(Xây dựng) - Thừa Thiên - Huế xác định nhiệm vụ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy địa phương phát triển toàn diện. Do vậy, tỉnh đang quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo tiêu chí đặc thù, trong đó trọng tâm là các tiêu chí về văn hóa đặc sắc và đô thị di sản.
Kinh thành Huế. |
Tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của Thừa Thiên - Huế
Giá trị khảo cổ
Thừa Thiên - Huế đã được thiên nhiên ban tặng cho những lợi thế vô giá về nhiều mặt. Nằm ở khoảng trung độ của đất nước, lưng tựa vào dãy Trường Sơn, mặt nhìn ra biển Đông, với diện tích 5.026km2, Thừa Thiên - Huế có địa hình phong phú đa dạng, gồm cả núi cao, vùng trung du, đồng bằng, đầm phá và vùng ven biển. Vườn quốc gia Bạch Mã rộng 22.030ha với hệ động thực vật vô cùng phong phú. Sông Hương tuy chỉ dài khoảng 100km nhưng là một trong những dòng sông đẹp trên thế giới. Dải đầm phá Tam Giang - Cầu Hai dài 68km, với diện tích trên 21.620ha là hệ đầm phá lớn nhất ở Đông Nam Á. Đường bờ biển dài hơn 120km với nhiều vịnh đẹp như Lăng Cô, Chân Mây…hai cửa biển Thuận An và Tư Hiền đều là những cửa ngõ giao thông quan trọng trong lịch sử.
Điều quan trọng là hàng nghìn năm qua, những tài nguyên thiên nhiên vô giá đó đã được các thế hệ cư dân Thừa Thiên - Huế chiếm lĩnh, khai thác để phục vụ đời sống, phát triển xã hội. Sự kết hợp hài hòa giữa những thành quả do con người sáng tạo ra với thiên nhiên đã tạo nên những di sản văn hóa vô giá mang đặc trưng rất riêng của vùng đất cố đô, mà đến nay, dù trải qua bao thăng trầm, biến cố, kể cả cơn lốc đô thị hóa sau khi đất nước mở cửa, Thừa Thiên - Huế vẫn cơ bản bảo tồn, giữ gìn được.
Thừa Thiên - Huế có khá nhiều dấu tích văn hóa thời Tiền sử, tuy chưa phát hiện được di chỉ cư trú, nhưng qua các dấu tích rìu, bôn đá được tìm thấy ở huyện A Lưới, huyện Phú Lộc…có thể thấy địa bàn cư trú của người nguyên thủy bấy giờ khá rộng. Căn cứ trên những đặc điểm về định tính và định lượng của các công cụ rìu và bôn đá được tìm thấy có thể ghi nhận công cụ của các nhóm cư dân nguyên thủy mang những đặc trưng giống công cụ đá của cư dân Bàu Tró (Quảng Bình) thời hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí, niên đại cách ngày nay 3.500 đến 4.000 năm.
Thời kỳ sơ sử ở Thừa Thiên - Huế được biết đến với những phát hiện và nghiên cứu về hệ thống các di tích văn hóa Sa Huỳnh. Trong đó có 2 di tích Cồn Ràng và Cồn Dài đã được các nhà khảo cổ học tiến hành khai quật và xác minh sự tồn tại của văn hóa Sa Huỳnh trên đất Huế. Cùng trong hệ thống các di tích văn hóa Sa Huỳnh, xung quanh di tích Cồn Ràng còn có một số các di tích khác như: Cửa Thiềng, Cồn Dài, Cồn Thu Lu, Bàu Đưng...
Những phát hiện và nghiên cứu đó đã cho thấy vùng đất này cũng thuộc phạm vi sinh sống của cư dân Sa Huỳnh và mang những yếu tố đặc trưng văn hóa riêng. Cũng trong giai đoạn kim khí, trống đồng Đông Sơn cũng đã được phát hiện ở xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền cho thấy sự giao lưu văn hóa giữa cư dân cổ ở Thừa Thiên - Huế với cư dân Đông Sơn ở phía Bắc.
