triển khai với các kết quả cụ thể như: Công tác tổ chức triển khai thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng, bảo trì nhà chung cư (bao gồm: công tác rà soát, công tác tuyên truyền, công tác thanh tra đánh giá) từ đó đưa ra được giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn cũng như đưa ra được đề xuất kiến nghị với các Bộ, ngành...
Về công tác rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng, bảo trì nhà chung cư và các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, bảo trì nhà chung cư, UNBD quận Đống Đa phát hiện một số vấn đề tồn đọng như: Các văn bản quy pháp pháp luật hiện hành về quản lý, sử dụng, bảo trì nhà chung cư chưa có quy định cụ thể, gây khó khăn cho công tác tổ chức thực hiện ở địa phương. Thiếu các quy định về việc xây dựng quy trình tổ chức Hội nghị nhà chung cư, quy trình tìm kiếm nhân sự tham gia Ban quản trị nhà chung cư, quy trình bầu Ban quản trị nhà chung cư, mẫu phiếu bầu Ban quản trị nhà chung cư...
Về công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn: UBND quận đã xây dựng và ban hành các Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 06/02/2020 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 28/6/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn quận Đống Đa; Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 20/01/2021 của UBND quận Đống Đa về đảm bảo công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn quận Đống Đa; Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 25/01/2022 của UBND quận về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn quận Đống Đa.
Kết quả đáng nổi bật như: UBND 21 phường trên địa bàn quận đã tổ chức xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, gắn với tình hình thực tiễn ở địa phương, tập trung trong công tác quản lý và giải quyết các tồn tại theo 05 nhóm vấn đề đã được UBND quận nêu cụ thể tại Kế hoạch. Đã xây dựng và ban hành Văn bản số 249/UBND-QLĐT ngày 19/02/2020 về việc triển khai thực hiện các công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thực hiện nhiệm vụ về quản lý nhà chung cư. UBND 21 phường đã tổ chức cấp phát, tuyên truyền 2.500 tập tài liệu trên đến toàn bộ các cán bộ, công chức, cán bộ cơ sở của phường. Văn phòng HĐND & UBND đã tổ chức đăng tải tập tài liệu trên và toàn bộ các quy định kèm theo lên trang Website của UBND quận Đống Đa. Ngày 04/03/2020, đã tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền bộ tài liệu quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư; kiểm tra, xử lý các vi phạm trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư cho cán bộ, nhân dân 03 phường: Phương Mai, Khương Thượng và Ngã Tư Sở. Ngày 09/6/2020, đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, với sự tham gia của đại diện Sở Xây dựng, các lãnh đạo phòng ban của quận, lãnh đạo UBND, Công an 21 phường, đại diện tổ dân phố, ban quản trị, chủ đầu tư của 37 nhà chung cư trên địa bàn quận.
UBND quận thường xuyên tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền bộ tài liệu quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư; kiểm tra, xử lý các vi phạm trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư cho cán bộ, nhân dân. |
Ngoài ra, UBND quận Đống Đa còn thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành gồm nhiều Phòng ban, đơn vị phối quản và UBND, Công an các phường tổ chức kiểm tra công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư; qua đó cơ bản thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo đúng quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của UBND các cấp trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Kết quả tiêu biểu: Năm 2020 đã tổ chức kiểm tra 27/37 nhà chung cư. Năm 2021 đã tổ chức kiểm tra 12/38 nhà chung cư. Giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, đơn thư các chung cư: M3-M4, M5 Nguyễn Chí Thanh, 165 Thái Hà, 187 Nguyễn Lương Bằng...
Phối hợp với các chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý vận hành các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn để triển khai hình thức tuyên truyền hàng ngày sử dụng hệ thống âm thanh thông báo, hệ thống màn hình quảng cáo đã được trang bị sẵn tại tòa nhà với thời lượng ít nhất 2 giờ/ngày và được duy trì trong khung giờ cao điểm, đã thực hiện được 36 cơ sở tổng số 36 cơ sở.
Hàng quý, hàng năm, UBND quận đều có báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn gửi Sở Xây dựng theo quy định góp phần giúp đánh giá tính kịp thời, đầy đủ, chính xác trong thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng, bảo trì chung cư.
Nhận nhiệm vụ được giao của Sở Xây dựng, UBND quận Đống Đa đã nhanh chóng triển khai xây dựng kế hoạch, kiểm tra nhằm bám sát thực tiễn tại cơ sở. |
Ông Trương Minh Quang – Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa cho biết: Thời gian tới, UBND quận sẽ tập trung tăng cường phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư bằng nhiều hình thức từ cấp ủy đến cơ sở để nâng cao hiểu biết cho cư dân các tòa nhà về trách nhiệm, quyền lợi của mình, đặc biệt trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC). Đẩy mạnh triển khai tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác quản lý. Tăng cường công tác kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật. Đồng thời, sát sao trong công tác chỉ đạo UBND các phường thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành phố, tiếp tục tổ chức kiểm tra UBND các phường, các đơn vị chủ đầu tư, ban quản trị nhà chung cư trong công tác quản lý vận hành. Từ đó, sớm giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các tranh chấp, bất đồng hoặc có biện pháp xử lý phù hợp, không để trở thành các vụ việc khiếu kiện phức tạp, gây mất an ninh, trật tự công cộng.
Được biết, trên địa bàn Hà Nội hiện nay có hơn 930 nhà chung cư đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; trong đó, có 132 nhà chung cư đưa vào sử dụng trước khi Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực vào ngày 1/7/2006 và hơn 800 nhà chung cư đưa vào sử dụng sau thời điểm này. Theo đề nghị của Sở Xây dựng, các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn các quy định pháp luật về nhà ở, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật. Đồng thời, các địa phương phối hợp với công an thành phố tuyên truyền, hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các khu chung cư. 5 quận nằm trong danh sách kiểm tra gồm Thanh Xuân, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Hoàng Mai. Xây dựng kế hoạch, kiểm tra các nhà chung cư để xác định những vấn đề còn tồn tại về thành lập ban quản trị, bàn giao hồ sơ nhà chung cư, bàn giao - tiếp nhận, quản lý quỹ bảo trì, bàn giao diện tích chung - riêng... để giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các tranh chấp. Sở Xây dựng cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã quản lý chặt hoạt động đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn, đặc biệt là việc chấp hành quy định pháp luật về xây dựng, về phòng cháy chữa cháy. Sở cũng yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch, kiểm tra các nhà chung cư để xác định những vấn đề còn tồn tại liên quan đến hoạt động quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư như tổ chức hội nghị nhà chung cư, thành lập ban quản trị, bàn giao hồ sơ nhà chung cư, bàn giao - tiếp nhận, quản lý quỹ bảo trì, bàn giao diện tích chung - riêng... Từ đó giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các tranh chấp, bất đồng hoặc có biện pháp xử lý phù hợp, không để trở thành các vụ việc khiếu kiện phức tạp, gây mất an ninh, trật tự công cộng. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong số 132 chung cư đưa vào sử dụng chỉ có 93 chung cư đã thành lập Ban quản trị, số còn lại do xây dựng trước thời điểm Luật Nhà ở năm 2005, không có kinh phí bảo trì nên cư dân không muốn thành lập Ban quản trị. Đối với hơn 800 nhà chung cư đưa vào sử dụng sau ngày 1/7/2006, hiện có 567 nhà chung cư đã thành lập Ban quản trị, nhưng chỉ có 414 nhà chung cư đã bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị. |
Thảo Phương
Theo