(Xây dựng) – Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 29/12/2021 của Thành ủy Cần Thơ về phát triển du lịch trong tình hình mới, với mục tiêu đến năm 2025, ngành Du lịch thành phố Cần Thơ cơ bản thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển phát biểu chào mừng Hội thảo. |
Hướng đến mục tiêu ngành kinh tế mũi nhọn
Phát biểu chào mừng Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và Báo Công lý phối hợp tổ chức tại thành phố Cần Thơ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết: Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ngành Du lịch đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; việc khôi phục hoạt động du lịch, từng bước thúc đẩy du lịch phát triển là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Với tinh thần biến thách thức thành cơ hội, tìm giải pháp linh hoạt, thích ứng an toàn nhằm phục hồi và phát triển du lịch trong trạng thái bình thưởng mới, ngành Du lịch cả nước nói chung và du lịch thành phố Cần Thơ nói riêng đã dần hồi phục; được thể hiện qua kết quả của ngành Du lịch trong 8 tháng đầu năm 2024.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 11,4 triệu lượt khách tham quan, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm 2023; du khách nội địa khoảng 89,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 586 nghìn tỷ đồng. Riêng đối với thành phố Cần Thơ, 8 tháng năm 2024, thành phố đón hơn 4,5 triệu lượt khách tham quan, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, khách lưu trú đạt hơn 2,1 triệu lượt; tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.
Để đạt được kết quả tích cực này, thành phố Cần Thơ đã luôn bám sát chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển du lịch, trong đó, chú trọng xây dựng cơ chế chính sách, tạo môi trường du lịch thông thoáng để thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, mở rộng liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, thành phố Cần Thơ đã và đang tập trung xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển du lịch, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch của thành phố Cần Thơ; phát huy vai trò trung tâm vùng ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 29/12/2021 của Thành ủy Cần Thơ về phát triển du lịch trong tình hình mới, với mục tiêu đến năm 2025, ngành Du lịch thành phố Cần Thơ cơ bản thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có sức cạnh tranh cao; điểm đến hấp dẫn trong khu vực và cả nước.
Cùng với các địa phương trong vùng ĐBSCL, thành phố Cần Thơ đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch và chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch theo nhiều hình thức: Dài hạn, ngắn hạn… nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, ngành Du lịch thành phố Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đang có nhiều khó khăn trong việc đạo tạo nguồn cán bộ quản lý du lịch, lực lượng lao động du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao và công tác thực thi pháp luật về du lịch.
Du lịch MICE sẽ nâng cao vị trí trên bản đồ du lịch quốc tế
Viện trưởng Viện Kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ Nguyễn Khánh Tùng cho rằng, du lịch MICE là hoạt động du lịch kết hợp tổ chức hội nghị, hội thảo và triển lãm. Du lịch MICE đang là một trong những xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, loại hình du lịch MICE mang lại lợi ích to lớn. Các vấn đề cần hoàn thiện trước mắt như: Cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, chất lượng dịch vụ, cải thiện tại các điểm đến, cơ chế chính sách. Để hoàn thiện các vấn đề này, phát triển nguồn nhân lực du lịch để hoàn thiện sản phẩm du lịch MICE tại Cần Thơ là điều quan trọng cho sự phát triển du lịch của thành phố Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
Ông Nguyễn Khánh Tùng thông tin cho biết: Đến cuối năm 2023, tổng số lao động phục vụ trong ngành Du lịch tại Cần Thơ khoảng 15.000 nhân sự. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ trong số này chuyên về du lịch MICE, với tỷ lệ khoảng 10%, tức là khoảng 1.500 nhân viên làm việc trực tiếp trong lĩnh vực này. Khoảng 60% nhân lực MICE làm việc trong các khách sạn và nhà hàng lớn, tập trung chủ yếu ở các khu vực trung tâm và những điểm du lịch nổi tiếng. Thực tế, nguồn nhân lực MICE thành phố Cần Thơ đang đối mặt với nhiều thách thức, từ sự thiếu hụt về số lượng đến hạn chế về chất lượng.
Du lịch MICE thế mạnh Cần Thơ (Trong ảnh: Khách tham quan tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư - Thương mại thành phố Cần Thơ năm 2024 tại Khách sạn Mường Thanh Cần Thơ). |
Du lịch MICE là loại hình du lịch dành riêng cho khách hàng có khả năng chi trả lớn, chính vì thế họ cũng luôn yêu cầu chất lượng sản phẩm, dịch vụ phải đạt được mức “hoàn hảo”. Điều này, đồng nghĩa với việc là nguồn nhân lực trực tiếp cũng như gián tiếp tham gia cung cấp các sản phẩm du lịch MICE phải có trình độ, kỹ năng và nghiệp vụ chuyên môn để đảm bảo hài lòng du khách.
Tuy nhiên, du lịch MICE Cần Thơ chỉ mới phát triển ở Meeting tour (du lịch gặp gỡ) và Incentive tour (du lịch khen thưởng), còn Conference tour (du lịch hội thảo) và Event tour (du lịch sự kiện/triển lãm) Cần Thơ chưa phát triển. Thực tế cho thấy, các trung tâm hội nghị, triển lãm chỉ đáp ứng ở quy mô nhỏ, thiếu các địa điểm tổ chức cho những sự kiện có quy mô lớn từ 1.000 người tập trung và khó khăn đặt phòng lưu trú cho sự kiện lớn. Thành phố Cần Thơ chưa có trung tâm hội nghị, triển lãm lớn chuyên biệt, đồng bộ giải quyết các nhu cầu về hội họp, ẩm thực, lưu trú, giải trí khép kín.
Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, để du lịch MICE thành phố Cần Thơ phát triển xứng tầm phải cần tập trung vào việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu cho nhân lực MICE, bao gồm cả kỹ năng tổ chức sự kiện, quản lý khách sạn và phát triển dịch vụ khách hàng. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế để cải thiện chất lượng đào tạo và mở rộng cơ hội học tập và thực hành cho nhân viên trong ngành. Các chương trình đào tạo nên bao gồm các khóa học về quản lý sự kiện, văn hóa vùng miền và các quốc gia.
Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan chính quyền, viện - trường và các doanh nghiệp trong việc phát triển và quản lý nguồn nhân lực du lịch MICE. Sự hợp tác với các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong ngành sẽ đảm bảo chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường. Cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò điều phối, hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong việc phát triển nguồn nhân lực.
Du khách nước ngoài tham quan Cần Thơ. |
Định vị lại chiến lược phát triển du lịch MICE một cách toàn diện, bao gồm cả việc xác định các thị trường mục tiêu, tiếp thị điểm đến, phát triển thương hiệu, xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước với nhau để thúc đẩy sự phát triển du lịch MICE.
Phát triển nguồn nhân lực du lịch MICE tại Cần Thơ là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của các thành phố trong ngành Du lịch. Để đạt được điều này, cần có sự phân phối hợp lý giữa các liên kết, từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp đến các cơ sở đào tạo. Việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng và hỗ trợ dịch vụ, xây dựng các kết quả hỗ trợ chính sách, phát triển mối liên kết giữa các liên kết và tăng cường hoạt động xúc tiến và quảng bá sẽ giúp thành phố Cần Thơ trở thành một điểm.
Việc đầu tư và phát triển nguồn nhân lực du lịch MICE không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn góp phần tạo ra nhiều cơ hội việc làm, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển và nâng cao vị trí của thành phố Cần Thơ trên bản đồ du lịch quốc tế.
Huỳnh Biển
Theo