(Xây dựng) - Là thị xã nhỏ nhất nước, với diện tích hơn 11.266 ha, gồm 2 phường và 1 xã, trung tâm thị xã nằm trong thung lũng hẹp, dài, nơi ngã ba giao cắt của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Sau khi Nhà nước tái định cư để xây dựng thủy điện Sơn La, Mường Lay hôm nay đã thay đổi diện mạo thành đô thị văn minh, mang đậm bản sắc dân tộc.
Diện mạo đô thị đổi thay
Ông Hoàng Văn Quyền - Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay chia sẻ: Thị xã Mường Lay được quy hoạch đô thị, nét đẹp văn hóa dân tộc ngày càng phát huy giá trị trong đô thị hiện đại. Thông qua các lễ hội, đặc biệt một số di sản như nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, Lễ hội đua thuyền đuôi én, phù hợp với đô thị đặc thù của Mường Lay vừa bảo tồn văn hóa dân tộc, gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch.
Bên cạnh đó, hệ thống cây xanh đang từng bước phát triển, phong cảnh ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, giữ gìn môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững. Năm 2023, thị xã Mường Lay đã nhận giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia về Phát triển đô thị xanh do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trao giải.
Trong giai đoạn đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Mường Lay đã linh hoạt tận dụng, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế địa phương, để phát triển kinh tế. Năm 2023, thu nhập bình quân người lao động đạt 37,02 triệu đ/người. Cơ cấu kinh tế theo ngành, lĩnh vực dịch chuyển đúng hướng, thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm 65,88%; nông, lâm nghiệp thủy sản đạt 16,73%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng đạt 17,39%. Tổng sản lượng cây lương thực có hạt đạt 3.563,53 tấn (tăng 9 lần so với năm 1971); tỷ lệ che phủ rừng đạt 65,4%. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng bình quân theo giá so sánh 2010 đạt 138,05 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trung bình đạt 334,69 tỷ đồng.
Thời gian qua, Mường Lay luôn tạo môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, cho các DN thuộc mọi lĩnh vực kinh tế phát triển lành mạnh và cạnh tranh bình đẳng trên địa bàn. Trong đó, ban hành các giải pháp, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong quy trình đầu tư, thủ tục hành chính, cấp giấy phép kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư; chủ động phối hợp với các sở, ban ngành tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế của địa phương và khuyến khích các cơ sở, hộ kinh doanh tiếp tục phát triển, mở rộng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. Tính đến nay, thị xã có 9 hợp tác xã, với 91 thành viên, có 375 hộ kinh doanh cá thể, đã giải quyết và cấp phép kinh doanh cho 124 hộ.
Mường Lay đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chế biến sản phẩm. Hiện nay, thị xã có 2 sản phẩm OCOP (khẩu xén và bánh chí chọp). Năm 2023, Mường Lay đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu, trồng gần 80 ha cây quế, bước đầu được đông đảo Nhân dân hưởng ứng và thời gian tới sẽ có nhiều mô hình, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đầu tư vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương, vừa tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Sìn Văn Dưỡng - Trưởng bản Bắc 1 chia sẻ, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương, bộ mặt đô thị thay đổi rõ rệt, đường giao thông mở rộng, trải thảm nhựa, sạch sẽ, người dân bản Bắc chúng tôi vô cùng phấn khởi.
Hướng đến thành phố du lịch thông minh
Để đưa Mường Lay trở thành đô thị du lịch, nhất là du lịch thông minh, chính quyền địa phương luôn bám sát kế hoạch và song hành cùng doanh nghiệp, cũng như nguồn lực thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng sản phẩm dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, nhất là nâng cấp giao thông, tăng cường nâng cao hình ảnh cho địa phương, thông qua các kênh truyền thông, quảng bá trên không gian mạng.
Khu tái định cư của đồng bào Thái. |
Thời gian qua, thị xã Mường Lay đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển du lịch và gắn phát triển du lịch với công tác bảo tồn, phát huy các thiết chế văn hóa địa phương. Trong đó, thị xã đang tập trung thực hiện Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thị xã Mường Lay gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Ông Quàng Văn Sinh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Mường Lay cho biết, để đáp ứng nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ của du khách đến với thị xã; ngoài hệ thống khách sạn, nhà nghỉ; những năm gần đây, Mường Lay thường xuyên khuyến khích Nhân dân tổ chức đón khách, thúc đẩy dịch vụ homestay, cơ bản đáp ứng đủ điều kiện lưu trú và trải nghiệm văn hóa, du lịch của du khách. Hiện nay, thị xã có hơn 30 hộ phát triển mô hình du lịch cộng đồng, với sức chứa gần 500 du khách, tập trung chủ yếu ở xã Lay Nưa và phường Na Lay.
Mường Lay được biết đến với các sản phẩm du lịch sông nước và lòng hồ thủy điện; du lịch văn hoá; du lịch lịch sử; du lịch khám phá… Không chỉ giàu sản phẩm văn hóa vật thể, Mường Lay còn rất phong phú văn hóa phi vật thể - những nét văn hóa dân tộc truyền thống như các điệu múa nón, múa xòe, múa khăn, đàn tính tẩu, văn hóa ẩm thực dân tộc, các môn thể thao truyền thống ném còn, đẩy gậy, lễ Kin Pang Then, lễ hội đua thuyền đuôi én... Đây là điều kiện thuận lợi để thị xã khai thác và phát huy giá trị truyền thống của địa phương.
Trên địa bàn Mường Lay có bản du lịch cộng đồng Quan Chiêng chính thức đi vào hoạt động, bước đầu phát huy hiệu quả tích cực, được du khách tín nhiệm và đánh giá cao. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng trên địa bàn đáp ứng được nhu cầu phục vụ dịch vụ du lịch. Trong năm 2023, Mường Lay đã đón 31.616 lượt khách du lịch.
Phượng Nguyễn
Theo