(Xây dựng) – Sáng 20/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cùng đại diện lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội và Dân tộc tỉnh chủ trì Hội nghị trực tuyến thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh buổi họp. |
Theo báo cáo, tổng kế hoạch vốn thực hiện 03 Chương trình MTQG năm 2024 (bao gồm năm 2023 chuyển sang) hơn 924 tỷ đồng. Trong đó, vốn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 734 tỷ đồng, giảm nghèo bền vững hơn 120 tỷ đồng và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số gần 70 tỷ đồng.
Các đại biểu cho rằng, dù kế hoạch vốn được phân bổ lớn nhưng quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn nên tiến độ giải ngân chậm, đến ngày 10/9/2024 đạt hơn 270 tỷ đồng, bằng 29% kế hoạch.
Đến nay, Cà Mau có 60/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt tỷ lệ 73,2%; 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và thành phố Cà Mau được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Về vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến ngày 10/9, đã giải ngân 230,263 tỷ đồng, bằng 31,4% kế hoạch. Trong đó, vốn đầu tư phát triển 225,429 tỷ đồng, bằng 32,4% kế hoạch; vốn sự nghiệp 4,834 tỷ đồng, bằng 12,3% kế hoạch.
Toàn tỉnh còn 4.900 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,6%; 4.788 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,56%. Năm 2024, mục tiêu đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 0,4%; dự kiến đến cuối năm 2024, tỉnh thực hiện đạt kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,6% xuống còn 1,2%. Đến ngày 10/9, đã giải ngân 21,953 tỷ đồng vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, bằng 18,2% kế hoạch; trong đó, vốn đầu tư phát triển 5,499 tỷ đồng, bằng 21,3% kế hoạch (vốn ngân sách Trung ương), vốn sự nghiệp 16,454 tỷ đồng, bằng 17,4% kế hoạch (vốn ngân sách Trung ương). Tỉnh cũng đang tập trung quyết liệt chỉ đạo thực hiện, phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ có ít nhất 2 xã và 22 ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh.
Cà Mau chú trọng tập trung xây dựng nông thôn mới. |
Nguyên nhân giải ngân vốn còn chậm, các đại biểu khẳng định, chủ yếu là do chưa phát huy được sức dân tham gia vào việc thực hiện các chương trình. Đào tạo nghề cho người trong độ tuổi lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ thu nhập thấp còn nhiều khó khăn. Một số dự án phải lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu mất nhiều thời gian. Ngoài ra, mức hỗ trợ mua đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt còn thấp. Nhiều hộ dân không có khả năng bố trí vốn đối ứng để được thụ hưởng chính sách…
Về việc thực hiện các dự án có liên quan đến điều chuyển vốn, thủ tục còn nhiêu khê, ông Lê Văn Sử đề nghị các cơ quan chủ quản hằng tuần báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư. Về nguồn vốn năm 2025, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ bây giờ, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản hướng dẫn, đề nghị các Sở, ngành xem xét hướng dẫn và chỉ đạo địa phương chủ động để kịp thời giải ngân vốn.
Khánh Bình
Theo