(Xây dựng) – Là 1 trong số 11 cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc của giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024, Lạng Sơn được vinh danh với hai giải pháp, đó là “Mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” và “Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn”.
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn nhận giải thưởng về “Mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”. |
Đây là giải thưởng thường niên từ năm 2018 đến nay, được sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, với mục tiêu nhằm tôn vinh những thành tựu chuyển đổi số xuất sắc của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và cá nhân đã góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Năm 2024, giải thưởng đã thu hút nhiều hồ sơ có chất lượng nổi bật, ứng dụng nhiều công nghệ mới, như: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, Internet vạn vật, chuỗi khối, điện toán đám mây; nhiều giải pháp công nghệ, mô hình chuyển đổi số tiêu biểu, có điểm nhấn về dữ liệu số trong lĩnh vực hành chính công, tài chính, giáo dục, sản xuất công nghiệp, truyền thông.
Tại buổi lễ trao giải, có 11 cơ quan Nhà nước đã được vinh danh ở hạng mục “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” của giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024. Đặc biệt, có tới 7/11 giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2024 ở hạng mục “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” thuộc về các cơ quan, đơn vị tại 4 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng, Lạng Sơn, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.
Giải thưởng năm 2024 đã tiếp cận hơn 5.000 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và tiếp nhận gần 400 hồ sơ gửi đến Ban tổ chức tham dự. Sau hai vòng chấm điểm, Ban tổ chức đã lựa chọn 45 cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số xuất sắc để vinh danh.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn triển khai thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Trong đó, lĩnh vực giáo dục được quan tâm triển khai khá sớm và đồng bộ.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đã làm thay đổi nhiều mặt của công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Các trường học trên địa bàn tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong công tác quản lý và hoạt động dạy học, phát huy những ưu việt của công nghệ số để đổi mới, nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục và đào tạo.
Lạng Sơn được vinh danh với giải pháp “Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn”. Với giải pháp này, hệ thống quản lý trường học tỉnh Lạng Sơn đã được triển khai đến 660 trường học từ mầm non đến trường chuyên nghiệp. 100% trường học trên địa bàn tỉnh đều triển khai sử dụng phần mềm quản lý nhà trường. Cụ thể, toàn ngành có 660 trường đang sử dụng phần mềm quản lý nhà trường của VNPT và Viettel, trong đó có 300 trường sử dụng phần mềm VNEDU; 360 trường sử dụng phần mềm SMAS; hầu hết các đơn vị, trường học khai thác hiệu quả các thiết bị về công nghệ thông tin, hệ thống mạng internet, hệ thống các trang tin điện tử; thực hiện điện tử hóa các loại giáo án, hồ sơ, biểu mẫu thống kê, cập nhật thông tin về học sinh, đội ngũ trên cơ sở dữ liệu ngành.
Các trường đều quan tâm triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá và quản lý để đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Hiện nay, toàn ngành có hơn 17.800 chữ ký số được cấp cho cán bộ quản lý, giáo viên. Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành chỉ tiêu 100% trường học ứng dụng công nghệ số, chữ ký số trong công tác quản lý dạy và học.
Phượng Nguyễn
Theo