Giá trị di sản văn hóa vật thể
Hệ thống các di tích tháp và phế tích tháp Champa ở Huế cũng rất phong phú, tiêu biểu như Tháp Phú Diên (huyện Phú Vang); tháp đôi Liễu Cốc, phế tích Vân Trạch Hòa, phế tích tháp Linh Thái (huyện Phú Lộc); phế tích tháp Lương Hậu (thị xã Hương Thủy)... Bên cạnh đó còn có các công trình kiến trúc thành trì Champa nổi tiếng như thành Hóa Châu (huyện Quảng Điền), Thành Lồi (thành phố Huế), gắn liền với thủy hệ sông Hương; thành Phú Ốc (hay thành Cửa Thiềng, thị xã Hương Trà), gắn liền với hệ sông Bồ...
Sự tồn tại của các tòa thành là cơ sở vô cùng quan trọng để xác định các trung tâm về chính trị, kinh tế, quân sự của một giai đoạn quan trọng trong lịch sử phát triển của vùng đất Thừa Thiên - Huế.
Các dấu tích về thời kỳ đóng thủ phủ chúa Nguyễn ở Huế gắn với tên gọi các địa danh Phước Yên, Bác Vọng (Quảng Điền), Kim Long, Phú Xuân (Huế) tuy không còn nhiều trên thực địa do bị phá hủy qua thời gian và chiến tranh, nhưng vẫn giúp chúng ta có thể lần tìm ra nhiều vấn đề quan trọng của lịch sử. Cố đô Huế vẫn còn bảo tồn được hàng chục khu lăng mộ của 9 đời chúa Nguyễn, các phi tần và quan lại cao cấp thời các Chúa (1558-1775). Chùa Thiên Mụ, chùa Quốc Ân, chùa Hà Trung, chùa Thiện Khánh, chùa Trúc Lâm...vẫn còn bảo lưu nhiều pháp khí quý giá liên quan đến thời các chúa Nguyễn.
Huế vẫn giữ được sưu tập vạc đồng thời chúa Nguyễn được đúc trong thế kỷ XVII, từ năm 1631-1684, thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) và Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) để tượng trưng cho sức mạnh và sự trường tồn của chính quyền Đàng Trong và bộ sưu tập súng thần công thời chúa Nguyễn được đúc rất tinh xảo và có mang phù hiệu của Công ty Đông Ấn - Hà Lan. Những cổ vật này phản ánh mối quan hệ cởi mở về ngoại giao và thương nghiệp dưới thời các chúa Nguyễn đối với các nước phương Tây.
Đại hồng chung chùa Thiên Mụ do chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc từ năm 1710. Có lẽ, chuông chùa được đúc sớm nhất ở Đàng Trong, do những người thợ giỏi thuộc Chú Tượng Ty của thời các chúa Nguyễn đúc. Các bia đá thời các chúa Nguyễn như: Bia chùa Thiên Mụ, bia lăng mộ Chiêu Nghi, bia tháp tổ Liễu Quán... là những cổ vật, những tư liệu rất quý để nghiên cứu về lịch sử và mỹ thuật thời các chúa Nguyễn.
So với các cố đô khác của Việt Nam, Huế là nơi duy nhất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật mang đặc trưng kiến trúc cung đình Nguyễn đầu thế kỷ XIX, với hệ thống thành quách, cung điện, miếu đường, đình tạ, lăng tẩm, phủ đệ…Quần thể Di tích Cố đô Huế có quy mô lớn nhất trong số các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam, với hơn 1.400 công trình kiến trúc thuộc 32 cụm di tích, nằm trải rộng trên một diện tích hàng chục triệu mét vuông, bao trùm lên toàn bộ diện tích của thành phố Huế cùng với 4 huyện và thị xã lân cận.
Tính toàn vẹn của quy hoạch đô thị và thiết kế xây dựng đã đưa Cố đô Huế trở thành một mẫu mực hiếm có về quy hoạch đô thị vào cuối thời kỳ phong kiến ở Đông Á. Đây cũng là tiêu chí nổi bật để cố đô Huế được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam (1993).
