(Xây dựng) - Ngày 20/6, 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức của Thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Y tế tập huấn trực tuyến về phương án phòng, chống dịch trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, Khu chế xuất, Khu công nghiệp (KCN), Khu công nghệ cao.
Ông Dương Chí Nam phát biểu khai mạc buổi tập huấn. |
Buổi tập huấn nằm trong chương trình làm việc của Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19. Ông Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế Bộ Y tế cho biết, tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh đòi hỏi công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phải hết sức quyết liệt, đặc biệt tại các doanh nghiệp trong và ngoài KCN.
Kinh nghiệm cho thấy, nếu doanh nghiệp nào không triển khai được các biện pháp phòng, chống dịch triệt để, doanh nghiệp không quan tâm và người lao động không thực hiện thì dịch bệnh sẽ bùng phát, không chỉ một vài ca bệnh mà hàng loạt ca bệnh ở các công xưởng. Không chỉ lây lan trong một công ty mà có thể lây lan các công ty khác có liên quan.
Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều KCN, nếu không có biện pháp dự phòng, thì nguy cơ “vỡ trận” trong KCN là rất lớn. Không chỉ ngưng trệ sản xuất, ảnh hưởng đến điều kiện kinh tế, nguồn thu của doanh nghiệp và tình hình kinh tế của thành phố, số lượng ca bệnh lớn sẽ dẫn đến quá tải khối điều trị.
Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đã đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 100 đoàn kiểm tra, đánh giá tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao. Nhằm giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Dự kiến bắt đầu từ thứ hai (21/6) 100 đoàn kiểm tra sẽ bắt đầu công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá.
Toàn cảnh buổi tập huấn trực tuyến tại điểm cầu trung tâm UBND Thành phố Hồ Chí Minh và 22 điểm cầu thành phố Thủ Đức và các quận, huyện. |
Do tình hình phức tạp của dịch bệnh, công tác kiểm tra đánh giá của 100 đoàn kiểm tra này sẽ gấp rút thực hiện. Trong vòng 3–5 ngày, các đoàn phải đánh giá và hướng dẫn cho các doanh nghiệp có quy mô trên 200 công nhân (khoảng hơn 2.000 cơ sở). Đối với những cơ sở vẫn còn những tồn tại phải tự khắc phục. Đoàn sẽ tái kiểm tra trong vòng 1 tuần. Những doanh nghiệp có nguy cơ cao, nếu không khắc phục được các nguy cơ phải yêu cầu tạm dừng hoạt động.
Không dừng lại ở kiểm tra 2 lần, đoàn có thể kiểm tra nhiều lần để giám sát doanh nghiệp thực hiện tốt công tác phòng chống, dịch. Chặn trước nguy cơ, phòng, chống dịch trong doanh nghiệp, tránh tình huống hàng loạt ca bệnh trong KCN. Trong quá trình kiểm tra, các đoàn sẽ thực hiện đánh giá dựa trên bảng điểm. Tại buổi tập huấn, các điểm cầu được hướng dẫn đánh giá nguy cơ trong KCN, hướng dẫn sử dụng bảng điểm đánh giá.
Nội dung đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 tại cơ sở lao động dựa trên 15 tiêu chí, tổng điểm 300 điểm. Ông Dương Chí Nam yêu cầu các đánh giá phải chi tiết, cụ thể, đúng với tình hình thực tế.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ được phân loại. 5 nhóm nguy cơ lây nhiễm gồm:
Rất ít nguy cơ: Cơ sở xếp loại ở nhóm dưới hoặc bằng 15% (tương đương 45/300 điểm). Tuy nhiên vẫn thường xuyên duy trì và đánh giá nhằm đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch.
Nguy cơ lây nhiễm thấp: Cơ sở đạt 16-30% (tương đương 46-90 điểm). Cơ sở được hoạt động nhưng phải kiểm tra định kỳ để khắc phục hạn chế ở chỉ số thành phần cao nhất.
Nguy cơ lây nhiễm trung bình: Cơ sở đạt 31-51% (tương đương 91-153 điểm). Cơ sở có thể hoạt động với điều kiện phải thường xuyên đánh giá và khắc phục các chỉ số cao nhất.
Nguy cơ lây nhiễm cao: Cơ sở từ 51-80% (tương đương 154- 240 điểm). Phải có ngay giải pháp khắc phục các tồn tại để giảm thiểu nguy cơ. Nếu không phải tạm dừng hoạt động.
Nguy cơ lây nhiễm rất cao: từ 81-100% (241-300 điểm). Nên dừng hoạt động và thực hiện ngay giải pháp khắc phục các tồn tại để giảm thiểu nguy cơ.
Theo ông Nguyễn Đình Trung - Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, từ tháng 5/2021 Ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai hệ thống đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 trực tuyến dành cho doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp có thể chủ động tự đánh giá trước, việc này giúp các doanh nghiệp chủ động có những phương án ứng phó với dịch bệnh, kịp thời khắc phục những hạn chế. Qua thực tế kiểm tra, đoàn sẽ có những đánh giá lại và đề nghị với doanh nghiệp điều chỉnh, khắc phục tồn tại.
Tại buổi tập huấn, Phó trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và KCN Thành phố Hồ Chí Minh ông Phạm Thanh Trực cho biết, trên cơ sở đề xuất, tổng hợp từ các ngành, Ban Quản lý các Khu chế xuất và KCN thành phố sẽ tham mưu UBND thành phố về các tổ đánh giá các doanh nghiệp. Đồng thời, đề ra các phương án bảo đảm an toàn cho các đoàn kiểm tra và doanh nghiệp, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài và bên trong. Lấy mẫu xét nghiệm thành viên đoàn trước khi đi kiểm tra.
Mai Trịnh
Theo