(Xây dựng) - Bộ Công an đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân về dự thảo Thông tư quy định tổ chức hoạt động bay của không quân Công an nhân dân, vị trí sân bay trực thăng được xây dựng tại xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Mil Mi-8 (Hip) là loại máy bay trực thăng vận tải - chiến đấu 2 động cơ được sử dụng ở hơn 50 quốc gia trong đó có cả Việt Nam. Hiện nay, Không quân Việt Nam đang từng bước thay thế Mi-8 bằng phiên bản Mi-17 hiện đại hơn. (Ảnh IT). |
Đảm bảo cơ sở pháp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Theo dự thảo Thông tư, tàu bay của Không quân Công an nhân dân là tàu bay chuyên dùng được Bộ Công an trang cấp cho các đơn vị trong lực lượng Công an nhân dân nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) và các văn bản quy định chi tiết thi hành, hiện chưa có quy định điều chỉnh về hoạt động của tàu bay công vụ, trong đó có tàu bay chuyên dùng của lực lượng công an nhân dân.
Do đó, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho Trung đoàn Không quân Công an nhân dân hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Công an thông tin, việc xây dựng Thông tư quy định về tổ chức hoạt động bay của Không quân Công an nhân dân là cần thiết.
Tại dự thảo Thông tư nêu rõ, dấu hiệu nhận biết của tàu bay Không quân Công an nhân dân bao gồm biểu tượng Quốc kỳ Việt Nam và số hiệu tàu bay. Trong đó, biểu tượng Quốc kỳ Việt nam có chiều rộng bằng hai phần ba (2/3) chiều dài, kích thước cân đối và phù hợp với từng loại tàu bay…; số hiệu tàu bay được thể hiện bằng bốn (04) chữ số, trong đó: hai (02) chữ số đầu tiên là số năm mà tàu bay được đưa vào biên chế, hai (02) chữ số tiếp theo là số thứ tự của tàu bay trong biên chế. (Ví dụ: Tàu bay mang số hiệu 2401, được hiểu như sau: 24 - Tàu bay được đưa vào biên chế năm 2024; 01 - Tàu bay thứ nhất của Không quân Công an nhân dân).
Bộ Công an cũng nhấn mạnh, việc xây dựng Thông tư nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tạo cơ sở pháp lý để đơn vị Không quân Công an nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng quy định về giải thích từ ngữ, các từ ngữ chuyên ngành để thống nhất về cách hiểu như: An toàn bay, ban bay, bảo đảm bay, bảo đảm an toàn bay, chỉ lệnh đủ điều kiện bay, chuẩn bị bay, chỉ huy bay, quản lý điều hành bay, Cơ quan quản lý điều hành bay, Giảng bình bay, Cơ giới trên không…
Quy định về công tác tổ chức bảo đảm an toàn bay… trách nhiệm, quyền hạn và thời gian điều tra, nguyên nhân và xử lý hậu quả sau sự cố, tai nạn tàu bay; trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong việc phối hợp đảm bảo các điều kiện cho hoạt động bay của Không quân Công an nhân dân.
Lực lượng Không quân công an nhân dân (Ảnh IT). |
Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước
Ngày 31/3/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 31/QĐ-TTg phê duyệt đề án hiện đại hóa lực lượng cảnh sát cơ động đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030. Tại khoản 2 Điều 23 Luật Cảnh sát cơ động cũng quy định rõ: cảnh sát cơ động được trang bị tàu bay để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Thể chế hóa đường lối, chủ trương và định hướng chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc ưu tiên hiện đại hóa lực lượng cảnh sát cơ động và đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình hiện nay, ngày 01/3/2021, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 1255/QĐ-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy Trung đoàn Không quân Công an nhân dân thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.
Theo đó, Trung đoàn Không quân Công an nhân dân - đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, có nhiệm vụ tổ chức hoạt động bay phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo, vận chuyển, tuần tra, giám sát, trinh sát, tác chiến, cơ động chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ bay phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Công an theo quy định. Đồng thời, tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống khắc phục thảm họa, thiên tai; tổ chức thường trực sẵn sàng chiến đấu.
Trước đó, theo Quyết định được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành, phê duyệt quy hoạch vị trí sân bay trực thăng Trung đoàn Không quân Công an nhân dân thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) tại xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Tên gọi là sân bay Gia Bình với tổng nhu cầu sử dụng khoảng 125ha.
Được biết, đây là sân bay trực thăng cấp ba, sân bay quân sự cấp ba; sân bay dân dụng tương đương cấp 3C (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO).
Quy mô của sân bay Gia Bình được quy hoạch xây dựng một đường băng kích thước 1.500m x 38m, lề 2m x 3m; quy hoạch xây dựng một đường lăn song song cùng hệ thống đường lăn nối từ đường băng vào đường lãn song song và sân đỗ máy bay. Hệ thống sân đỗ máy bay có kích thước 136,5m x 680m bảo đảm cho hai phi đội trực thăng theo biên chế Trung đoàn Không quân Công an nhân dân.
Ngoài các công trình quản lý, điều hành bay được bố trí ở phía Nam đường băng, sân bay Gia Bình có khu doanh trại Trung đoàn Không quân Công an nhân dân và hệ thống giao thông đồng bộ.
Sân bay Gia Bình có khả năng bảo đảm hạ, cất cánh cho các loại trực thăng Mi-8, Mi-171; máy bay vận tải Casa-295; khi cần thiết có thể bảo đảm hạ, cất cánh cho các loại máy bay Su-27, Su-30 trong các tình huống khẩn cấp.
Khi được cấp có thẩm quyền cho phép, sân bay Gia Bình có thể tham gia thực hiện các chuyến bay phục vụ các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng, logistics, du lịch; tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể thao, đào tạo, huấn luyện; bay hiệu chuẩn, đo đạc, chụp ảnh, quay phim, bay phục vụ nhu cầu của các tổ chức, cá nhân và các hoạt động bay dân dụng khác không nhằm mục đích vận chuyển công cộng; hoặc có thể làm dự bị cho các sân bay trong khu vực trong tình huống khẩn cấp, với quy mô có thể tiếp nhận các loại máy bay cấp như ATR 72 và tương đương.
Nguyên Khánh
Theo