(Xây dựng) - Blockchain có thể cải thiện an ninh kinh tế ở các nước đang phát triển ra sao? Sau đây là nhận định từ chuyên gia Shehzad Bhanji - diễn giả chính và cố vấn cuộc thi RMIT Fintech Blockchain 2022.
Chuyên gia Shehzad Bhanji - diễn giả chính và cố vấn cuộc thi RMIT Fintech Blockchain 2022. |
Là lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực marketing toàn cầu, đổi mới kỹ thuật số và fintech với kinh nghiệm làm việc hơn hai thập kỷ ở châu Á và châu Âu, ông Shehzad Bhanji đã chia sẻ về những tiềm năng vô tận mà công nghệ blockchain và fintech có thể đem lại nhằm giải quyết các vấn đề thực tế của thế giới.
Theo ông Bhanji, blockchain có thể đưa ra giải pháp cho ba vấn đề an ninh kinh tế ở các quốc gia đang phát triển – đó là thiếu khả năng tiếp cận hạ tầng ngân hàng, thiếu quyền sở hữu tài sản và các vấn đề về pháp quyền.
Tiếp cận tiện ích ngân hàng giá rẻ
Một trong những đóng góp lớn nhất của fintech là thúc đẩy tài chính toàn diện, chẳng hạn thông qua việc cung cấp các khoản vay vi mô hay vay ngắn hạn với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với chi phí vay truyền thống từ các ngân hàng.
Trích dẫn ví dụ từ sản phẩm cho vay vi mô được ra mắt tại Indonesia bởi ngân hàng QNB Indonesia, công ty viễn thông địa phương Indosat Ooredoo Hutchison và ngân hàng số lớn nhất từ Trung Quốc. Ông Bhanji cho biết, bằng cách kết hợp thế mạnh của mỗi bên, các đối tác này đã cùng nhau tạo ra một nền tảng cho phép các khoản vay nhỏ được chuyển giao nhanh nhất trong vòng ba phút. Người vay đủ điều kiện được xác nhận thông qua “hồ sơ kỹ thuật số”.
Đảm bảo quyền sở hữu tài sản
Theo ông Bhanji, blockchain còn có thể ứng dụng vào quy trình đăng ký quyền sở hữu tài sản, cả kỹ thuật số và phi kỹ thuật số. Chủ sở hữu sẽ được bảo vệ khỏi hành vi trộm cắp vì blockchain có tính bảo mật cao.
“Blockchain là một công nghệ sổ cái phân tán. Điều này có nghĩa là hành vi sai trái cố gắng thay đổi một khối (block) trong một chuỗi (chain) sẽ bị phát hiện ngay lập tức”, ông giải thích. “Nếu tin tặc muốn phá hoại một hệ thống blockchain, chúng sẽ phải thay đổi mọi khối trong chuỗi, trên tất cả các phiên bản phân tán của chuỗi”.
Nhờ ưu điểm này, việc sử dụng blockchain để đăng ký quyền sở hữu tài sản sẽ cho phép chuyển giao quyền sở hữu một cách chính xác sau khi mua bán, đồng thời cũng dễ dàng giải quyết tranh chấp và ngăn ngừa gian lận.
Xây dựng nguyên tắc pháp quyền
Khu vực kinh tế phi chính thức đã mở rộng ngoài vòng kiểm soát của pháp quyền. Như ông Bhanji giải thích: “Các bên thường bỏ qua việc ký kết hợp đồng, các khoản thanh toán thì bị trì hoãn hoặc bị từ chối thẳng thừng, còn các tranh chấp thường phải trình lên tòa án để giải quyết, khiến mất rất nhiều thời gian và tiền bạc”.
Nhưng hợp đồng thông minh có thể giúp giải quyết những vấn đề như vậy – đây là một dạng giao thức máy tính có khả năng thực hiện các điều khoản được chỉ định trong một thỏa thuận hoàn toàn tự động trên nền tảng blockchain, sau khi một số điều kiện nhất định được đáp ứng.
“Ứng dụng blockchain sẽ đặc biệt có lợi cho những người đã và đang phải hoạt động trong khu vực kinh tế phi chính thức. Hiện nay, họ thường phải sử dụng dịch vụ với mức phí cao hơn hoặc điều khoản không hợp lý”, ông Bhanji cho biết.
Thu Hằng
Theo