Bài 2: Để phát triển công trình “xanh”, cần đồng bộ nhiều giải pháp
(Xây dựng) – Muốn nhân rộng công trình xanh, chúng ta cần giải bài toán tổng thể từ chính sách, quyết tâm của chủ đầu tư, tư duy nhà thiết kế, nhà sản xuất vật liệu cho đến nhận thức người sử dụng.
Ông Trần Bá Việt - Phó Chủ tịch Hội Bê tông, chuyên gia Viện Khoa học công nghệ (Bộ Xây dựng). |
Theo ông Trần Bá Việt - Phó Chủ tịch Hội Bê tông, chuyên gia Viện Khoa học công nghệ (Bộ Xây dựng): Để có công trình xanh, trước hết các nhà đầu tư phải đặt ra mục tiêu xây dựng công trình xanh cho các nhà kiến trúc, nhà thiết kế giải bài toán này.
Tổng quan mà nói, công trình xanh không chỉ được tạo ra bởi nhà thiết kế mà cần phải đồng bộ các giải pháp từ chính sách pháp luật, cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để công trình xanh phát triển, rồi các nhà sản xuất vật liệu phải áp dụng công nghệ, vật liệu mới để sản xuất ra những vật liệu có cường độ, chất lượng tốt nhất, phát thải thấp nhất, sử dụng ít tài nguyên nhất mà tái sử dụng được nhiều nhất, nhà thiết kế phải áp dụng triệt để các tiêu chí đạt xanh, người sử dụng nhận thức đúng đắn, hưởng ứng lợi ích từ công trình xanh… Tức là cần huy động toàn bộ trí tuệ, nguồn lực trong xã hội, trong hệ thống các ngành nghề trong lĩnh vực xây dựng.
Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết: “Việt Nam bắt đầu đánh giá về công trình xanh khoảng 15 năm nay, hiện có gần 300 công trình xanh với diện tích sàn khoảng 15 triệu m2. Công trình xanh đã được luật hóa bởi các văn bản pháp luật như tại Điều 7 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, Luật sửa đổi bổ sung 1 số điều của Luật Xây dựng 2020 tại khoản 4 Điều 10 quy định về nội hàm công trình xanh, đó là công trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường. Ngoài ra có các quy định khác như quy định Luật Bảo vệ môi trường, các kế hoạch hành động tăng trưởng xanh 2021-2030, các cam kết của Việt Nam tại COP 26 đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng). |
Thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về phát triển đô thị thông minh bền vững, Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 06 đã lồng ghép mục tiêu phát triển công trình xanh vào chương trình này.
Nghị quyết 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi 1 số điều của Nghị quyết 1210/2016 về phân loại đô thị đã đưa chỉ tiêu về công trình xanh thành điểm trong các chỉ tiêu về nâng loại đô thị.
Bộ Xây dựng đã triển khai nhiều hành động về công trình xanh như Bộ trưởng đã ban hành Quy chuẩn 09/2017 về công trình hiệu quả năng lượng cũng là tiền đề để thúc đẩy công trình xanh.
Năm 2020, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức tuần lễ công trình xanh đầu tiên, lần thứ 2 vào năm 2022, năm nay là lần thứ 3. Sắp tới Bộ sẽ tổ chức các công trình tự cân bằng năng lượng, điều này thể hiện vai trò đầu mối, dẫn dắt của Bộ chuyên ngành.
Thêm vào đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng có kế hoạch để thực hiện cam kết COP26 và ứng phó biến đổi khí hậu, ban hành Quyết định 385 ngày 12/5/2022 đã có đầy đủ yêu cầu, mục tiêu phát triển chính sách.
Nói như vậy để thấy rằng chủ chương chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành đã quan tâm thúc đẩy phát triển công trình xanh trên cả nước”.
Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (Hòa Lạc – Hà Nội) đạt Lotus Silver: Giảm 29,6% tổng năng lượng, giảm 61,8% chỉ số LPD, giảm 63% OTTV and và 54,8% chỉ số COP; giảm 47,2% lượng nước sử dụng, 23% nước sử dụng là nước mưa; 99,5% diện tích có tầm nhìn chất lượng ra bên ngoài, 100% không gian được cấp khí tươi; 33,5% vật liệu sử dụng để xây dựng dự án là vật liệu tái chế, 36,4% vật liệu dự án sử dụng là vật liệu địa phương, 84,3% tường gạch sử dụng gạch không nung. Dự án sử dụng mô hình BIM trong quá trình thiết kế, 47,85% lượng phát thải của công trình là rác thải không cần chôn lấp… |
Còn nhiều nhó khăn
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Thịnh quá trình thực hiện xây dựng công trình xanh còn nhiều rào cản, vướng mắc như: Thứ nhất là chưa có cơ chế bắt buộc đối với công trình đầu tư công phải được chứng nhận công trình xanh, hiện chỉ có khoảng trên dưới 10 công trình đầu tư công đạt công trình xanh trên gần 300 công trình đã đạt chứng nhận công trình xanh.
