(Xây dựng) – Bộ Xây dựng vừa có Công văn số 2033/BXD-GĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng (ảnh minh họa). |
Theo Công văn, thi công xây dựng công trình là một trong các ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động do hoạt động thi công xây dựng công trình không theo quy trình nhất định; luôn thay đổi về không gian, địa điểm làm việc, điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; người lao động chịu nhiều yếu tố bất lợi, rủi ro trong quá trình làm việc.
Trong những năm qua, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn lao động trong thi công xây dựng, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật quy định về nội dung này trong Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022, Thông tư số 10/2021/TT-BXD ngày 25/8/2021, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 18:2021/BXD… góp phần từng bước hoàn thiện pháp luật tiệm cận thông lệ quốc tế. Hàng năm, Bộ Xây dựng đã ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tăng cường công tác quản lý về an toàn lao động trong thi công xây dựng.
Thời gian gần đây đã xảy ra một số sự cố gây mất an toàn lao động nghiêm trọng liên quan đến hoạt động xây dựng, sửa chữa, vận hành thiết bị công nghệ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, để lại hậu quả lâu dài cho gia đình và xã hội.
Thực hiện Công điện số 39/CĐ-TTg ngày 22/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái; hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động theo Quyết định số 87/QĐ-TTg ngày 12/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp, các ngành, các chủ thể liên quan đến sản xuất và hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng.
Đồng thời tiếp tục thực hiện hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Văn bản số 63/BXD-GĐ ngày 06/01/2023 về tăng cường công tác quản lý về an toàn lao động trong thi công xây dựng và Văn bản số 182/BXD-GĐ ngày 11/01/2024 về việc bảo đảm an toàn lao động trong thi công xây dựng.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc tăng cường tổ chức kiểm tra kết hợp với tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định pháp luật, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn trong hoạt động xây dựng, vận hành, sửa chữa máy, thiết bị công nghệ và quy trình xử lý sự cố tại nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng trên địa bàn. Cương quyết dừng thi công xây dựng, dừng sản xuất nếu phát hiện các vi phạm quy định về an toàn lao động có nguy cơ gây mất an toàn trên công trường xây dựng hoặc tại nhà máy sản xuất; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần yêu cầu các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng, các cơ sở sản xuất công nghiệp với nhiều máy, thiết bị quy mô lớn tăng cường thực hiện tốt công tác an toàn lao động trong thi công xây dựng.
Trong đó, thực hiện kiện toàn hệ thống quản lý công tác an toàn lao động trong thi công xây dựng đảm bảo đủ năng lực theo quy định của pháp luật; quy định trách nhiệm về an toàn lao động trong thi công xây dựng đến từng bộ phận, tổ, đội và các cá nhân quản lý, trực tiếp thi công, sản xuất.
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, huấn luyện về an toàn lao động, nâng cao nhận thức, sự tuân thủ pháp luật về an toàn sâu rộng đến từng bộ phận, tổ, đội và người lao động. Rà soát các quy định, quy trình, biện pháp an toàn lao động trong thi công xây dựng, quy trình sản xuất của đơn vị đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn áp dụng, các quy chuẩn kỹ thuật về an toàn lao động trong thi công xây dựng hiện hành.
Tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn lao động trong thi công xây dựng tại đơn vị nhằm chủ động kiểm soát, phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, ngăn ngừa các nguy cơ gây tai nạn lao động trên công trường, trong nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng. Đối với công tác bảo trì công trình xây dựng, dây chuyền công nghệ, phải rà soát, hoàn thiện quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong quá trình duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa.
Yến Mai
Theo