(Xây dựng) – UBND tỉnh Bình Thuận cùng các Sở, ngành, địa phương đang đẩy mạnh các biện pháp để sớm thực hiện việc điều chỉnh bảng giá đất trong năm 2025.
So với bảng giá đất hiện hành, bảng giá đất điều chỉnh áp dụng trong năm tới đều tăng ở hầu hết các huyện, thị, thành phố. |
Cụ thể, ở nhóm đất nông nghiệp, đất trồng lúa nước huyện Hàm Tân có giá điều chỉnh tăng cao nhất từ 208%-283%; các huyện, thị, thành phố còn lại cũng tăng 121- 230%. Đối với nhóm đất phi nông nghiệp, đất ở nông thôn khu vực 1 của thành phố Phan Thiết tăng cao từ 229 - 246%, thị xã La Gi tăng 153 - 217%, các huyện khác tăng 132 - 228%...
Mới đây, đại diện lãnh đạo các huyện, thị, thành phố, Sở, ngành chức năng cơ bản thống nhất báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận về đề xuất dự thảo điều chỉnh bảng giá đất.
Hiện, đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Đầu tư và tư vấn Phương Bắc không chỉ làm việc Sở, ngành chức năng mà còn về các huyện, thị, thành phố làm việc để cập nhật, bổ sung thông tin, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất đúng quy trình, phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.
Dự thảo điều chỉnh bảng giá đất sẽ được Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận gửi Hội đồng thẩm định bảng giá đất tỉnh để tổ chức thẩm định, thông qua. Dự kiến, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ ban hành quyết định điều chỉnh bảng giá đất áp dụng từ 01/01/2025 đến 31/12/2025 trên địa bàn tỉnh.
Khi bảng giá đất mới được ban hành sẽ tạo điều kiện cho các huyện, thị, thành phố có cơ sở áp dụng phù hợp để triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa, tái định cư cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.
Trong năm 2025, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ xúc tiến triển khai kiểm đếm, đền bù diện tích đất bị ảnh hưởng qua địa bàn Bình Thuận. Dự kiến, độ dài toàn tuyến qua tỉnh Bình Thuận khoảng 156km, bố trí 2 nhà ga, khối lượng giải phóng mặt bằng lớn nên khi có bảng giá đất mới sẽ tạo thuận tiện cho công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng đối với dự án.
Tùng Nam
Theo