Ngày nay, một số trung tâm văn hóa tâm linh tín ngưỡng được hình thành và phát triển như: Trung tâm văn hóa Huyền Trân, Học viện Phật giáo Huế, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, tượng đài Quán Thế Âm là những địa điểm đang được du khách quan tâm tìm hiểu các giá trị kiến trúc độc đáo, cảm nhận về các giá trị tinh thần và tâm linh con người xứ Huế.
Đô thị Huế thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố con người, kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên của vùng đất sông Hương núi Ngự. Trong quá khứ vàng son, Huế đã tạo cho mình một nền văn hóa phong phú và đặc sắc vừa kế thừa truyền thống văn hóa Thăng Long vừa tiếp thu những yếu tố mới của miền Trung, miền Nam và bên ngoài để tạo nên một sắc thái riêng biệt của một vùng văn hóa Huế. Người Huế sống gần gũi với thiên nhiên. Điều này được thể hiện cụ thể nhất trong lối kiến trúc nhà vườn truyền thống Huế. Kiến trúc nhà vườn không chỉ tạo nên sự gần gũi với thiên nhiên mà còn thể hiện nét văn hóa đặc sắc trong phong cách sống của người dân Cố đô.
Ngoài hàng chục phủ đệ - nhà vườn nổi tiếng tập trung ở địa bàn thành phố Huế, dọc theo hệ sông Hương và các chi lưu, phụ lưu, Thừa Thiên - Huế còn có cả một khu làng cổ Phước Tích nổi tiếng (thuộc huyện Phong Điền) được công nhận là làng di sản - di tích cấp quốc gia với hàng chục ngôi nhà rường, nhà vườn mẫu mực và tuyệt đẹp.
Vị trí Kinh thành Huế và cảnh quan phong thủy. |
Thừa Thiên - Huế trong thời kỳ Pháp thuộc cũng đã được quy hoạch nghiên cứu, xây dựng một cách bài bản và khoa học. Nhiều công trình kiến trúc Pháp được xây dựng với sự đa dạng, phong phú về phong cách kiến trúc tạo nên một quỹ di sản kiến trúc có giá trị ở Huế.
Thừa Thiên - Huế có hệ thống di tích lịch sử cách mạng rất đồ sộ, cùng với hệ thống này còn có hơn 20 di tích và địa điểm di tích liên quan trực tiếp đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng Người và gia đình sống ở Huế.
Huế là xứ sở được mệnh danh là Kinh đô Phật giáo với hàng trăm chùa quán, niệm phật đường, hầu hết những công trình này đều xây dựng mang giá trị kiến trúc độc đáo luôn hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Những ngôi danh lam cổ tự như: Thiên Mụ, Thánh Duyên, Diệu Đế, Báo Quốc, Từ Đàm, Quốc Ân, Thiền Tôn, Từ Hiếu,... Ra đời rất sớm đã thể hiện chiều sâu văn hóa của vùng đất, do các vị vua chúa, quan lại, quý tộc triều Nguyễn cùng người dân cúng tiền trùng kiến, xây dựng nên mang đậm dấu ấn kiến trúc cung đình.
Phật giáo Huế hiện còn lưu giữ nhiều mộc bản quý, qua đó có thể giúp các thế hệ đương đại hình dung rõ nét về đời sống văn hóa, tôn giáo, tư tưởng của xứ Thuận Hóa dưới thời các chúa Nguyễn, vương triều Nguyễn cho đến những thập niên cuối của thế kỷ XX.
Hiện cố đô Huế vẫn bảo tồn được 2.933 ván khắc kinh Phật các loại, hiện được lưu giữ tại các chùa: Chùa Từ Đàm, chùa Từ Hiếu, chùa Thiên Mụ, chùa Bảo Lâm, chùa Quốc Ân, chùa Tường Quang, chùa Hải Đức, chùa Giác Lâm, chùa Tường Vân...