Thứ 2, là rào cản về định mức, kinh tế kỹ thuật, suất đầu tư cao là mối lo của chủ đầu tư.
Thứ 3, giá năng lượng ở Việt Nam còn tương đối thấp nên chưa thúc đẩy được các công trình hướng tới hiệu quả năng lượng; yêu cầu bắt buộc tái sử dụng nước thải, chất thải chưa được quan tâm 1 cách chặt chẽ.
Thứ 4, nhận thức của người tiêu dùng về sử dụng công trình xanh còn chưa cao dẫn tới chủ đầu tư không có động lực để làm công trình xanh.
Thứ 5, trình độ kỹ thuật, công nghệ, vật liệu, sản xuất, phân phối, cung ứng đa số chưa đạt tiêu chí của công trình xanh và chưa được chứng nhận, công nhận 1 cách rõ ràng nên chưa thuận lợi để người ta xây dựng công trình xanh.
Một căn biệt thự đạt giải Lotus Gold với nhiều đặc tính xanh. |
Giải pháp
Việt Nam là nước đang phát triển, chưa có nhiều công trình xanh được đánh giá, ghi nhận, các nhà đầu tư, người dân chưa mặn mà, trình độ, điều kiện của ngành Xây dựng chưa đáp ứng nhiều tiêu chí nên rất khó có thể đáp ứng ngay, đầy đủ các tiểu chuẩn đánh giá công trình xanh. Do đó, có thể tập trung đáp ứng các nhóm vấn đề chính cần đạt để đáp ứng tiêu chí về công trình xanh gồm: Hiệu quả tiết kiệm năng lượng; sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường; xử lý chất thải; địa điểm bền vững, tức là cần phải được quy hoạch, xây dựng tại khu vực ít tác động đến thiên nhiên, tài nguyên; yêu cầu chất lượng không khí trong nhà, yêu cầu đảm bảo sức khoẻ; yêu cầu về tiếp cận về giao thông, tiếp cận người dân xung quanh, giao thông cho người khuyết tật…
Để hỗ trợ các dự án xanh phát triển thì Nhà nước có nhiều cách để ưu đãi, ví dụ như có thể thúc đẩy thủ tục, quy trình của dự án nhanh hơn như khâu kiểm định, nghiệm thu…, hay như các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi, lãi xuất thấp, thủ tục nhanh, các ưu đãi về thuế cũng là 1 trong những giải pháp để thúc đẩy chủ đầu tư quan tâm xây dựng dự án xanh.
Theo chiến lược khoa học công nghệ ngành Xây dựng 2021-2030 đã nêu ra định hướng hỗ trợ cho việc phát triển công trình xây dựng xanh, thông minh, bền vững trong đó có mấy vấn đề tập trung.
Thứ nhất, hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật để khuyến khích các công nghệ mới, giải pháp mới như ứng dụng công nghệ BIM, trí tuệ nhân tạo vào quản lý, giải pháp ứng dụng công nghệ vào sản xuất, thi công.
Nhà nước cần phải có hành lang pháp lý để buộc các chủ đầu tư phải xây dựng công trình xanh, ví dụ như công trình nào phải đạt bao nhiêu điểm, phải đáp ứng điều kiện gì mới được nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Hoặc Nhà nước cần phải có cơ chế khuyến khích cho các chủ đầu tư, như công trình đạt bao nhiêu điểm thì được ưu đãi gì, có thể là giảm thuế để khuyến khích, hoặc cho phép tăng giá bán nhưng phần tăng này giảm trừ vào phần thuế phải nộp của doanh nghiệp để kích thích chủ đầu tư mà không ảnh hưởng đến người mua, đặc biệt là người thu nhập thấp trong các dự án nhà ở xã hội đạt điểm công trình xanh.
Thứ 2, hỗ trợ các giải pháp hữu ích, đánh giá chứng nhận công nghệ, các giải pháp hữu ích giúp những người có phát minh, sáng kiến hoặc nhập khẩu, ứng dụng công nghệ cần được đánh giá chứng nhận.
Thứ 3, cần thiết có những hoạt động về đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực cho nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng xu thế hiện tại.
Thứ 4, cần phải có các quỹ, giải pháp về tài chính đề hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoặc viện nghiên cứu kết nối với nhau theo mô hình 3 nhà gồm Nhà nước – nhà nghiên cứu – nhà đầu tư. Hình thành thị trường khoa học công nghệ trong lĩnh vực xây dựng…
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do 789club ios phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Đỗ Quang
Theo