(Xây dựng) – “Làng thông minh” là mô hình cộng đồng xóm, thôn, xã ở các vùng nông thôn sử dụng các giải pháp trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tận dụng các thế mạnh và cơ hội của địa phương để phát triển bền vững. Từ mô hình thí điểm Làng thông minh đầu tiên ở xã Bạch Đằng (Thị xã Tân Uyên), nhiều địa phương khác ở Bình Dương cũng đang mạnh dạn phát triển đề án Làng thông minh.
Cầu Bạch Đằng bắc trên con sông Đồng Nai |
Phá thế cô lập của một làng cù lao
Xã Bạch Đằng có diện tích chỉ hơn 1.090ha, được bao bọc và bồi đắp bởi sông Đồng Nai. Nơi này đất đai màu mỡ, cây cối xanh tươi quanh năm, nổi tiếng với thương hiệu bưởi Bạch Đằng. Bên cạnh đó, đây là số ít những làng quê còn giữ được không gian yên bình, không có nhà máy sản xuất và nước thải công nghiệp.
Về thăm xã Bạch Đằng (Thị xã Tân Uyên), du khách sẽ dễ dàng nhận ra bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ nét. Đường xá được được mở rộng, thảm nhựa phẳng lỳ. Các tuyến đường hẻm và đường nông thôn cũng thẳng tắp, 2 bên đường màu hoa rực rỡ. Các công trình phúc lợi cũng được nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Từ năm 2010, xã Bạch Đằng được UBND tỉnh Bình Dương chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2013, xã đạt 19/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới và được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới (thu nhập bình quân đạt 62 triệu đồng/ người/năm, tăng gấp 1,97 lần so với năm 2014). Cũng trong năm này, cầu Bạch Đằng đưa vào sử dụng, đã phá vỡ thế cô lập của xã cù lao. Từ đó, xã Bạch Đằng trở thành điểm sáng điển hình trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh (kết cấu hạ tầng, như điện, đường, trường, trạm và các công trình phúc lợi xã hội đã từng bước được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, khang trang).
Năm 2020, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định 2949, phê duyệt kế hoạch thực hiện thí điểm xây dựng Làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên giai đoạn 2020-2025. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Dương, xã Bạch Đằng là một trong những xã nông thôn mới đầu tiên trên cả nước được chọn thí điểm xây dựng làng thông minh.
Đến năm 2025, xã Bạch Đằng phấn đấu trở thành làng thông minh đầu tiên của Bình Dương. Đây sẽ là nơi đáng sống với môi trường thiên nhiên trong lành, phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, và là biểu tượng xanh của tỉnh Bình Dương. Việc xây dựng thí điểm làng thông minh sẽ đem lại nhiều thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp, nhất là đưa thương hiệu đặc sản bưởi Bạch Đằng ngày càng vươn xa.
Ông Đoàn Hồng Tươi - Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên cho biết: Địa phương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Làng thông minh. Giai đoạn 2021 - 2023, thị xã Tân Uyên sẽ tập trung đầu tư hạ tầng. Sang giai đoạn 2023 - 2025, địa phương sẽ phát triển chuyển đổi số.
Đến nay, đề án Làng thông minh ở xã Bạch Đằng đã triển khai nhiều công trình, hạng mục quan trọng như khởi công xây cầu Bạch Đằng 2; hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại cũng và 39 điểm camera an ninh ở các nút giao thông quan trọng. Trong xã, 35 điểm phát sóng wifi công cộng được lắp đặt, hệ thống cây xanh ở 37 tuyến đường cũng tạo sự phấn khởi trong nhân dân. Công tác vệ sinh môi trường thu gom và xử lý rác thải được thực hiện tốt.
Làng thông minh ở huyện Phú Giáo
Mô hình trồng dưa lưới ở Khu nông nghiệp công nghệ cao xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. |
Từ mô hình thí điểm đầu tiên ở thị xã Tân Uyên, UBND huyện Phú Giáo cũng đang xây dựng Đề án Làng thông minh trên địa bàn huyện. Đề án tập trung vào các nội dung trọng tâm như thể chế thông minh, nguồn lực thông minh, hạ tầng thông minh, dịch vụ thông minh, sản xuất và kinh doanh thông minh.
Hiện huyện Phú Giáo đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, 10/10 xã của huyện Phú Giáo được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Trong đó, 2/10 xã là xã Tân Hiệp và xã Vĩnh Hòa đã được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao.
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Thời gian qua, huyện Phú Giáo thực hiện khá tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Hạ tầng kinh tế, xã hội của huyện được đầu tư khá đồng bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân huyện Phú Giáo được nâng lên... Tất cả làm cho nhịp sống nông thôn của huyện Phú Giáo trở nên nhộn nhịp hơn. Những thành tựu trên đã tạo nền tảng đầy đủ cho huyện Phú Giáo triển khai mô hình Làng thông minh. "Trong đó, nền tảng nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo tiền đề hướng đến xây dựng tiêu chuẩn cho xã nông thôn mới thông minh", PGS. TS Ngô Thị Phương Lan nhận định.
Trả lời với báo chí, bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng - Bí thư Huyện ủy Phú Giáo cho biết: Mục tiêu xây dựng Làng thông minh nhằm tạo ra địa điểm cho những sáng kiến về các vấn đề mang tính ứng dụng trong cuộc sống nông thôn hiện nay. Làng thông minh Phú Giáo sẽ triển khai theo định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ sẽ tập trung vào hệ thống cơ sở dữ liệu lớn trong sản xuất nông nghiệp và quản lý nông thôn. Riêng lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã trở thành hướng đi tất yếu của huyện Phú Giáo lâu nay.
Ngoài Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái và chăn nuôi bò sữa ở xã Phước Sang (hơn 882ha), huyện Phú Giáo đã hình thành được hơn 100 cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có nhiều mô hình mang lại giá trị kinh tế cao, lợi nhuận đạt tăng 30-40%.
“Dự kiến tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ chiếm 20% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện; đến năm 2030 đạt trên 30% và đến năm 2040 là 50%”, Bí thư Huyện ủy Phú Giáo chia sẻ.
Mở rộng mô hình Làng thông minh trên toàn tỉnh
Để thực hiện mục tiêu này, Bình Dương thúc đẩy xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn liền với mô hình Làng thông minh. Bước đầu, Bình Dương đã thí điểm mô hình Làng thông minh tại xã Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên) để thống nhất các khái niệm và cách tiếp cận; tạo tiền đề xây dựng xã Nông thôn mới thông minh trong thời gian tới.
Theo PGS, TS. Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính – Marketing (Thành phố Hồ Chí Minh), hiện tượng di dân từ nông thôn đến các thành phố thông minh ngày càng mạnh. Điều này dẫn đến mất cân bằng giới, mất cân bằng về lao động, dẫn đến phát triển kinh tế, xã hội không đồng đều, khó bền vững. Từ kinh nghiệm của các nước cho thấy, việc xây dựng Làng thông minh là cần thiết, và là định hướng đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương.
Để mô hình tiếp tục phát triển trong những năm tới, Bình Dương cần xác định rõ xây dựng Làng thông minh phải dựa trên nhu cầu của người dân; giúp người dân tự nhìn ra những trở ngại, thách thức đối với sự phát triển trong cộng đồng làng xã của họ, và cùng tham gia vào thực hiện.
Về mặt xã hội, Làng thông minh phải đảm bảo đời sống cho người nông dân, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ y tế cho người dân. Đó là động lực để người dân yên tâm bám đất bám làng, phát triển làng nghề và sản phẩm nông nghiệp của Làng.
Tiến Hào
Theo