(Xây dựng) - Hai bản Hợp đồng Hợp tác đầu tư giữa Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Tây Hồ và Thăng Long Land, Luật sư cho rằng, việc ký kết này có dấu hiệu vi phạm Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015 về hành vi quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Hai bản Hợp đồng hợp tác đầu tư với Thăng Long Land |
Hợp đồng hợp tác khiến Nhà nước thất thu hàng trăm tỷ
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 29/7/2020, Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Hà Nội (đơn vị sở hữu hơn 50% vốn tại Công ty Tây Hồ) đã gửi Văn bản số 794/BC-TCT nêu rõ việc chuyển nhượng 24ha thuộc dự án Khu đô thị Quế Võ I khi đủ điều kiện pháp lý thì phải thông qua Đại hội đồng cổ đông.
Vậy nhưng ngày 29/7/2020 và ngày 04/8/2020 Công ty Tây Hồ vẫn tiến hành ký kết Hợp đồng Hợp tác đầu tư số 01/2020/HĐHTĐT và số 02/2020/HĐHTĐT với Công ty Đầu tư và Phát triển Thăng Long Land (Thăng Long Land) với nội dung thực chất là chuyển nhượng dự án. Cụ thể, việc chuyển nhượng dự án được thể hiện trong Hợp đồng Hợp tác Đầu tư số 01/2020/HĐHTĐT như sau: Điểm b mục 2.6 Điều 2 nêu “Các bên thống nhất giao cho bên B (Thăng Long Land) làm pháp nhân đại diện cho các bên (pháp nhân dự án)”. Điểm c mục 2.6 Điều 2: “Bên A đồng ý giao cho bên B (Thăng Long Land)… Được sử dụng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất trong phạm vi hạng mục, dự án”.
Luật sư Nguyễn Văn Ngọc – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. |
Điểm d mục 5.1 Điều 5: “Tài sản bên B được dùng để thế chấp bảo đảm cho việc vay vốn là toàn bộ quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền đầu tư khai thác, quyền kinh doanh, các quyền khác của các bên tại dự án (hiện nay) cùng các quyền đối với tài sản hình thành thành trong tương lai tại hạng mục hợp tác đầu tư và quyền sở hữu đối với cơ sở hạ tầng được hưởng tương ứng giá vốn tại dự án này”.
Mục 5.2 Điều 5 bản Hợp đồng thể hiện: “Bằng hợp đồng này, Bên A ủy quyền cho Bên B (Công ty Đầu tư và Phát triển Thăng Long Land) làm pháp nhân dự án. Chịu trách nhiệm toàn bộ việc tổ chức quản lý, quyết định mọi việc liên quan đến đầu tư xây dựng, hạch toán tài chính. Bên A ủy quyền giao cho Bên B được nhân danh, thay mặt Bên A trực tiếp làm việc, lập và ký các văn bản, tài liệu, cung cấp tài liệu hồ sơ tại các cơ quan quản lý Nhà nước và đề xuất ra các quyết định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư dự án. Bên B toàn quyền quyết định việc chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng, hợp tác đầu tư hoặc hình thức khác trên nguyên tắc đảm bảo đúng pháp luật…”.
Với các điều khoản nêu trên toàn bộ dự án Khu đô thị Quế Võ I đã chuyển cho Thăng Long Land quản lý điều hành và quyết định, Công ty Tây Hồ chỉ còn 5% vốn. Công ty Tây Hồ và Thăng Long Land đã có các văn bản đề nghị Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh cho chủ trương chuyển nhượng phần còn lại rộng 24ha của dự án Khu đô thị mới Quế Võ I. Sau đó, Sở Xây dựng Bắc Ninh có Văn bản số 955/SXD-QLN ngày 18/5/2021 trả lời Công ty Tây Hồ chưa đủ diều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với một phần dự án Khu đô thị mới Quế Võ theo quy định.