Bản đồ phân bổ di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. |
Giá trị di sản văn hóa phi vật thể
Một trong những loại hình nghệ thuật đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật đó là âm nhạc truyền thống Huế, thể hiện qua nhiều loại hình phong phú như: Tuồng cung đình với hàng trăm vở tiêu biểu như Sơn Hậu, Vạn Bửu Trình Tường, Quần Phương Hiến Thụy... mỗi vở gồm hằng trăm hồi, mỗi hồi diễn một đêm. Múa cung đình với nhiều làn điệu như: Vũ Phiến, Bát Dật, Lục cúng hoa đăng, Phụng vũ, Lân vũ... mà trong đó có nhiều vũ điệu quy mô huy động 80 - 90 người. Nhã nhạc cung đình là một điển hình cho âm nhạc bác học, đây là sự kế thừa và phát triển đến đỉnh cao của âm nhạc Việt Nam trong các triều đại quân chủ.
Lễ nhạc cung đình gồm các loại như: Nhã nhạc, Đại nhạc, Tiểu nhạc (gọi chung là Nhã nhạc), hệ thống này chứa đựng những tư duy triết học, vũ trụ quan và nhân sinh quan của con người Việt Nam. Hàng trăm nhạc chương còn lưu lại đây là những áng văn chương bất hủ, những ngôn từ bác học có tính nhân văn sâu sắc.
Festival Huế. |
Ca Huế là một loại hình âm nhạc truyền thống, là tinh hoa của nhiều dòng âm nhạc cổ truyền dân tộc. Theo các nhà nghiên cứu, thời điểm hình thành Ca Huế vào khoảng thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII, đây là giai đoạn phát triển dưới thời chúa Nguyễn. Thời kỳ thịnh đạt nhất của nghệ thuật Ca Huế vào khoảng thế kỷ XIX, nhiều phủ đệ ở Kinh đô Huế thường có một đội nhạc để phục vụ riêng cho tầng lớp hoàng thân quốc thích, danh gia vọng tộc.
Dần dần nghệ thuật Ca Huế đã phát triển, lan tỏa ra ngoài dân gian, nó đã tiếp nhận thêm một số điệu hò, lý có cùng chung một môi trường địa văn hoá để trở thành một sắc thái độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Nhạc điệu của Ca Huế là nguồn cảm hứng cho nhạc dân gian Bình Trị Thiên và các thanh âm của Ca Huế phát sinh từ tiếng nói, ngữ điệu của người dân xứ Huế.
Ca Huế là nhịp cầu nối giữa cung đình - dân gian, dòng âm nhạc dân gian chính là cơ sở để hình thành và phát triển, là cái nôi nuôi dưỡng cho dòng âm nhạc bác học, cung đình Huế.
Lễ hội văn hóa là một trong những nội dung phong phú của vùng Huế. Đây là sự thể hiện giá trị chân xác, sức sống mãnh liệt gắn với truyền thống lịch sử một vùng đất. Thừa Thiên - Huế có trên 500 lễ hội bao gồm lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, truyền thống, lễ hội tôn giáo. Hiện nay có hơn 100 lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống và hiện đại đã được nghiên cứu khôi phục và phát huy.
Các lễ hội gắn liền với các di tích lịch sử như: Lễ Truyền lô, lễ Ban sóc, lễ Tế giao, lễ Tế Xã Tắc, lễ tế Âm Hồn... Bên cạnh lễ hội cung đình, có các lễ hội dân gian tiêu biểu khác như: Lễ hội điện Huệ Nam, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội làng Chuồn, lễ Thu Tế của những làng nghề truyền thống... Ngoài ra, còn các lễ hội khác như: Hội Hoa xuân, hội Đua thuyền, hội Vật làng Sình, hội Thả diều... lại có một đời sống gần gũi với đại đa số người dân xứ Huế.
Do nhu cầu của công việc kiến thiết xây dựng, phục vụ sinh hoạt của vương triều Nguyễn, nên ở đây đã sớm hình thành các tượng cục và phường hội của các nghề truyền thống riêng biệt. Trong thời Nguyễn, kinh đô Huế từng có gần 100 tượng cục tập trung đội ngũ thợ thủ công tài hoa, khéo léo nhất của cả nước, mà đến nay hậu duệ của họ vẫn còn tại các làng nghề nổi tiếng xứ Huế như làng đúc đồng phường Đúc, điêu khắc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, rèn Hiền Lương, tranh dân gian làng Sình...
