(Xây dựng) - Đảo Thẻ Vàng là một hòn đảo lớn trong quần đảo thuộc xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn, trên vịnh Bái Tử Long. Nếu đi tàu từ bến Cái Rồng (đảo Cái Bầu, trung tâm của huyện Vân Đồn) ra đảo Thẻ Vàng thì rất xa, nhưng đi tắt từ bến tàu Vũng Đục thuộc phường Cẩm Đông, thành phố Cẩm Phả đến thì chỉ khoảng trên 13km đường biển.
Tiết xuân hoa đua sắc thắm, chùa Thiên Phúc văng vẳng tiếng chuông ngân, gợi nhớ nét văn hóa ngàn xưa nơi thương cảng Vân Đồn. |
Đảo Thẻ Vàng là một trong số 7 đảo đất của xã Thắng Lợi với 92 hòn đảo, đa số là đảo đá, và chỉ 2 đảo có người ở là Cống Đông và Cống Tây với 435 hộ. Xã còn 68 hộ du cư trên biển, thuyền bè vừa là nơi ở vừa là phương tiện sản xuất, khai thác nuôi trồng thủy sản.
Đất này từ thời nhà Nguyễn về trước gọi là Cống Đông thuộc tri huyện Hoành Bồ. Cư dân chủ yếu người làng chài Giang Võng, Trúc Giang neo đậu thuyền bè khi trời dông biển động. Láng giềng của họ là thợ rừng cập bè chờ con nước thuận dòng về xuôi. Thời Lý-Trần, Cống Đông từng là trung tâm thương cảng Vân Đồn có lạch sông Cống Đông nước sâu và lặng sóng. Tả hữu, lạch Cống Đông có đảo Thẻ Vàng và đảo Vạ Giếng án ngữ như hai vị Hộ Pháp cai quản cửa biển. Truyền tục đảo đất thiêng, người xưa lập đền Tọa Sơn trên đảo Thẻ Vàng, đền Vạ Giếng trên đảo Vạ Giếng, thuyền bè qua đây phải dâng lễ mới thuận buồn mát mái.
Đó là vấn đề tâm linh, kỳ thực thì vùng nước này đặc trưng hải lưu ngầm. Nơi hợp thủy ba dòng sông lớn, một nguồn từ sông Ba Chẽ (con sông dài nhất vùng Đông Bắc 150km) qua Cửa Suốt chảy đến; nguồn thứ hai từ Sông Mang, Vân Hải đổ về và nguồn kia từ Cửa Giữa, do triều dâng tạo thành. Giao lộ hải lưu tạo xoáy xiết, rất nguy hiểm cho thuyền bè trước đây chạy bằng sức gió (Hòn Đũa trên vịnh Bái Tử Long còn gọi là Hòn Quay. Núi đá không quay được, nhưng khi triều rút bốn bề nước xoáy tít áo giác quả núi quay như gụ, thì gọi là hòn quay), nhiều người đã gặp nạn ở cửa biển này.
Ít ai ngờ rừng trên đảo Thẻ Vàng lại đại ngàn, xanh tốt như vùng rẻo cao miền núi vậy. |
Ngày trước, Cống Đông là cửa cái của thương cảng Vân Đồn (khi giao thông đường bộ chưa phát triển, giao thông thủy là chủ đạo), còn là cửa rừng vùng Đông Bắc, giao thương sầm uất. Nay 92 hòn đảo chỉ 7 đảo có đất nhưng không có nguồn sinh thủy, đất khô cằn sỏi đá thì người khó sinh sống. Năm đầu giải phóng khu mỏ, chính quyền vận động được vài chục hộ dân lên đảo dựng nhà ở, bỏ du cư trên biển thì coi đó là một thắng lợi, nên đổi tên Cống Đông thành xã Thắng Lợi, nhưng người già quen miệng vẫn gọi là Cống Đông.
