(Xây dựng) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 15/8/2024 công nhận huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.
Khu vực trung tâm hành chính huyện Tân Phước. (Nguồn: Internet) |
Phó Thủ tướng giao UBND Tiền Giang có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND huyện Tân Phước tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Huyện Tân Phước có 100% số xã (11/11 xã) đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 3 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 27,27% tổng số xã trên địa bàn huyện. Có 100% thị trấn trên địa bàn huyện (thị trấn Mỹ Phước) đạt chuẩn đô thị văn minh.
Huyện Tân Phước đạt tất cả các tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (gồm 9 tiêu chí và 36 chỉ tiêu); đồng thời, huyện không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Huyện Tân Phước là một huyện nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, nên đất đai, nguồn nước đều bị nhiễm phèn, hàng năm bị ảnh hưởng lũ lụt của vùng Đồng Tháp Mười. Qua quá trình xây dựng và phát triển, công cuộc khai thác và cải tạo đất đai, phát triển hệ thống thủy lợi tháo chua, rửa phèn, dẫn nước ngọt, thoát lũ, khai hoang sản xuất; xây dựng hệ thống đê bao bảo vệ cây trồng trong mùa lũ, xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước sinh hoạt nông thôn, trường học, trạm y tế... phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư; xây dựng hệ thống chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh đã thay đổi diện mạo của vùng đất từng mệnh danh là "rốn phèn, rốn lũ" đến nay kinh tế - xã hội của huyện phát triển vượt bậc, đời sống nhân dân được cải thiện nhiều mặt, thu hút đầu tư nhiều dự án lớn, khẳng định nơi đây không phải là "vùng đất chết".
Là một trong những vùng sản xuất nông sản hàng hoá lớn với những thương hiệu nổi tiếng như: Khóm, thanh long, lúa năng xuất cao, cây ăn trái... Huyện định hình vùng trồng khóm chuyên canh trên 15.000 ha, gần 6.500 ha đất trồng lúa năng suất cao mỗi năm ba vụ, trên 1.000 ha thanh long, gần 600 ha mít, gần 500 ha cây ăn trái có giá trị kinh tế cao khác như: Bơ, cây có múi, xoài, chanh,... Hiện nay, ngành chăn nuôi phát triển mạnh với tổng đàn heo 21.000 con, đạt 140% so với mục tiêu đến năm 2020 và tăng 85% so với năm 2016, đàn gia cầm 700.000 con, đạt 140% so mục tiêu đến năm 2020 và tăng gần 90% so với năm 2016, tổng đàn bò 2.600 con...
Sắp tới, huyện Tân Phước tập trung xây dựng chuỗi liên kết sản xuất trên các cây trồng, vật nuôi chủ lực, chú trọng đào tạo nghề nông thôn nhằm tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nhất là nâng chất lượng nông sản hàng hóa đạt an toàn, truy xuất nguồn gốc và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Hưng Thịnh
Theo