(Xây dựng) – Cựu chiến binh Vũ Trung Kiên nheo nheo đôi mắt dầy vết chân chim của người chạm tuổi “Thất thập” hướng ra nơi lớp sóng bạc vờn cồn, trong những ngày đầy ắp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2019) của người lính từng có thâm niên trên 30 năm binh nghiệp.
Cựu chiến binh Vũ Trung Kiên với lòng tin của người lính về “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. |
Những người đồng đội cũ bảo, ông nhớ thương thuyền xưa bến cũ, nơi những con tàu không số nhổ neo không về. Ánh nước xô bờ gợi về quá khứ, cả đại đội vượt sông Thạch Hãn chỉ mình ông là người vùng biển thạo sông nước, bơi bộ qua sông dễ dàng. Biết bao đồng đội người miền núi ôm phao bơi còn vụng, vẫn phải cố nhoài người vượt sông sâu nước cả. Tiếng pháo nổ đầu nòng, cột nước dựng lên còn cách xa người mà đã buông phao. Họ không chết vì trúng bom, trúng đạn, mà vì sông sâu nước cả.
Đồng nghiệp mới lại nói khác, bảo ông Vũ Trung Kiên và bao người dân ở vùng biển Thái Thụy, Tiền Hải làm nghề nuôi ngao đang điêu đứng. Đổ tiền, đổ của xuống biển nuôi ngao, gần đến ngày thu hoạch thì ngao đổ bệnh chết hàng loạt. Giống vốn, tiền công nuôi nấng mất đứt tiền tỷ, còn phải thuê người thu dọn, vệ sinh bãi triều, thiệt đơn thiệt kép. Vụ này, vùng biển của Thái Bình đại nạn, nhiều người vỡ nợ.
“Thuyền to sóng to - thuyền nhỏ sóng nhỏ”, hộ gia đình nuôi ít mất tiền trăm, doanh nghiệp lớn đầu tư lớn mất tiền tỷ. Ông Vũ Trung Kiên như người ngồi trên đống lửa, 105ha mặt nước với hàng ngàn tấn ngao mất trắng, thiệt hại gần chục tỷ đồng, tiền còn đồng vay đồng nợ lãi suất tín dụng cao, thì vui sao được.
Nhưng với ông Vũ Trung Kiên người cựu chiến binh từng qua 3 cuộc kháng chiến: Chống Mỹ cứu nước, bảo vệ biên giới phía Nam, phía Bắc. 30 năm binh nghiệp, chưa rõ nó là mấy phần của cuộc đời mình, nhưng quãng thời gian cầm súng ấy, anh lính Vũ Trung Kiên đã vuốt mắt cho bao đồng đội, để lại thi thể những người bạn thân yêu dưới lớp đất mỏng, trong cánh rừng hoang. Lễ truy điệu đơn sơ đôi khi còn thiếu cả nén nhang, chỉ đoá hoa rừng trên nấm mộ ẩn danh, đơn vị lại lặng lẽ hành quân chiến đấu mặt trận xa không hẹn ngày trở lại. Thì những ngày cả nước kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2019) có là gan đồng dạ sắt, nhớ lại chuyện xưa cũng phải mền lòng.
Tích xưa, chuyện nay còn bộn bề trăm đường. Cựu chiến binh Vũ Trung Kiên nhớ lại bản “trích ngang” quân nhân của mình. Ngày 10/8/1972, anh cùng 12 trai làng thôn Chỉ Thiện, xã Mỹ Lộc rời quê hương theo Đảng đi kháng chiến. Vũ Trung Kiên nhập ngũ vào Trung đoàn 51, đơn vị chuyên đào tạo quân đi B của địa phương. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh mới, người lính của quê hương “5 tấn” chắc tay súng vượt Trường Sơn đến chiến trường Bình-Trị-Thiên giữa mùa hè “đỏ lửa” 1972. Đơn vị của Vũ Trung Kiên được bổ sung cho Sư đoàn 320 đang kiên cường chiến đấu 81 ngày đêm giữ thành cổ Quảng Trị. Những trận chiến đấu ác liệt, địch ta giằng nhau từng tấc đất (Thất trận, tướng ngụy Ngô Quang Trưởng định cư ngoại quốc còn nể phục tinh thần chiến đấu dũng cảm của người Thái Bình).
