(Xây dựng) - Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã quyết liệt chỉ đạo công tác triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến, số hóa và công bố, công khai, rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, cập nhật dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, triển khai toàn trình, một phần với tỷ lệ cao, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính ngày càng tăng cao.
Tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị quán triệt một số nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm cuối năm 2023 về thực hiện dịch vụ công trực tuyến. |
Hội nghị quán triệt một số nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm cuối năm 2023 về thực hiện dịch vụ công (DVC) trực tuyến, số hóa và công bố, công khai, rà soát, đánh giá thủ tục hành chính (TTHC), cập nhật DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia vừa được UBND tỉnh Bình Dương tổ chức nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thực hiện số hóa và dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị đồng thời triển khai một số nội dung về công bố số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; Cập nhật các văn bản liên quan triển khai DVC trực tuyến và thanh toán trực tuyến và hướng dẫn thực hiện Kế hoạch số 200/KH-BCĐ ngày 03/11/2023 của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số, Đề án 06 và Thành phố thông minh tỉnh Bình Dương. Đồng thời giải đáp thắc mắc, vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số.
Tại Hội nghị, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu từ nay đến cuối năm các Sở, ngành: Ngoại vụ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh khẩn trương rà soát và tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố TTHC nội bộ trước ngày 20/11/2023. Các Sở, ngành đẩy mạnh việc thực hiện TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh. Trọng tâm ưu tiên trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai và mạnh dạn đề xuất, kiến nghị phương án đơn giản hóa TTHC, quy định không cần thiết.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các cấp, các ngành chủ động trang bị, thuê thiết bị, hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng công tác về chuyển đổi số, thực hiện DVC trực tuyến và số hóa; chủ động phối hợp Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tập trung tuyên truyền những lợi ích việc thực hiện DVC trực tuyến tại nhà; lợi ích của hồ sơ, giấy tờ điện tử để người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các phòng ban, đơn vị trực thuộc tiếp nhận giải quyết TTHC đúng thời gian quy định; triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đúng tiến độ, yêu cầu đề ra. Kịp thời khen thưởng, động viên những công chức, viên chức thực hiện tốt và có biện pháp xử lý những công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Bên cạnh đó, quán triệt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức gương mẫu, trách nhiệm đi đầu trong việc biết và sử dụng được kết quả chuyển đổi số.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số tồn tại, hạn chế như tỷ lệ số hóa hiện nay còn thấp; nền tảng hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng kịp thời; thiếu nguồn nhân lực công nghệ thông tin; chưa triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trước năm 2023; chưa có sự đồng bộ, thống nhất trong kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các phần mềm chuyên ngành…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông đảm bảo Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh được vận hành thường xuyên, liên tục, ổn định. Các phân hệ chức năng của hệ thống phải được thường xuyên cập nhật, có tính ổn định, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định. Các chức năng liên quan đến số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC phải đầy đủ, đảm bảo vận hành hệ thống được nhanh chóng, thuận lợi và an toàn. Văn phòng UBND tỉnh tổ chức hướng dẫn, tập huấn các cơ quan, địa phương việc thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh. Bổ sung, hoàn thiện các chức năng của hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh để đảm bảo việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả và số hóa được đầy đủ, kịp thời, nhanh chóng và không làm gián đoạn quá trình giải quyết TTHC của các cơ quan, địa phương. Lồng ghép nội dung số hóa trong kiểm tra kiểm soát, cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông định kỳ và theo chuyên đề.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về TTHC để có thể kết nối, chia sẻ trong địa bàn tỉnh Bình Dương, đồng thời chia sẻ với Cổng DVC quốc gia, các hệ thống thông tin giải quyết TTHC của các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Qua đó giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm về chi phí tuân thủ TTHC, tạo sự tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC bất kỳ nơi đâu trên cả nước. Ngoài ra, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được các cơ quan, và địa phương trong toàn tỉnh Bình Dương tích cực thực hiện đã góp phần nâng cao tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, tỷ lệ số hóa của tỉnh.
Yphong
Theo