(Xây dựng) - Để đạt được mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại COP26, Việt Nam phải đổi mặt với thách thức phát triển hướng tới một nền kinh tế carbon thấp. Trong đó định giá carbon, bao gồm thuế carbon và thị trường carbon, được coi là công cụ hữu hiệu và khả thi giúp đạt mục tiêu giảm phát thải ròng và hướng tới phát triển bền vững.
Định giá carbon giúp ứng phó biến đổi khí hậu, từ đó giảm ô nhiễm môi trường (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon
Theo Báo cáo kiểm kê khí nhà kính quốc gia gần nhất do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện năm 2016, tổng lượng khí thải cả nước là 316 triệu tấn CO2 tương đương và dự kiến sẽ tăng lên 928 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030 và 1,5 tỷ tấn CO2 tương đương vào năm 2050 theo kịch bản phát triển thông thường.
Kể từ năm 2000, lượng khí thải từ các hoạt động năng lượng (bao gồm giao thông vận tải, công nghiệp và dân cư) tăng nhanh, chiếm 65% tổng lượng khí thải vào năm 2016. So với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, cường độ phát thải trên một đơn vị GDP của Việt Nam khá cao, khoảng 0,35 kg CO2 /1USD.
Các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang nỗ lực thực hiện các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính. Quá trình này không chỉ nhằm giảm thiểu tác hại tới môi trường và phát triển bền vững mà còn để đáp ứng tiêu chuẩn xanh của quốc gia nhập khẩu.
Theo thống kê của World Bank (2022), các cơ chế định giá carbon đang được áp dụng tại 46 quốc gia và 36 địa phương, chiếm 11,83 tỷ tấn CO2 (khoảng 23,11% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu). Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cả hai công cụ thuế carbon và thị trường carbon đều có thể được áp dụng song song một cách linh hoạt để tối ưu hóa việc cắt giảm phát thải.
Tại Tọa đàm trực tuyến “Định giá carbon - Nguồn lực định hình chiến lược khí hậu của Việt Nam” vừa qua, ông Wolfgang Mostert, Chuyên gia quốc tế về chính sách năng lượng và khí hậu chia sẻ: “Định giá carbon là một công cụ chính sách hướng đến tính hiệu quả và tính kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải đề ra với chi phi thấp nhất bằng cách cân bằng chi phí giảm phát thải giữa các ngành và các nguồn phát thải khí nhà kính. Thị trường carbon đóng vai trò quan trọng, nhưng để xây dựng và vận hành thị trường này là một quá trình dài, đòi hỏi đầu tư nhiều về kỹ thuật, nhân lực và tài chính”.
Giải pháp thúc đẩy định giá carbon trong tương lai
Các chuyên gia đã đưa ra những khuyến nghị về phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần xác định rõ ràng cơ chế xử phạt với các đơn vị không tuân thủ hạn ngạch phát thải được cấp; thiết lập hạn ngạch phát thải một cách hài hòa giữa mục tiêu cắt giảm phát thải và phát triển kinh tế, xây dựng bộ hệ số phát thải quốc gia cho từng lĩnh vực, hoạt động cụ thể, phản ánh đúng hiện trạng phát thải của Việt Nam; thiết lập hạn ngạch phát thải theo hướng để thúc đẩy các doanh nghiệp sớm áp dụng công nghệ giảm phát thải.
TS. Trương An Hà, Chuyên gia nghiên cứu (Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam) cho biết, với việc xây dựng và vận hành thị trường carbon trong nước, Việt Nam sẽ nắm bắt được những cơ hội trong việc giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế, tạo cơ hội liên kết với thị trường carbon trên thế giới và trong khu vực cũng như tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Hơn nữa, thị trường carbon còn là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon.
Đánh giá về ảnh hưởng của việc định giá đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, TS. Nguyễn Phương Nam - Giám đốc điều hành của Climate Innovation (KLINOVA) cho biết: “Khi có quy định về định giá carbon, các doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật và việc tuân thủ này chắc chắn ảnh hưởng đến quy mô sản xuất của doanh nghiệp. Ví dụ, một doanh nghiệp đang phát thải nhiều để sản xuất ra nhiều sản phẩm, giờ phải tính toán giảm phát thải, tức là có thể sản xuất ít sản phẩm hơn hoặc phải chuyển sang dùng những công nghệ hiện đại hơn thay cho công nghệ cũ”.
Ông Nam cũng nhận định, về ngắn hạn, thị trường carbon hay các quy định về hạn ngạch sẽ mang lại tác động tiêu cực cho doanh nghiệp bởi tăng chi phí. Tuy nhiên về dài hạn, lợi ích tích cực cho doanh nghiệp là rất lớn so với chi phí đầu tư chuyển đổi công nghệ ban đầu. Doanh nghiêp có thể huy động được các nguồn tín dụng xanh, trái phiếu xanh; có cơ hội nâng cao uy tín trong nước và quốc tế và được xác định khả năng hợp tác phát triển lâu dài hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng rất cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ và các quy định, hướng dẫn rõ ràng hơn để vượt qua những khó khăn, rủi ro ban đầu.
Nhật Minh
Theo