(Xây dựng) – Dịch Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã xác định vắc-xin là giải pháp cơ bản, quan trọng và hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19. Hiện nay, Chính phủ cũng như tỉnh Long An cùng các doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất, bảo đảm an toàn cho người lao động trong phòng, chống dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp còn chủ động giúp đỡ bà con như ATM gạo giúp đỡ người nghèo tại Khu công nghiệp Thuân Đạo - huyện Bến Lức, tỉnh Long An. |
Kiên quyết chống dịch từ bên trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp
Tại Long An, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã có nhiều doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp tạm dừng hoạt động và phải thực hiện phương án "03 tại chỗ" để tiếp tục sản xuất theo Quyết định số 2054/QĐ-BCĐ trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù đại dịch tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp vẫn nâng cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm cho người lao động.
Tình hình sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2021 mặc dù giảm so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức tương đối cao. Bên cạnh đó, tỉnh Long An vẫn còn tồn tại một số khó khăn trong việc sớm đưa doanh nghiệp quay lại tái sản xuất trong trạng thái bình thường mới và trong hoàn thiện các thủ tục để mời gọi chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp; tỷ lệ người lao động được tiêm vắc-xin còn thấp sẽ gây khó khăn cho việc tái sản xuất của doanh nghiệp. Trong giai thời gian tới, khi tỉnh Long An tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, để thực hiện hiệu quả mục tiêu “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn” thì người lao động phải được tiêm vắc-xin đầy đủ trước khi vào làm việc…
Các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp, khu công nghiệp xây dựng phương án phục hồi sản xuất, bảo đảm an toàn cho người lao động trong phòng, chống dịch Covid-19 the kế hoạch như sau:
Một, các doanh nghiệp tùy theo tình hình của từng địa phương, từng địa bàn chủ động có phương án phục hồi sản xuất trong điều kiện có dịch bệnh.
Hai, phải chuẩn bị giải pháp về giãn cách, kiểm soát F0, tuyệt đối an toàn, không để ổ dịch phát sinh trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Ba, các khu vực chưa có F0 thì cho sản xuất bình thường.
Bốn, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Bộ Xây dựng, của tỉnh Long An về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 tại khu công nghiệp. Tổ chức phổ biến cho các chủ thể tham gia hoạt động trong khu công nghiệp, áp dụng “Hướng dẫn đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 tại khu công nghiệp”.
Năm, thường xuyên kiểm tra tình hình tuân thủ các quy định, yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh, các cơ quan liên quan tại khu công nghiệp.
Sáu, kiên quyết đình chỉ hoặc có giải pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các hướng dẫn trên của Bộ xây dựng và các hướng dẫn của các cơ quan Trung ương và địa phương, ngành Y tế (nếu có), báo cáo về Ban Quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp để biết, chỉ đạo.
Các doanh nghiệp đồng lòng, chung tay chống dịch
Các doanh nghiệp từ Hội viên Hội Doanh nghiệp tỉnh Long An (LBA) đồng lòng, chung tay chống dịch.
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Long An, ông Nguyễn Văn Được đã biểu dương sự vào cuộc kịp thời, tích cực bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân, nhất là lực lượng tiên phong tuyến đầu chống dịch. Và trân trọng tình cảm, trách nhiệm của người dân tổ chức và doanh nghiệp đã tin tưởng, ủng hộ, nhiệt tình hưởng ứng công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh: Đặc biệt, thật ấm lòng khi biết rằng nhiều bà con, cộng đồng doanh nghiệp đã tự nguyện góp công, góp của chăm lo bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ các chốt kiểm soát, các khu cách ly, ủng hộ vào Quỹ phòng chống Covid-19 và Quỹ Vắc-Xin phòng chống Covid của tỉnh,… tôi trân trọng ghi nhận và tri ân tất cả những tình cảm, những nỗ lực của các lực lượng, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong trận chiến đầy cam go này.