Xã Thắng Lợi hết mùa mưa là đói nước, chẳng mấy người chí thú gắn bó với đảo. Năm 1979, địa phương còn phải xây nhà biếu không cho dân ra đảo định cư giữ đất. Năm 1983, Nhà nước có chính sách giao đất giao rừng, đặc biệt là khi luật bảo vệ và phát triển rừng 2004 có hiệu lực, ngoài chài lưới, dân xã Thắng Lợi còn dựa vào nghề rừng mà sinh sống, đời sống người dân có khấm khá hơn.
Đảo Thẻ Vàng ngày trước dưới thấp thanh hao, giàng giàng, trên cao đồi trọc nay ngút ngàn cây xanh 2. |
7 đảo có đất, trước đây toàn sim mái, thanh hao, giàng giàng, cỏ dại... nay cây rừng trồng tươi tốt. Đảo Thẻ Vàng tiêu biểu cho kinh tế nghề rừng của xã Thắng Lợi. Hòn đảo này rộng gần 800ha, thời cao điểm sổ bộ quản lý rừng của địa phương có trên 50 hộ nhận giao đất giao rừng. Trong quá trình phát triển có sự thay đổi chủ sở hữu, như đơn vị này không còn nhu cầu sử dụng rừng, bãi triều nữa thì trả lại cho địa phương giao cho đơn vị kia tiếp quản. Người được giao đất giao rừng, trong quá trình sản xuất không đảm đương được thì chuyển nhượng cho người khác quản lý.
Đảo Thẻ Vàng đất rừng vô hình như được thu gom lại, điền bạ tập trung vào tay những chủ rừng lớn, không xé lẻ manh mún như trước. Hộ trồng rừng nâng cấp lên Công ty và mở rộng sản xuất, hoạt động kinh tế đa nghề như: Nuôi trồng thủy hải sản, trồng rừng kết hợp với dịch vụ du lịch sinh thái. Hòn đảo này nổi lên hai ông chủ lớn là Công ty Cổ phần Ngọc Long (Công ty Ngọc Long) và Công ty cổ phần Hoàng Trường (Công ty Hoàng Trường).
Công ty Ngọc Long quản lý, sử dụng 111,6ha, trong đó có 97ha là đất trồng và bảo vệ rừng; 14,6ha đất mặt nước nuôi trồng thủy sản; đất có nguồn gốc từ thị đoàn Cẩm Phả được chính quyền địa phương giao theo Quyết định số 113/QĐ-UB ngày 12/3/1993. Tiếp đó, ngày 1/1/2008 thị đoàn Cẩm Phả có Quyết định số 131/QĐ-TĐ-CP giao cho ông Tô Văn Chương sở hữu (Hình thức giao đất tay ba, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương). Tiếp đó trong hai năm (2007-2008), UBND huyện Vân Đồn hai lần giao đất cho ông Tô Văn Chương, lần một giao 6,3ha mặt nước có nguồn gốc từ của ông Đoàn Viết Sinh chuyển quyền nhượng lại; lần hai diện tích là 59,2ha đất nguyên khai để trồng rừng sản xuất.
Năm 2010, tỉnh Quảng Ninh có Quyết định thu hồi diện tích đất mà Thị đoàn Cẩm Phả giao cho ông Tô Văn Chương, nhưng đến nay vẫn chưa bồi thường thu hồi đất, ông Chương vẫn hợp pháp quản lý. |
Cả thảy diện tích đất rừng và đất mặt nước trên đảo Thẻ Vàng mà hộ ông Tô Văn Chương (nay là Công ty Ngọc Long) quản lý sử dụng là trên 177ha. Ngày 28/4/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 1289/QĐ-UBND “Chấp thuận địa điểm quy hoạch trồng rừng và du lịch sinh thái tại đảo Thẻ Vàng” theo nguyện vọng đầu tư của Công ty Ngọc Long. Theo đó, ngày 12/8/2016, Ban quản lý Khu kinh tế ban hành Quyết định số 178/QĐ-BQLKKT phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án trồng rừng và du lịch sinh thái tại đảo Thẻ Vàng. Hồ sơ nhiệm vụ đã được chính quyền địa phương và các sở, ngành tham gia ý kiến bằng văn bản. Văn bản của UBND huyện Vân Đồn số 858/UBND-KTHT ngày 14/6/2016; Văn bản Sở Xây dựng số 1760/SXD-QHXD ngày 29/6/2016; Văn bản Sở Tài Nguyên và Môi trường số 2610/TNMT-QHKH ngày 4/12/2015; Văn bản Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 1897/NN&PTNT–KHTC ngày 27/6/2016.
