(Xây dựng) – Từ các vật liệu phế thải bỏ đi, những người khuyết tật tại Vườn tái chế - NNC đã tạo ra nhiều vật dụng có ích, mang lại công việc và thu nhập. Nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn cho người dân, du khách ở Bình Định.
Không gian xanh được xây dựng nên từ nhiều vật tái chế tại Vườn tái chế - NNC. |
Cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20km về hướng Tây Nam khoảng 20 phút đi đường, Vườn tái chế - NNC với không gian rộng tới 3.000m2 tọa lạc tại xóm 2, thôn Long Thành (xã Phước Mỹ, Quy Nhơn, Bình Định) đã trở thành một điểm đến tham quan, du lịch cho nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.
Điều đặc biệt, khu vườn này là một hoạt động mở rộng của Chi hội khuyết tật Nguyễn Nga (thuộc Hội bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bình Định). Khu vườn là nơi được các bạn khuyết tật cùng bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Chi hội trưởng lên ý tưởng hình thành và xây dựng nên. Chi hội được thành lập năm 1993 và đã trở thành tổ ấm của rất nhiều người khuyết tật ở trong và ngoài tỉnh Bình Định.
Không chỉ là một khu vườn được hình thành từ rác thải tái chế, đây còn là địa điểm dành cho các bạn không may mắn bị khuyết tật thể hiện kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, tham gia góp phần vào việc bảo vệ môi trường và tôn trọng thiên nhiên bằng những hành động rất nhỏ thông qua việc tái chế rác thải sinh hoạt thường thải ra hàng ngày như nhôm, nhựa, nylon, giấy, sắt, gỗ, vải vụn...
Chia sẻ về cơ duyên tạo nên Vườn tái chế - NNC, bà Nga cho biết vì nhận thấy số lượng hộp đựng đồ ăn từ xốp, nhựa tăng lên trong mùa dịch Covid-19 từ các hoạt động phát đồ ăn thiện nguyện, bà Nga cùng các hội viên đã trăn trở để tìm cách tận dụng và “tái sinh” số phế thải đó.
Nghĩ là làm, bà Nga cùng các hội viên khuyết tật đã lên ý tưởng tạo Dự án “Vườn tái chế - NNC”. Để hiện thực hóa ý tưởng đưa ra, cơ sở đã thu gom rác thải về và phân loại theo thành phần, mục đích sử dụng. Từ những đống rác tưởng chừng như bỏ đi, các hội viên trong hội đã mày mò, sáng tạo và tận dụng tạo nên những vật dụng trưng bày, đồ chơi, đồ lưu niệm, tới những chiếc túi xách đẹp mắt... khắp khu vườn đặc biệt.
Vườn tái chế - NNC rộng khoảng 3.000m2, được chia thành nhiều khu với nhiều hoạt động khác nhau như: Khu tái chế, khu trồng trọt, khu vui chơi.
Trong đó, khu tái chế có 2 gian, một là gian tái chế vải vụn, hai là gian tái chế giấy, nhựa... Bà Nga và các hội viên đã xây dựng không gian xanh bằng gần như 100% các vật liệu tái chế với mục đích góp phần nhỏ tham gia vào việc bảo vệ môi trường.
Trường Mầm non Tương Lai An Nhơn đến tham quan, trải nghiệm làm tái chế trong chuỗi dự án hoạt động về môi trường tại Vườn tái chế - NNC. |
Tại khu vực hai gian nhà trưng bày, bà Nga và các hội viên tổ chức chương trình cho những vị khách đến tham quan có thể trải nghiệm các hoạt động ý nghĩa như: Trải nghiệm tái chế: Đồ gia dụng, đồ dùng thường ngày, đồ chơi, đồ trang trí, trang phục…; Trải nghiệm tìm hiểu và tập chơi thử các loại đàn dân tộc; Tặng ý tưởng về tái chế rác thải; Tham gia làm vườn, trồng trọt, xây dựng, sửa chữa những hư hỏng; Tham gia viết bích báo về bảo vệ môi trường bằng những hành động nhỏ... Bà Nga cho biết, các bạn khuyết tật nơi đây rất tự hào vì được thể hiện các kỹ năng của mình, đồng thời chuyển tải được thông điệp về môi trường đến với cộng đồng.
Khu thứ 2 và thứ 3 của Vườn tái chế - NNC là khu trồng trọt và khu vui chơi, bao gồm tổ hợp một khu vườn hòa vào thiên nhiên, không gian rộng rãi và thuận theo tự nhiên. Nơi đây có vườn rau, sân bóng, sân trượt nước, có suối mát, có bãi cát để người tới tham quan có thể cắm trại ngủ qua đêm, có quầy cà phê, bếp nấu tự phục vụ..., trong đó tất cả đều được các bạn khuyết tật ở đây chăm sóc, dọn dẹp, trồng tỉa. Ngoài ra, tại đây còn có thêm khu giao lưu âm nhạc với nhiều dụng cụ âm nhạc đa dạng để mọi người có thể tổ chức âm nhạc, giao lưu cùng bạn bè, người thân và gia đình.
Vườn tái chế - NNC đưa đến những hoạt động ý nghĩa, hạn chế tối đa thói quen gây tác động xấu đến môi trường. |
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết, Vườn tái chế - NNC không phải là nơi kinh doanh du lịch chuyên nghiệp, đây chỉ là nơi dành cho những ai yêu quý thiên nhiên.
