(Xây dựng) - Đại học RMIT và Tập đoàn Sao Đỏ đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) đánh dấu sự hợp tác đào tạo kỹ năng và nghiên cứu nhằm xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao tại Việt Nam.
Đại học RMIT và Tập đoàn Sao Đỏ đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) đánh dấu sự hợp tác đào tạo kỹ năng và nghiên cứu nhằm xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao tại Việt Nam. |
Theo biên bản ghi nhớ, Đại học RMIT và Tập đoàn Sao Đỏ sẽ hợp tác thực hiện một chương trình đào tạo kỹ năng thí điểm cho người lao động trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng. Chương trình thí điểm này cung cấp một loạt các khóa học đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tập trung vào nâng cao kỹ năng, đào tạo đội ngũ nhân viên mới và quản lý cấp trung của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Nam Đình Vũ thuộc Tập đoàn Sao Đỏ. Sự hợp tác này nhận được ủng hộ của lãnh đạo Thành phố Hải Phòng, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, cũng như các doanh nghiệp và hiệp hội logistics.
Tác động sâu rộng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm tăng nhu cầu về lực lượng lao động chất lượng cao ở Việt Nam hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, có những thách thức nhất định trong đào tạo kỹ năng: Nhiều chương trình đào tạo hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành về số lượng và chất lượng. Chương trình đào tạo kỹ năng dành riêng cho việc phát triển nhân tài chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế còn hạn chế. Và người lao động thiếu lộ trình học tập suốt đời và sự công nhận chính thức về kỹ năng…
Những hạn chế trên đã được RMIT tiếp tục nghiên cứu, đi sâu vào thị trường lao động tại Hải Phòng – địa phương dẫn đầu về thu hút FDI cũng như yêu cầu về lực lượng lao động chất lượng cao tại Việt Nam.
Toàn cảnh buổi ký kết. |
Tính đến ngày 31/12/2021, Hải Phòng có khoảng 420 dự án khu công nghiệp với giá trị vốn FDI trên 19 tỷ USD. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, với 15 khu công nghiệp có tổng diện tích hơn 6.400ha sẽ được xây dựng trong thời gian tới, Hải Phòng đặt mục tiêu trở thành trung tâm logistics của châu Á. Thành phố sẽ cần tổng cộng 300.000 lao động để đáp ứng nhu cầu này.
Theo bà Mish Eastman - Thừa hành Phó chủ tịch Hội đồng trường (phụ trách Đào tạo nghề), Phó giám đốc Đại học RMIT, nhà trường nhận thấy cơ hội to lớn từ chính những thách thức đối với phát triển lực lượng lao động chất lượng cao, không chỉ tại Hải Phòng mà ở trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
Với lịch sử hơn 130 năm cung cấp giáo dục đại học và dạy nghề, RMIT đã được công nhận trên toàn cầu về chất lượng xuất sắc trong nghiên cứu và đào tạo, cũng như đóng góp có giá trị trong việc phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao và sẵn sàng làm việc. Trong 22 năm hoạt động tại Việt Nam, RMIT đã đóng góp đáng kể vào lực lượng lao động Việt Nam và mong muốn làm được nhiều hơn thế.
Nắm bắt được nhu cầu của các công ty logistics tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, RMIT đã thiết kế chương trình đào tạo thí điểm với sự hỗ trợ từ Tập đoàn Sao Đỏ. Chương trình sẽ thử nghiệm cách tiếp cận nâng cao kỹ năng và đào tạo lại lực lượng lao động hiện có của một số công ty logistics, và các khóa đào tạo sẽ được tổ chức tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ.
Tập đoàn Sao Đỏ đã đề nghị hỗ trợ một số kinh phí cho dự án thí điểm này, trong đó công nhân và người lao động tại các công ty logistics đang hoạt động tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ sẽ là người trực tiếp hưởng lợi.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Ông Nguyễn Thành Phương - Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Đầu tư Sao Đỏ cho biết: “Tập đoàn Sao Đỏ là nhà đầu tư lớn vào các khu công nghiệp và ngành logistics tại Hải Phòng. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu của lực lượng lao động trong tương lai cho chính ngành và cho Thành phố Hải Phòng. Hỗ trợ đào tạo tay nghề cho người lao động là một trong những biện pháp khuyến khích hiệu quả nhất để thu hút nhiều lao động đến với Nam Đình Vũ và các khu công nghiệp khác ở Hải Phòng”.
Sự hợp tác giữa RMIT và Sao Đỏ nhằm đưa ra một nghiên cứu điển hình về đào tạo kỹ năng tại doanh nghiệp – một cách tiếp cận dựa trên sự hợp tác giữa các giảng viên, người sử dụng lao động và nhân viên, trong đó học viên được tiếp cận các khóa đào tạo tiêu chuẩn quốc tế. Dự kiến từ nghiên cứu điển hình này sẽ phát triển một mô hình đào tạo kỹ năng phù hợp có thể nhân rộng ra ở Hải Phòng và hơn thế nữa.
Bà Mish Eastman cho biết: “Qua đây, chúng tôi mong muốn đóng góp hơn nữa vào việc phát triển một khung đào tạo kỹ năng có thể phù hợp với các ngành và khu vực khác nhau ở Việt Nam nhằm nâng cao đáng kể chất lượng của lực lượng lao động Việt Nam một cách thiết thực”.
Khánh Diệp
Theo