(Xây dựng) - Bà Nguyễn Thị Hương (Quảng Ninh) hỏi, thế nào là đất xen kẹt? Văn bản nào quy định các vấn đề về đất xen kẹt?
Mỗi nhóm đất có từng loại đất cụ thể nhưng không có loại đất nào có tên gọi là đất xen kẹt. |
Bà Hương đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn giải quyết trường hợp sau:
Thửa đất hơn 1.450m2, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (số hiệu và diện tích thửa đất chưa được xác định theo bản đồ địa chính) vì trước đây đo tay, nay khi đo lại bằng tọa độ máy nên có rộng ra 1-2m chiều ngang (2 bên hàng xóm liền kề đã ở ổn định, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có tranh chấp).
Thửa đất nêu trên do ông S khai hoang và sử dụng rồi đã chuyển nhượng toàn bộ cho bà T, bà T tách thửa cho 5 hộ người thân (số liệu diện tích cho từng hộ được chia trên máy tính căn cứ diện tích chuyển nhượng từ ông S nhưng được đo bằng tay).
Bà Hương hỏi, tổng diện tích chung là 1.450 m2 đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất (cùng 1 thửa chung nay tách ra) thì khi đo đất lại cho từng hộ bằng máy, nếu có đất dôi ra thì phần dôi ra có phải là đất xen kẹt không? Cách khắc phục sai số do đo tay trước đây và đo máy hiện nay?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Về đất xen kẹt, hiện nay, theo Điều 10 Luật Đất đai năm 2013, căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại thành 3 nhóm: đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Mỗi nhóm đất có từng loại đất cụ thể nhưng không có loại đất nào có tên gọi là đất xen kẹt.
Về cách xử lý khi diện tích đất thực tế không trùng với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, do nội dung không có hồ sơ cụ thể nên Bộ Tài nguyên và Môi trường không đủ cơ sở để trả lời cụ thể. Tuy nhiên, trên cơ sở nội dung câu hỏi, Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời chung về nguyên tắc như sau:
Tại Khoản 5 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 quy định:
"Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này hoặc Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có. Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 99 của Luật này".
Như vậy, khi diện tích đo đạc thực tế khác so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế.
Trường hợp ranh giới thửa đất có thay đổi, diện tích đất thực tế lớn hơn diện tích trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sẽ được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với phần diện tích tăng thêm.
Đề nghị bà liên hệ với cơ quan quản lý đất đai ở địa phương (Phòng tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai) để được giải đáp và hướng dẫn giải quyết cụ thể theo quy định của pháp luật).
Khánh Diệp
Theo