Ngày 19/9/2016, Ban quản lý Khu kinh tế ban hành Quyết định số 212/QĐ-BQLKKT phê duyệt quy hoạch chi tết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án trồng rừng và du lịch sinh thái tại đảo Thẻ Vàng, do Công ty Ngọc Long hoàn tất hồ sơ trình. Các sở ngành một lần nữa thống nhất bằng văn bản (có hồ sơ lưu) đồng ý dự án này. Ngày 15/10/2016, các cơ quan chức năng của huyện Vân Đồn gồm: Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Tài nguyên Môi Trường, Trung tâm phát triển quỹ đất và UBND xã Thắng Lợi phối hợp với Công ty Ngọc Long đã tổ chức công bố công khai quy hoạch được duyệt.
Với những cơ sở pháp lý trên, Công ty Ngọc Long đã quy hoạch lại sản xuất, bỏ đường mòn, mở đường bê tông vào cửa rừng; bỏ cầu “khỉ”, xây dựng cầu cảng cập bến nước an toàn; bỏ lán trại nứa tranh thay bằng nhà gỗ lợp ngói hoặc tôn; đắp lại ao đầm vuông vắn và kiên cố hơn. Doanh nghiệp còn là nòng cốt hưng công trùng tu, xây dựng lại đền Tọa Sơn và chùa Phúc Duyên Tự, làm cho trên 1/4 diện tích đảo Thẻ Vàng được tô thêm nét đẹp văn hóa và tỏa sáng bức tranh kinh tế biển đảo.
Ông chủ lớn thứ hai trên đảo Thẻ Vàng là Công ty Hoàng Trường với 126,4ha ở 9 hòn đảo, diện tích nhiều nhất ở đảo Thẻ Vàng, đất có nguồn gốc từ Công ty cổ phần than Cao Sơn (mỏ Cao Sơn) giao lại. Cụ thể, năm 1996, mỏ Cao Sơn được tỉnh Quảng Ninh giao đất giao rừng, mặt nước ở đây để nuôi trồng thủy sản và làm nơi tham quan nghỉ dưỡng cho thợ mỏ. Năm 2008, mỏ Cao Sơn không còn nhu cầu sử dụng, trả lại cho địa phương. Theo đó, địa phương thu hồi và cùng năm giao cho Công ty Hoàng Trường quản lý, trong đó có 118,65ha đất, mặt nước cùng 1.252,6m2 lán trại, cơ sở nghỉ dưỡng trên đảo Thẻ Vàng do mỏ Cao Sơn xây dựng từ năm 1996 để lại.
Công ty Hoàng Trường có trồng rừng, chăn nuôi hải sản, gia súc, gia cầm trên đảo Thẻ Vàng nhưng chưa xây dựng công trình mới, chỉ sửa sang nhà cửa, lưu dùng lán trại của chủ đất cũ. Doanh nghiệp đang nghiên cứu đầu tư cải tạo hồ nước tây đảo Thẻ Vàng vốn nhiễm mặn, thành hồ nước ngọt đáp ứng nhu cầu dùng nước sạch của xã Thắng Lợi và tàu viễn dương chuyển tải khoáng sản trên vùng cảng nổi lân cận.
