(Xây dựng) - Theo kế hoạch, Khu công nghiệp Bình Đường (phường An Bình, thành phố Dĩ An) sẽ được chính quyền tỉnh Bình Dương chọn để chuyển đổi công năng, thực hiện di dời thí điểm.
Khu công nghiệp Bình Đường (phường An Bình, thành phố Dĩ An, Bình Dương) nằm giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh. |
Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang thực hiện đề án di dời các khu, cụm công nghiệp và doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp từ phía Nam lên phía Bắc của tỉnh Bình Dương. Theo UBND tỉnh Bình Dương, đây là một chủ trương lớn, góp phần chỉnh trang đô thị, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế ở các địa phương phía Nam.
Lộ trình thực hiện di dời doanh nghiệp tại các địa phương phía Nam về các khu, cụm công nghiệp phía Bắc của tỉnh Bình Dương sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2024 và kéo dài đến năm 2030. Số lượng di dời khoảng 2.900 doanh nghiệp, nhà máy ra khỏi các khu dân cư.
Theo kế hoạch, Khu công nghiệp Bình Đường (phường An Bình, thành phố Dĩ An) sẽ được chọn để chuyển đổi công năng, thực hiện di dời thí điểm. Khu công nghiệp này được thành lập từ năm 1993, có quy mô 16,5ha do Tổng công ty Thương mại, Xuất nhập khẩu Thanh Lễ làm chủ đầu tư.
Khu công nghiệp Bình Đường nằm ở khu vực giáp Thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ phát triển đô thị nhanh. Khu công nghiệp này đang có 11 doanh nghiệp, gồm 5 doanh nghiệp thuê đất và 6 doanh nghiệp thuê nhà xưởng.
Khu công nghiệp Bình Đường được thành lập từ năm 1993, có quy mô 16,5ha. |
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho rằng, việc di dời là cần thiết, song phải thực hiện thận trọng và khoa học, đảm bảo lợi ích chung của người lao động, doanh nghiệp và của tỉnh. Vì vậy thống nhất chọn Khu công nghiệp Bình Đường, Công ty TNHH Sung Hyun Vina để làm thí điểm chuyển đổi công năng và di dời nhà máy, sau đó rút kinh nghiệm triển khai rộng ra toàn tỉnh.
Được biết, Bình Dương định hướng các khu, cụm công nghiệp phục vụ di dời là các khu công nghiệp đã có thủ tục pháp lý, như: Khu công nghiệp Cây Trường (huyện Bàu Bàng), Khu công nghiệp Rạch Bắp mở rộng và các cụm công nghiệp (huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo). Tỉnh cũng thành lập các cụm công nghiệp chuyên ngành để phục vụ di dời nhà máy của các doanh nghiệp gốm sứ, đồ gỗ.
Hiện tỉnh Bình Dương đang xây dựng các nhóm chính sách hỗ trợ như: Chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng, nhà xưởng, sử dụng đất phù hợp với quy hoạch tỉnh; chính sách cho nợ, giãn thời gian nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất mới; chính sách hỗ trợ phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp trong kế hoạch di dời.
Thiên Nam
Theo