(Xây dựng) - Các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam với những dự án quy mô, hiện đại đã làm thay đổi bộ mặt của nhiều tỉnh thành trên cả nước, tạo nên sự thịnh vượng cho các địa phương và quốc gia. Trong công cuộc phụng sự của doanh nghiệp bất động sản, nộp ngân sách là một thước đo quan trọng để đánh giá sự đóng góp cho đất nước.
Dự án Vinhomes Royal Island tại đảo Vũ Yên, Hải Phòng. |
Tổng nộp ngân sách của top 10 công ty bất động sản là hơn 32.000 tỷ đồng
Là một trong 20 ngành kinh tế cấp 1 và đứng thứ 11 về quy mô (theo số liệu năm 2022 của Tổng cục Thống kê), bất động sản đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam trong việc tạo dựng cơ sở hạ tầng, tạo việc làm và tạo ra tăng trưởng kinh tế. Đây còn là ngành thúc đẩy sự đi lên của nhiều lĩnh vực liên quan như bán lẻ, du lịch, giáo dục, cơ sở sản xuất… 10 năm trở lại đây, thị trường bất động sản đã đóng góp ngày càng lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thu như tiền thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hiện nay, có nhiều bảng vinh danh doanh nghiệp nhưng chưa có danh sách nào phản ánh về tổng nộp ngân sách của doanh nghiệp. Từ thực tế đó, CafeF đã xây dựng một bảng danh sách các doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất cả nước, trước tiên là nhóm doanh nghiệp tư nhân mang tên PRIVATE 100 – Top doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam. Các doanh nghiệp có số nộp ngân sách trong năm tài chính gần nhất từ 100 tỷ đồng trở lên có thể lọt vào danh sách. Bảng tôn vinh 10 công ty bất động sản tư nhân nộp ngân sách lớn nhất là một phần của PRIVATE 100.
Top 10 doanh nghiệp tư nhân ngành bất động sản nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam năm 2024. |
Theo số liệu của PRIVATE 100, tổng nộp ngân sách của top 10 công ty bất động sản là hơn 32.000 tỷ đồng và 8/10 doanh nghiệp có số nộp trên 1.000 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp có tuổi đời trên dưới 20 năm như Vinhomes, Khang Điền, Idico, Novaland, Vinaconex hay Văn Phú Invest. Một số doanh nghiệp trẻ là CTCP Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy, Taseco Land, DOJILAND. Vincom Retail (VRE) là doanh nghiệp BĐS bán lẻ duy nhất trong danh sách.
Một số doanh nghiệp tiêu biểu
Công ty Cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán VHM) nộp khoảng 18.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước năm 2023. Trong đó, lớn nhất là thuế GTGT với hơn 9.400 tỷ đồng, thuế TNDN hơn 5.800 tỷ đồng, tiền sử dụngđất/thuê đất gần 2.000 tỷ đồng, cùng các loại thuế khác.
Tính chung cả năm 2023, VHM ghi nhận hơn 103 nghìn tỷ doanh thu thuần, tăng 66% so với năm trước, chủ yếu đến từ bàn giao 9.800 căn bất động sản thấp tầng tại hai dự án Vinhomes Ocean Park 2 và 3 tại Hưng Yên.
Bên cạnh Ocean Park thì một dự án thu hút sự chú ý rất lớn của Vinhomes hiện tại là Vinhomes Royal Island tại đảo Vũ Yên, Hải Phòng được mở bán hồi cuối tháng 3/2024. Đây là một đại đô thị với quy mô 877ha, được gọi là thành phố đảo trong phố đầu tiên tại Việt Nam. Bên cạnh Vinhomes đại diện cho Vingroup trong đứng Top các doanh nghiệp bất động sản tư nhân nộp thuế lớn nhất thì bản thân Vingroup cùng một số công ty thành viên khác hàng năm cũng có mức nộp ngân sách rất lớn.
Nộp ngân sách nhiều thứ 2 trong PRIVATE 100 ngành bất động sản là Công ty Cổ phần Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy (mã chứng khoán TCH). TCH nộp hơn 5.300 tỷ đồng (chủ yếu là thuế nhà đất và tiền thuê đất), trong đó công ty con bất động sản CRV đóng hơn 5.100 tỷ.
Vốn là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh xe đầu kéo, TCH có bước ngoặt chuyển sang lĩnh vực bất động sản vào năm 2017, với dự án đầu tay Hoàng Huy Golden Land tại Hà Nội. Tuy nhiên sau đó, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản Hải Phòng, TCH đã trở thành một trong những "tay chơi" lớn nhất ở đây với 7 dự án đã hoàn thiện, đang triển khai và sắp triển khai.
Dự án mới nhất và lớn nhất với quy mô gần 50ha là dự án Đỗ Mười tại Thủy Nguyên đã về tay bất động sản CRV (công ty con của TCH) nhờ đấu giá công khai với giá trúng là 4.828 tỷ đồng. Dự án này còn có tên thương mại là Hoàng Huy New City – II. Số tiền nộp thuế đất đến từ dự án Đỗ Mười là lý do tạo nên vị trí thứ 2 trong top ngành bất động sản của Hoàng Huy.
Vị trí thứ 3 trong PRIVATE 100 ngành bất động sản là Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Taseco (Taseco Land, mã chứng khoán TAL) với số nộp hơn 2.000 tỷ đồng. Các dự án tại khu Ngoại giao đoàn là bước đệm cho Taseco Land khi mới đặt chân vào lĩnh vực bất động sản vào năm 2016. Từ đó đến nay, chủ đầu tư này đã phát triển nhiều dự án ở khu Ngoại giao đoàn, Tây Hồ Tây (Hà Nội). Đồng thời, công ty cũng có các dự án khu đô thị, khu dân cư ở Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa hay dự án hỗn hợp thương mại dịch vụ, căn hộ ở Quảng Ninh.
Dự án Central Riverside (Khu đô thị mới thuộc Dự án số 4) nằm tại phía Đông thành phố Thanh Hóa với tổng diện tích đất 15,66ha được Taseco Land nộp 1.200 tỷ tiền sử dụng đất vào quý III/2023, là yếu tố chính tạo nên con số nộp ngân sách năm 2023.
Mới đây, HĐQT của Taseco Land thông qua việc thành lập công ty con có tên Công ty Cổ phần Taseco Hải Phòng, hé mở cho hoạt động bước chân vào thị trường bất động sản của đất Cảng. Ở vị trí thứ 4, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản DOJILAND - công ty con của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, nộp ngân sách năm 2023 gần 2.000 tỷ đồng.
Và ở vị trí thứ 5, Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest (mã chứng khoán VPI) nộp hơn 1.500 tỷ đồng vào ngân sách trong năm 2023, trong đó gần 1.140 tỷ đồng là tiền đấu giá quyền sử dụng đất, chủ yếu đến từ dự án Vlasta Thuỷ Nguyên – Hải Phòng (hơn 950 tỷ) và Song Khê - Nội Hoàng ở Bắc Giang (hơn 180 tỷ).
Lê Trang
Theo