Những làng nghề này hiện đang còn bảo lưu và phát triển, đáp ứng cho công tác trùng tu và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch và các sinh hoạt tiêu dùng của người dân. Có thể nói, Huế là nơi hội tụ và lan tỏa ra cả nước những người thợ lành nghề và đông đảo đội ngũ nghệ nhân lão luyện đã tạo nên những tác phẩm có giá trị mỹ thuật cao.
Một trong những nét đặc trưng của đời sống tinh thần của Huế là nghệ thuật ẩm thực, đây là một nghệ thuật vừa mang tính khoa học vừa khái quát được mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người. Trong kho tàng ẩm thực Việt có khoảng 1.700 món thì Huế chiếm đến 1.300 món, hiện còn lưu truyền trong dân gian khoảng 700 món bao gồm các món ăn cung đình, các món ăn dân gian và các món ăn chay. Văn hóa ẩm thực Huế được đánh giá là ẩn chứa nét tinh tế, thanh nhã tiến đến một loại hình nghệ thuật cao mang một đặc trưng phong cách riêng.
Người Huế bao giờ cũng ăn mặc lịch sự khi tiếp khách trong nhà cũng như khi bước ra khỏi cửa. Áo dài truyền thống xuất hiện thường xuyên trong trường học, doanh nghiệp, công sở,…
Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhận thức sâu sắc vấn đề bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc xem đây là nguồn lực trọng yếu để nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng giao lưu quốc tế. Trên cơ sở này, tỉnh có các quyết định, kế hoạch và giải pháp để bảo vệ những di sản văn hóa tiêu biểu, tập trung xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng các công trình kiến trúc đặc sắc là di tích cấp quốc gia.
UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1046/QĐ-UBND ngày 08/10/1993 kèm theo Danh mục 153 di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng được bảo vệ. Luật Di sản văn hóa được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2001 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2002 đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam nói chung và cố đô Huế nói riêng.
Việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở Thừa Thiên - Huế được triển khai có hiệu quả. Hiện nay đã có 5 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và 15 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây là hành động thiết thực để ghi nhận, biểu dương và tôn vinh công lao đóng góp của các nghệ nhân đã và đang cống hiến tài năng, sức lực cho việc khôi phục, duy trì, sáng tạo và phát triển di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên - Huế.
Việc huy động các nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Sau năm 1975 chiến tranh và thiên nhiên khắc nghiệt đã làm cho các di tích bị tàn phá và xuống cấp nghiêm trọng, toàn bộ khu vực Tử Cấm Thành gần như bị hư hại hoàn toàn. Khu vực Hoàng Thành chỉ còn lại 80 công trình so với 147 công trình kiến trúc nguyên thủy. Khu vực Kinh thành chỉ còn 97 công trình trong tình trạng hư hỏng nặng trong tổng số 306 công trình; lăng vua Gia Long có 44 công trình chỉ còn 20 công trình; lăng vua Minh Mạng có 40 công trình còn lại 21 công trình; lăng vua Thiệu Trị có 40 công trình còn lại 19 công trình; lăng vua Tự Đức có 40 công trình còn lại 19 công trình...
Toàn bộ Quần thể Di tích Cố đô Huế sau chiến tranh chỉ còn khoảng 300 công trình lớn nhỏ, hầu hết đều bị hư hỏng ở những mức độ khác nhau, nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Nhờ nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các Bộ, ngành Trung ương và sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh, hàng trăm hạng mục kiến trúc cảnh quan được tiến hành tu bổ, trùng tu, tôn tạo.
Từ năm 1993, sau khi được UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa thế giới, công tác bảo tồn, tu bổ đã được tập trung triển khai và thu được những kết quả tốt, diện mạo Quần thể Di tích Cố đô Huế ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, đến cuối thập niên 1990 đã được UNESCO đánh giá là vượt qua giai đoạn “cứu nguy khẩn cấp” để chuyển sang giai đoạn “ổn định và phát triển bền vững”.
