(Xây dựng) - Đây là một cuốn sách có giá trị trong việc quản lý, thực hiện hoạt động xây dựng đối với hệ thống công trình ngầm đô thị.
Tác giả cuốn sách là ông Yahagi Shuichi – Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật Đường hầm Nhật Bản; Người dịch: Tiến sỹ Nguyễn Công Giang – Trưởng bộ môn Công trình ngầm đô thị, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; Hiệu đính PGS.TS Lê Quang Hanh. |
Tiêu chuẩn kỹ thuật đào hầm – 2006 do Tiểu ban nhóm làm việc về đào hầm sử dụng khiên đào ban hành và được áp dụng trên đất nước Nhật Bản.
Tiêu chuẩn Nhật Bản: Phương pháp đào hầm bằng khiên đào đã được sửa đổi 3 lần vào các năm 1986, 1996 và 2000 để đáp ứng kịp thời những phát triển mới trong phương pháp đào hầm.
Phương pháp đào hầm bằng khiên đào đã nhanh chóng trở nên phổ biến ở Nhật Bản như một phương pháp đào hầm đa năng tại các khu đô thị, trong việc xây dựng các công trình ngầm.
Cuốn sách Tiêu chuẩn kỹ thuật đào hầm – 2006 gồm 239 điều, trong đó quy định từ khâu thiết kế quy hoạch, khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thu đào hầm theo phương pháp đào hầm bằng khiên đào. Trong từng điều luật, đều có hướng dẫn, phương pháp tính toán, áp dụng cụ thể.
Hiện nay, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang được triển khai, thiết kế và thi công. Các tuyến đường này đã sử dụng các tiêu chuẩn khác nhau như: Tiêu chuẩn Nhật Bản, tiêu chuẩn châu Âu.
Tuy nhiên, trong công tác quản lý Nhà nước chưa ban hành tiêu chuẩn thiết kế, thi công đường sắt đô thị. Đây là một khó khăn cho công tác quản lý kinh tế, kỹ thuật đối với việc thiết kế thi công hệ thống công trình ngầm Việt Nam.
Qua nghiên cứu cuốn sách Tiêu chuẩn kỹ thuật đào hầm – 2006: Đào hầm sử dụng khiên đào, chúng tôi cho rằng: Nhật Bản có nhiều yếu tố về điều kiện tự nhiên giống như Việt Nam (đặc biệt là mực nước ngầm). Trong khi, chúng ta đang sử dụng nhiều phương tiện máy móc của Nhật Bản sản xuất để thực hiện thi công tại Việt Nam.
Để biên soạn một tiêu chuẩn như cuốn sách này, chúng ta sẽ mất nhiều năm, nhiều công sức, tiền của và cần một đội ngũ cán bộ khoa học – kỹ thuật chuyên sâu mới thực hiện được. Một câu hỏi đặt ra, tại sao chúng ta không sử dụng cuốn tiêu chuẩn này để nghiên cứu, điều chỉnh một số vấn đề cụ thể phù hợp với điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu Việt Nam để ban hành áp dụng, làm cơ sở cho công tác quản lý Nhà nước, cũng như việc thực hiện thiết kế quy hoạch, khảo sát, thiết kế và thi công, nghiệm thu công trình ngầm tại Việt Nam.
Duy Nguyên
Theo