Đáng nói, “Phương án giá kinh doanh” ngày 10/9/2019 của Công ty Tây Hồ thể hiện rõ, với 7 hạng mục gồm 280.519,1 m2 tại dự án Khu đô thị Quế Võ I, nếu để nguyên hiện trạng thì tổng giá trị các lô đất là 557.987.250.000 đồng (gần 558 tỷ đồng). Nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì tổng doanh thu của phần đất chuyển đổi mục đích sử dụng là 1.218.459.000.000 đồng (trên 121 nghìn tỷ đồng). Nhưng trong 2 hợp đồng Hợp tác đầu tư đã ký, Công ty Tây Hồ và Thăng long Land chỉ đánh giá giá trị Công ty Tây Hồ đã đầu tư là 180 tỷ, thay vì sẽ nhận được từ gần 558 tỷ đến 121 nghìn tỷ đồng. Đồng nghĩa Công ty Tây Hồ chỉ nhận về 171 tỷ đồng, để lại 9 tỷ và giao toàn bộ quyền sử dụng đất, quyền điều hành dự án, tổ chức kinh doanh cho Thăng Long Land.
Văn phòng Thăng Long Land đặt tại trung tâm Khu đô thị mới Quế Võ. |
Công ty Tây Hồ có 50,09% là cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước, cụ thể là của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - Bộ Xây dựng (doanh nghiệp có 98,83% vốn điều lệ là tài sản Nhà nước). Do đó chịu thiệt hại sau bản Hợp đồng Hợp tác đầu tư này không ai khác chính là các cổ đông của Công ty Tây Hồ và Nhà nước.
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần xem xét xử lý hình sự
Đại diện cho Công ty Tây Hồ tham gia ký kết Hợp đồng Hợp tác đầu tư với Thăng Long Land là ông Tân Tú Hải - khi đó là Tổng Giám đốc. Đáng nói việc ký kết này Chủ tịch HĐQT Công ty Tây Hồ khi đó là ông Đặng Quang Tuấn không hề biết tới.
Nhằm hợp thức hóa việc ký kết trái thẩm quyền, Công ty Tây Hồ đã ra Nghị quyết HĐQT ngày 06/7/2020 có nội dung bầu ông Tân Tú Hải - Tổng Giám đốc “tạm thời giữ chức Chủ tịch HĐQT cho đến khi Đại hội đồng cổ đông hết nhiệm kỳ”.
Nghị quyết này vi phạm điểm e, khoản 2 Điều 10 Quy chế hoạt động của người đại diện Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội ban hành năm 2016 do chưa xin ý kiến bằng văn bản đối với Tổng Công ty; vi pham khoản 39.1 Điều 39 Điều lệ công ty về việc “Chủ tịch HĐQT không kiêm nhiệm chức danh Tổng Giám đốc”.
Cuộc họp HĐQT này cũng vi phạm Khoản 39.4 Điều lệ công ty vì ông Đặng Quang Tuấn Chủ tịch HĐQT không ủy quyền bằng văn bản cho ai triệu tập cuộc họp HĐQT. Ông Đặng Quang Tuấn vẫn là Chủ tịch HĐQT đến khi có đơn xin từ chức gửi Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội vào ngày 6/1/2021.
Nhiều hộ mua đất mới được xây nhà trong khi theo quy định khu vực này chỉ được chuyển nhượng khi Công ty Tây Hồ đã xây thô. |
Đánh giá về việc ký kết hợp tác giữa Công ty Tây Hồ và Thăng Long Land, Luật sư Nguyễn Văn Ngọc – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, lãnh đạo Công ty Tây Hồ đã cố ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện và chưa được Sở Xây dựng Bắc Ninh xác nhận hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Việc này vi phạm nghiêm trọng Luật Kinh doanh Bất động sản (Điều 55, Điều 56); điểm a khoản 1 Điều 194 Luật Đất đai 2013 quy định chủ đầu tư “Không được ủy quyền cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh hoặc góp vốn thực hiện ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua bất động sản”. Đồng thời vi phạm Điều 41, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai (chưa được ngân hàng bảo lãnh và chưa được Sở Xây dựng Bắc Ninh xác nhận hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật).
Đặc biệt theo Luật sư, dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015 thể hiện ở việc chuyển nhượng trái phép đối với 24ha thuộc dự án Khu đô thị mới Quế Võ I.
Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí như sau: “1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. 3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”. |
Hải Đăng - Sơn Tùng - Ngọc Hân - Khánh An
Theo