(Xây dựng) - Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, số tiền nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển vào Việt Nam để thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư được sử dụng để chuyển thành vốn góp trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên liên quan.
Tổ chức kinh tế thực hiện cho vay ra nước ngoài, trừ việc xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ trả chậm; bảo lãnh cho người không cư trú khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép. (Ảnh minh họa) |
Theo bà Kim Tiến (Thành phố Hồ Chí Minh) tham khảo, Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 06/2019/TT-NHNN quy định: "Trước khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư... nhà đầu tư nước ngoài được phép chuyển tiền từ nước ngoài hoặc từ tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài đó mở tại ngân hàng được phép tại Việt Nam để thanh toán các chi phí hợp pháp trong giai đoạn thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam".
Như vậy, theo quy định tại Thông tư số 06/2019/TT-NHNN, nhà đầu tư nước ngoài được phép chuyển tiền từ nước ngoài để thanh toán các chi phí hợp pháp trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư mà không cần thực hiện qua tài khoản thanh toán của nhà đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng được phép tại Việt Nam, vì số tiền được chuyển về là để thanh toán cho nhà cung cấp (ví dụ thuê mặt bằng để thành lập pháp nhân).
Bà Tiến hỏi, bằng phương thức nào có thể chuyển số tiền đó thành vốn điều lệ trong khi tiền đó không được chuyển trực tiếp từ chủ đầu tư vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, mà chỉ là chi cho nhà cung cấp trong lúc chưa có Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh?
Trường hợp nếu chỉ hợp thức hóa số tiền đã chi cho nhà cho nhà cung cấp thành vốn điều lệ trên thủ tục giấy tờ mà tiền thực tế trong tài khoản vốn góp không đủ so với số tiền vốn điều lệ đăng ký trong Giấy chứng nhận đầu, kinh doanh thì có bị phạt do góp vốn không đúng tiến độ hay không?
Ví dụ: Vốn điều lệ đăng ký 100.000 USD trong đó chi cho nhà cung cấp trước đầu tư 50.000 USD sau đó nhà đầu tư chuyển vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp 50.000 USD vậy thì có được tính là vốn điều lệ 100.000 USD hay không?
Trường hợp công ty ở Việt Nam (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài) cho công ty mẹ ở nước ngoài vay tiền, theo Thông tư số 37/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có yêu cầu hồ sơ về văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với khoản cho vay ra nước ngoài của tổ chức kinh tế.
Vậy, mẫu biểu, hồ sơ, thủ tục quy trình cụ thể và nơi nộp hồ sơ để nhận được văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ?
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến như sau:
Về chuyển tiền thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư, theo Điều 8 Thông tư số 06/2019/TT-NHNN ngày 26/6/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam quy định:
"... 2. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, Giấy phép thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành, ký kết hợp đồng PPP, số tiền nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển vào Việt Nam để thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư được sử dụng để:
a) Chuyển một phần hoặc toàn bộ thành vốn góp;...
4. Các giao dịch quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên liên quan, xuất trình các tài liệu, chứng từ hợp lệ chứng minh số tiền đã chuyển vào Việt Nam và các chi phí hợp pháp liên quan đến hoạt động chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam, đảm bảo tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối, quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về kế toán và các quy định pháp luật có liên quan".
Căn cứ các quy định trên, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, số tiền nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển vào Việt Nam để thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư được sử dụng để chuyển thành vốn góp trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên liên quan, xuất trình các tài liệu, chứng từ hợp lệ chứng minh số tiền đã chuyển vào Việt Nam và các chi phí hợp pháp liên quan đến hoạt động chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam, bảo đảm tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối, quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về kế toán và các quy định pháp luật có liên quan.
Việc cho vay ra nước ngoài cho người không cư trú của tổ chức kinh tế được thực hiện theo các quy định sau:
Tại Khoản 2 Điều 19 Pháp lệnh Ngoại hối số 07/VBHN-VPQH ngày 11/7/2013 quy định: "Tổ chức kinh tế thực hiện cho vay ra nước ngoài, trừ việc xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ trả chậm; bảo lãnh cho người không cư trú khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc thực hiện mở và sử dụng tài khoản, chuyển vốn ra và thu hồi nợ nước ngoài, đăng ký cho vay, thu hồi nợ nước ngoài và các giao dịch chuyển vốn khác có liên quan đến hoạt động cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của các tổ chức kinh tế".
Theo Điều 7 Thông tư số 37/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay ra nước ngoài và thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú quy định về thành phần hồ sơ đăng ký khoản cho vay ra nước ngoài.
Tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 37/2013/TT-NHNN quy định: "Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày ký thỏa thuận cho vay và trước khi thực hiện giải ngân cho vay, Bên cho vay gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) một (01) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 7 Thông tư này".
Ngọc Linh
Theo