Cựu chiến binh Vũ Trung Kiên trên 30 năm phục vụ trong quân đội, từng chỉ huy tới cấp trung đoàn. Dấu chân người lính để lại khắp chiến trường từ Nam chí Bắc, còn in trên đất bạn trong đoàn quân tình nguyện. Đất nước hòa bình, ngoảnh lại chiến trường xưa, đâu đâu cũng thay đổi, chiến trường trở thành thị trường. Nhưng nhìn về quê hương mình vùng biển, trên bờ đồng chua nước mặn, dưới nước dân du cư trên sóng theo đàn cá bơi, thì còn chậm đổi mới.
Cồn Đen, nơi anh chia tay làng biển lên đường đi chiến đấu, một phần ba thế kỷ trở lại vẫn hoang vắng như ngày nào. Xa xa sóng bạc vờn cồn, gần thì 217 cây phi lao gọi là rừng, trồng từ thời phong kiến lập đồn điền trồng cói. Một đường đê Xuân Hải, Bắc Cồn Đen chỉ còn là phế tích, nó bị sóng biển cướp đi trong trận bão dữ giữa thập kỷ 90. Sóng lớn xóa con đường nhỏ ra Cồn Đen còn kéo theo bao nỗi oan khiên, một loạt cán bộ chủ chốt của Thái Bình bị kỷ luật. Có người còn bị kết án vì dùng ngân sách đắp đường ra đảo, không có hiệu quả.
Cựu chiến binh Vũ Trung Kiên với lòng tin của người lính về “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, và thực tế chỉ xẻng cuốc với đôi vai đơn vị ông đã mở bao con đường ra mặt trận. Người lính về hưu nhưng không nghỉ này hăm hở bước vào mặt trận mới, hướng ra biển làm kinh tế.
Vũ Trung Kiên thành lập Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Phú (Công ty Minh Phú), xin tỉnh cấp cho 105ha mặt nước ven biển thuộc xã Thái Đô để nuôi ngao thương phẩm; 29.202ha đất bãi bồi Cồn Đen để trồng cây, bảo vệ rừng phòng hộ, trong đó có 89.520m2 đất được sử dụng vào mục đích xây dựng trại nuôi ngao giống.
Cồn Đen sơ khai là một cồn cát nhỏ xa đất liền. Mùa nước lớn, nó chỉ như một chấm đen trên mặt biển cả. Khi ẩn, khi hiện trong sương sa sóng lừng, nên gọi là Cồn Đen. Người địa phương có trồng phi lao chắn gió cát, nhưng không có nguồn sinh thủy. Cựu chiến binh Vũ Trung Kiên được cấp 89.520m2 đất ở đây để xây dựng trại nuôi ngao giống, nhưng đất đai lồi lõm, chủ yếu là đầm lầy ngập mặn, vượt thổ rất công phu, phải chở từng thúng đất bằng thuyền qua sông Hau ra đảo. Ngày khởi công (ngày 25/10/2006), người dân địa phương còn cho ông là “Ngu Công chuyển núi”.
Đến giờ cựu chiến binh Vũ Trung Kiên không còn nhớ bao phen vật lộn với thiên nhiên, hàng ngàn khối đất đổ xuống cửa biển hôm trước còn hình hài con đê, hôm sau phong ba sóng dữ đã cuốn trôi. Người thi gan với trời, ròng dã thập kỷ cõng đất vượt biển tôn nền trên đảo. Khi cao điểm, công trường quai đê lấn biển do Công ty Minh Phú làm chủ đầu tư, huy động đến 500 người lao động thủ công như thời dân công hỏa tuyến.
“Có công mài sắt, có ngày nên kim” nay Cồn Đen cây cối tốt tươi, có điện lưới, có nước ngọt, có đường kiên cố nối đảo với đất liền, một con đê lá chắn đồ xộ (thân đê cao 5m, mặt đê rộng 10, dài 3km) đất đai trù mật. Ba năm (2017 - 2019) nay, Cồn Đen khởi động một cụm du lịch dạng kết hợp sản xuất, chế biến, nuôi trồng thủy sản với du lịch sinh thái. Cơ sở dịch vụ gồm: 1 khách sạn 2 tầng với 32 phòng nghỉ; 2 nhà hàng ăn uống giải khát; 2 bể tắm nước ngọt, lầu nghinh phong, vọng cảnh; thảm rừng trồng xen canh cây ăn quả mùa nào thức ấy tiện ích và đẹp mắt. Cồn Đen đã được phê duyệt quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết, một số hạng mục được cấp phép xây dựng đáp ứng nhu cầu sản xuất ngư nghiệp, kết hợp với dịch vụ du lịch sinh thái. Một điểm du lịch chân quê hấp dẫn, niềm tự hào của đất và người Thái Bình, mô hình du lịch cộng đồng Đảng và Nhà nước đang khuyến khích.