“Vườn tái chế - NNC là nơi mà gia đình, con em bạn và bạn bè của bạn có thể đến để trải nghiệm các hoạt động mà chúng tôi đã và đang xây dựng vì ý nghĩa sống xanh. Đến tham quan Vườn tái chế, bạn có thể mang tặng cây trồng, hạt giống, rác tái chế hoặc những vật dụng thừa không dùng nữa ở nhà bạn. Nếu là cây trồng chúng tôi sẽ gắn tên của bạn để lưu giữ kỷ niệm...”, bà Nga tâm sự.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình ý nghĩa được các du khách tới tham quan vườn rất hưởng ứng và thích thú như: Tham gia chương trình nhặt rác 2 tiếng “Mỗi tuần một cây số xanh” vào chiều thứ sáu hàng tuần; Tuyên truyền và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, hỗ trợ người dân địa phương biết phân loại rác thông qua tờ rơi trong buổi đi thu gom, dọn rác hàng tuần hoặc tổ chức các buổi hướng dẫn phân loại rác tại địa phương; ủng hộ đồ cũ, đồ không dùng nữa, phân bón, cây trái, hạt giống, chăm sóc nhổ cỏ vườn rau…
Nhiều thông điệp ý nghĩa được xây dựng tại khu vườn xanh. |
Mặc dù, Vườn tái chế - NNC mở cửa chào đón tất cả mọi người đến tham quan, sinh hoạt không như một khu du lịch chuyên nghiệp, tuy nhiên trong 3 năm vừa qua tại vườn đã tiếp đón rất nhiều khách du lịch từ trong tới ngoài tỉnh đổ về đây, thậm chí cả những vị khách nước ngoài yêu thiên nhiên, đời sống và con người Việt Nam.
Từ đây, khu vườn đã bắt đầu có thêm nguồn thu từ việc khách tới tham quan ủng hộ mua đồ tái chế cho những hội viên khuyết tật, đây đã trở thành niềm vui và nguồn động viên, tạo nên việc làm cho những hội viên có hoàn cảnh không may mắn tại ngôi nhà đầy tình yêu thương của chi hội.
Ra đời từ tháng 7/2021, sau hơn 2 năm được đưa vào xây dựng và đón khách tham quan, tới nay Vườn tái chế - NNC đã trở thành một điểm đến hút khách, hấp dẫn cho người dân và du khách khi ghé thăm vùng đất Quy Nhơn, Bình Định.
Tới thăm Vườn tái chế vào những ngày cuối tháng 8, anh Nguyễn Văn Thành (Quy Nhơn, Bình Định) cho biết, không cần du lịch đâu xa, đến Vườn tái chế - NNC là một địa điểm khá lý tưởng và khác biệt. Đây là nơi mà các bạn trẻ khuyết tật đang tham gia góp phần vào việc bảo vệ môi trường bằng những hành động rất nhỏ thông qua việc tái chế rác thải sinh hoạt mà vô tình chúng ta thường thải ra hàng ngày.
Anh Thành chia sẻ: “Đây không phải là điểm kinh doanh du lịch nhưng vườn luôn chào đón những người yêu quý thiên nhiên, trân trọng môi trường. Khi vào vườn không bán vé và thu tiền nhưng chúng ta có thể đóng góp vào thùng quỹ của vườn nhằm hỗ trợ cho việc chăm sóc cảnh quan, duy trì hoạt động và đặc biệt là tạo điều kiện để các bạn khuyết tật có cơ hội được học tập và làm việc hữu ích”.
Bên cạnh đó, Vườn tái chế - NNC đang ngày càng nhận được sự quan tâm tới từ các bạn trẻ, học sinh... tới tham quan. Đây cũng là một tín hiệu tích cực cho thấy người trẻ đã bắt đầu quan tâm hơn tới môi trường sinh thái, tái chế rác thải, bảo vệ môi trường tự nhiên thông qua mô hình vườn tái chế.
Để lan tỏa Vườn tái chế và những thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường, hạn chế và tái sử dụng rác thải, Vườn tái chế - NNC đã tới gần với mọi người hơn, đặc biệt là các bạn trẻ thông qua ứng dụng mạng xã hội Facebook. Tại trang fanpage “Vườn tái chế - NNC”, những hoạt động thường ngày như tái chế rác thải, các đoàn du khách tham quan vườn... cho tới những thông điệp bảo vệ môi trường đều được bà Nga cùng các hội viên cập nhật thường xuyên.
Bà Nga – Chi hội trưởng của hội mong muốn, Vườn tái chế - NNC sẽ là nơi dành cho tất cả mọi người, nơi chúng ta có thể cởi mở với nhau, gạt bỏ mọi định kiến xã hội về bất kỳ ai đó, sống hòa mình với thiên nhiên và làm điều mình yêu thích. Tạo ra Vườn tái chế, bà Nga hy vọng hỗ trợ được trẻ khuyết tật, tạo nơi cho trẻ em nói chung có thể hòa mình cùng thiên nhiên và thiên nhiên sẽ là sợi dây liên kết chặt chẽ giữa học đường và xã hội, giữa gia đình và bạn bè trong việc chung tay góp phần vào công tác bảo vệ môi trường sống.
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do 789club ios phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Lê Trang
Theo