Trong giai đoạn 2001 đến 2018, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước đã bố trí cho công tác trùng tu và chống xuống cấp di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế gần 1.528 tỷ đồng (ngân sách hỗ trợ có mục tiêu khoảng 405,6 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia khoảng 335,1 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 787,3 tỷ đồng). Quyết định số 105/TTg ngày 12/2/1996 của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để Cố đô Huế triển khai thực hiện chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong suốt thời gian 15 năm (1996-2010) và cũng là cơ sở để Chính phủ ban hành Quyết định 818/TTg phê duyệt dự án điều chỉnh Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010-2020.
Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế đang được triển khai có hiệu quả đã góp phần trả lại mặt bằng tại các điểm di tích bị xâm lấn do nhiều nguyên nhân khác nhau; qua đó, tạo tiền đề cho công tác trùng tu, bảo tồn Quần thể di tích Cố đô Huế để gìn giữ cho các thế hệ mai sau.
Tốc độ đầu tư cho công tác trùng tu bảo tồn di tích cũng tăng lên nhanh. Với nguồn đầu tư trong nước và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, sau 25 năm kể từ khi trở thành Di sản thế giới, tại cố đô Huế đã có khoảng 175 công trình được bảo tồn, trùng tu, tiêu biểu như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, hệ thống trường lang Tử Cấm Thành, Thái Bình Lâu, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, nhà hát Duyệt Thị Đường, vườn Thiệu Phương, vườn Cơ Hạ, lầu Tứ Phương Vô Sự, điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), cung An Định, các công trình tại lăng vua Gia Long, lăng vua Minh Mạng, lăng vua Thiệu Trị, lăng vua Tự Đức, lăng vua Dục Đức, lăng vua Đồng Khánh, chùa Thiên Mụ, Văn Miếu, điện Hòn Chén, đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, hệ thống các cổng Kinh thành, hệ thống tường Kinh thành mặt nam...
Hệ thống hạ tầng, cảnh quan khu di tích cũng được đầu tư trùng tu tôn tạo một cách bài bản, khoa học. Với những thành tựu đã đạt được, Huế được UNESCO, Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá là ngọn cờ đầu trong trùng tu, bảo vệ di sản. Ủy ban Di sản thế giới thuộc UNESCO cũng đã khuyến nghị Việt Nam nên đầu tư xây dựng Huế trở thành một trung tâm chuẩn mực về trùng tu di sản và đào tạo công nghệ bảo tồn di sản kiến trúc gỗ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Điện Kiến Trung mới được trùng tu, hoàn thành năm 2024. |
Hệ thống các bảo tàng cũng được quan tâm khai thác, phát huy. Công tác quản lý cổ vật, bảo vật quốc gia của Thừa Thiên - Huế trong nhiều năm qua đã được chú trọng. Trong những năm qua, di sản văn hóa đã gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, thúc đẩy du lịch phát triển. Từ năm 2000, các kỳ Festival Huế định kỳ (vào năm chẵn) và từ năm 2005, Festival Nghề truyền thống Huế (năm lẻ) được tổ chức thành công đã góp phần khẳng định vị trí về chính trị, văn hóa và du lịch, mở rộng quan hệ ngoại giao và hợp tác quốc tế nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, tạo động lực phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút nhiều dự án đầu tư về dịch vụ du lịch và trên các lĩnh vực khác.
Quá trình phát huy giá trị di sản đã tác động đến cơ cấu kinh tế, những năm 90 của thế kỷ XX cơ cấu phát triển của tỉnh Thừa Thiên - Huế là công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ, đến những năm đầu thế kỷ XXI cơ cấu phát triển là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp và hiện nay cơ cấu phát triển là dịch vụ du lịch - công nghiệp - nông nghiệp; hiện tại du lịch dịch vụ chiếm 50% GRDP.
Việc lên đô thị trực thuộc Trung ương trong thời gian tới sẽ giúp cho Thừa Thiên - Huế có điều kiện bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa các giá trị di tích di sản và văn hóa truyền thống.
(Nguồn: Đề án đề nghị công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên - Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I - Viện Nhà ở và Phát triển đô thị, năm 2024)
TS.KTS Nguyễn Minh Đức
Giám đốc Viện Nhà ở và Phát triển đô thị
Theo