Người dân huyện Đức Hòa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 2 cho các trường hợp đã tiêm mũi 1 cách đây hơn 2 tháng. |
Thực hiện lời kêu gọi của lãnh đạo tỉnh với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” và truyền thống “Thương người như thể thương thân”, Hội Doanh nghiệp tỉnh Long An đã kêu gọi hội viên tham gia đóng góp Quỹ Vắc xin. Ngay trong ngày đầu tiên, Hội viên LBA đã đóng góp được hơn 22 tỷ đồng.
Ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An bày tỏ quan điểm: Mỗi công dân Việt Nam trong khả năng của mình, hãy tham gia chia sẻ, đóng góp vào các Quỹ hỗ trợ hoạt động phòng chống Covid, Quỹ vắc-xin phòng Covi,… của Trung ương và địa phương nhằm chia sẻ một phần gánh nặng cho Ngân sách vốn đã có quá nhiều khoản phải đảm đương kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Chúng ta không nên xem việc này là trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ Y tế, mà cần xem đây là trận chiến của toàn dân. Muốn đánh thắng trận này, mỗi người dân phải là một chiến sĩ, đóng góp sức mình, giảm bớt áp lực cho ngân sách, để Chính phủ có thể dùng tiền vào các việc cấp bách hơn. Sự hỗ trợ từ Chính phủ thiết thực nhất trong lúc này chính là cơ chế, là chính sách hỗ trợ kịp thời, bởi Ngân sách cũng là hình thành từ nguồn đóng góp toàn dân. Và mỗi công dân Việt Nam, trong lúc này sẽ thể hiện trách nhiệm với quê hương, đất nước.
Trong ngày đầu tiên gây Quỹ Vắc xin phòng Covid - 19, Hội viên LBA đã góp được hơn 22 tỷ đồng. |
Xúc động trước những nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp trong tỉnh, ông Nguyễn Văn Được khẳng định: Dịch bệnh xảy ra, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, các doanh nghiệp phải bảo đảm an toàn sản xuất, an toàn sức khỏe và đời sống cho công nhân, lao động… với rất nhiều chi phí phát sinh, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tích cực, tự nguyện đóng góp vào Quỹ phòng, chống Covid-19, Quỹ Vắc xin, tham gia công tác an sinh xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp đã tài trợ trang thiết bị, vật tư y tế, cùng đồng hành với tỉnh thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế và phát huy cao độ trách nhiệm xã hội.
Ông Nguyễn Văn Đước cho biết: Hiện nay, chúng ta đang ở thời điểm vô cùng khó khăn khi đại dịch Covid-19 tiếp tục tăng nhanh và tác động to lớn, toàn diện đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh Long An. Tính đến 06 giờ, ngày 13/7/2021, Long An đã ghi nhận 764 ca nhiễm. Đáng lo ngại là dịch bệnh đã xâm nhập vào bệnh viện, nhà máy, khu - cụm công nghiệp, các khu vực chợ truyền thống - là những nơi trọng yếu, đông người nên rất dễ dẫn đến lây nhiễm nhanh và khó kiểm soát. Với quyết tâm không để đứt gãy chuỗi sản xuất, sớm đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân; Tỉnh đã ban hành Văn bản số 6619/UBND-VHXH ngày 11/7/2021 về việc kiểm soát nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Đây thật sự là quyết định hết sức khó khăn và ngoài ý muốn, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống bà con nhân dân. Tuy nhiên, đây là quyết định hết sức cần thiết, cấp bách để ngăn chặn và tiến tới chặn đứng sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Trước đó, ngày 07/9/2021, tại Hội trường Thống Nhất, UBND tỉnh Long An công bố thành lập và ra mắt Quỹ vắc–xin phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Long An. Quỹ được thành lập nhằm để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền và vắc–xin của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh cho hoạt động mua vắc–xin và sử dụng vắc–xin phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn tỉnh Long An. |
Bài: Các doanh nghiệp Long An chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất, bảo đảm an toàn cho người lao động trong phòng, chống dịch Covid-19 tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Mai Thanh
Theo