Hồ nước tây đảo Thẻ Vàng này vốn nhiễm mặn, đang được nghiên cứu thanh ngọt, làm nguồn nước sạch cho vùng Cống Đông. |
Năm 2019, đảo Thẻ Vàng cộm lên thông tin “đại gia” tự độc chiếm đảo để xây dựng “biệt phủ” cho riêng mình. Đầu xuân 2020 “thực mục” không thấy bóng dáng biệt thự, ngôi nhà ở nào của tư nhân, chỉ thấy 51,1ha rừng đang còn sở hữu lẻ tẻ của các hộ dân, nằm trong dự án 177,9ha đất trồng rừng, phục hồi sinh thái cảnh quan du lịch của Công ty Hoàng Trường, và một lâm trường ngút ngàn cây xanh, dưới tán lá cây rừng có xây dựng vài ba công trình kiểu phục cổ, nhà gỗ lán trại thời mới của Công ty Ngọc Long. Đảo Thẻ Vàng đang mượt mà một màu xanh rừng sản xuất, không còn đồi trọc thanh hao, giàng giàng… như ngày nào nữa.
Xuân mới, quần đảo cửa tiền vịnh Bái Tử Long như đang khép lại những nhọc nhằn, xua đi tiếng dữ năm qua, đón chào phú quý. Điền chủ thì gấp rút hoàn thiện các thủ tục quy hoạch, xây dựng để mở mang sản xuất. Chính quyền, phụ mẫu với bàn tay bà đỡ thì có thêm chữ “Tâm”. Dư luận nhìn nhận có thoáng đạt hơn, thương cho bước “vượt cạn” của doanh nghiệp trong cơ chế mới còn chưa đồng bộ. Toàn quốc có mấy ai đã được cấp phép dự án điền trang nhỏ kết hợp với du lịch sinh thái, một mô hình Nhà nước đang khuyến kích, nhưng cơ sở còn lúng túng, cơ chế còn phải từng bước hoàn thiện.
Xuân Canh Tý hải đảo Cống Đông ấm áp hơi người. Người dân xã Thắng Lợi mừng vui có thêm láng giềng mới định cư trên đảo Thẻ Vàng, đảo Đông Nêm. Vùng hải đảo thôn chài ngày Tết tuy không còn cây nêu, tràng pháo, nhưng đầu vị bữa cơm ngày Tết nhà nhà vẫn bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành.. .mở rộng cửa đón thần lộc thần tài về xông đất. Hải đảo văng vẳng tiếng chuông chùa Phúc Duyên Tự, tiếng chiêng đền Tọa Sơn gợi thêm nét đẹp văn hóa ngàn xưa.
Đảo Thẻ Vàng, ngày xuân du khách trảy hội chùa Phúc Duyên Tự, đền Tọa Sơn cách xa đất liền mà đi đò quá giang được miễn phí, bữa cơm chay không mất tiền mua. Cửa đền Tọa Sơn còn có lầu vọng cảnh, du khách mãn nhãn ngắm vịnh Bái Tử Long trầm tích văn hóa, thăm rừng hải đảo có khác với rừng sơn khu.
Đảo Thẻ Vàng mượt mà màu xanh trong tiết xuân.
Dưới đây là một số hình ảnh đảo Thẻ Vàng mượt mà màu xanh trong tiết xuân Canh Tý.
Cây bàng vuông, giống cây quý hiếm ở Côn Đảo do Ban liên lạc tử tù Côn Đảo tặng trồng trên đất đảo này phát triển tốt. |
Cây phong ba này, giống cây đặc trưng ở Trường Sa do Ban chỉ huy đơn vị bộ đội bảo vệ huyện đảo Trường Sa tặng, trồng trên 10 năm nay. |
Cây đàn hương một trong số cây quý của nước bạn Ấn Độ, trồng trên đảo xã Thắng Lợi hợp khí hậu, thổ nhưỡng phát triển tốt. |
Vùng hải đảo này có nhiều loài cây ngập mặt thân gỗ rất lạ, không giống cây bần, cây đước, sú vẹt... mà ta thường thấy. |
Trên đảo còn nhiều cây quanh năm sai quả, như cây cóc Thái Lan. |
Vũ Phong Cầm
Theo