Ngày 29/6/2019, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định số 1548/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương Dự án đầu tư xây dựng trung tâm sản xuất giống thủy sản, nuôi trồng ngao thương phẩm và xây dựng khu du lịch sinh thái tại đây. Giao cho Công ty Minh Phú làm chủ đầu tư với diện tích dự kiến 170ha, trong đó diện tích nuôi ngao thương phẩm 105ha, khu du lịch sinh thái kết hợp khu nuôi giống thủy sản 65ha.
Mới đây, Chính phủ quan tâm đã khởi công xây dựng con đường bao biển vùng duyên hải phía Bắc vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng qua đây. Tỉnh Thái Bình đón bắt thời cơ, triển khai chủ trương hướng mũi nhọn kinh tế ra biển, xóa thế độc canh cây lúa, chuyển dần cơ cấu nguồn thu sang dịch vụ cảng biển, công nghiệp và du lịch... quy hoạch 6 khu công nghiệp trên vành đai biển này.
Cựu chiến binh Vũ Trung Kiên đi trước một bước đã làm cho Cồn Đen tỏa sáng danh thơm, cụm kinh tế thủy sản kết hợp với du lịch sinh thái trên đất Thái Thụy. Niềm vui rồi sẽ được nhân đôi, nào ngờ đường đến đây “tấc đất tấc vàng” thì lại “hút hồn” người. Cồn Đen hoang vắng lạnh lẽo ngày nào, nay mặt đấy như “nóng bỏng” bởi những gót giày, trên bầu trời còn vo ve thiết bị bay thám không.
Cồn Đen bị cáo buộc xây dựng trái phép, không đánh giá tác động môi trường. Trên hồ sơ pháp lý, giấy trắng mực đen thì đúng là có lỗi. Nhưng “tình ngay lý gian” ngày trước có ai cấp phép mở đường Trường Sơn đâu, cựu chiến binh Vũ Trung Kiên như “cô gái mở đường”. Ngày địa phương giao đất giao rừng, diện tích mặt nước nuôi ngao cũng không cắm mốc ranh giới rõ ràng, chỉ ao trên giấy còn lệch với thực địa. Môi trường thì Cồn Đen cây cối còn tươi tốt hơn ngày trước, chim thú về làm tổ. Bởi hai lẽ: Cây có người trồng, chăm sóc làm đẹp cảnh quan, níu chân du khách; doanh nghiệp có người bảo vệ cấm săn bắn, nói không ngoa, chim bìm bịp ở đây chạ người như gà nhà.
Trò chuyện với cựu chiến binh Vũ Trung Kiên, người lính về hưu nhưng không nghỉ, đang vật lộn với cơ chế thị trường. Người lính quen với tay súng này, còn thiếu kinh nghiệm làm kinh tế, thiếu kiến thức pháp luật trong kinh doanh, chỉ bằng nghị lực bước vào thị trường. Cựu chiến binh Vũ Trung Kiên đang chới với những biến cố như nằm ngoài phương án tác chiến ngày nào. Chẳng hạn, bản báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quyết định đầu tư dự án của địa phương nhẽ ra thì xong rồi, đùng một cái tỉnh thay đổi quy hoạch lập khu công nghiệp thì thẩm quyền lại thuộc cấp Bộ. Công ty Minh Phú không thể đóng cửa, chờ phê duyệt đồng bộ Khu Công nghiệp vành đai biển Thái Bình được.
Nhìn Cồn Đen sóng bạc, đồng đội chia sẻ nỗi lòng với cựu chiến binh, Vũ Trung Kiên như người lính tiên phong ngày nào dưới chân đầy gai góc, bom mìn, lại đi đầu quai đê lấn biển, hoán đổi doi cát côi cút xa bờ thành “Bờ xôi ruộng mật” hẳn nhọc nhằn, gian nan, không như bàn cờ đánh dở xóa đi bày lại được.
Cồn Đen sóng bạc chắc không vô tình, bạc nghĩa với Tiên Công mở đất.
Vũ Phong Cầm
Theo