(Xây dựng) - Cồn Chim được ví như một ốc đảo, “lá phổi xanh”, là nơi bảo tồn thiên nhiên bởi những cánh rừng ngập mặn với nhiều loại thủy hải sản sinh sống, đang trở thành điểm du lịch sinh thái nằm giữa đầm Thị Nại làm say lòng du khách khi đến với vùng đất Tuy Phước, Bình Định.
Bên trên tán rừng ngập mặn Cồn Chim là nơi trú ngụ của quần thể các loài chim, cò đặc hữu và các loài chim di trú theo mùa. |
Khu sinh thái Cồn Chim thuộc các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận của huyện Tuy Phước, nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 15km, được ví như một ốc đảo nằm lọt thỏm giữa bốn bề mặt nước xanh ngắt bay vút lên tận trời xanh bên cánh rừng ngập mặn. Đến Cồn Chim những ngày này, chúng tôi ghi nhận nhiều chuyến đò ngang đưa khách du lịch tham quan khu rừng ngập mặn để thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Bình Định.
Bên dưới mặt nước là nguồn lợi thủy sản đa dạng, phong phú. |
Bà Huỳnh Thị Lâm (61 tuổi), người có kinh nghiệm lái đò ngang tại thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước chia sẻ: Muốn đến Cồn Chim, du khách phải đi đò ngang khoảng 15 phút. Những ngày gió lặng biển êm, du khách có dịp xuôi thuyền trên đầm Thị Nại, được hòa mình vào bầu không khí trong lành, ngắm những đàn cò trắng bay về trú ẩn sau một ngày tìm ăn nơi phương xa. Vào những buổi chiều tà, từng đàn cò bay về rợp trời, những tối trăng tròn chìm ngập trong rừng ngập mặn xanh tươi, Cồn Chim huyền ảo như chốn thần tiên.
Cảm nhận về màu xanh của rừng ngập mặn Cồn Chim, anh Nguyễn Huy Trường (du khách đến từ tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: Không khí nơi đây rất trong lành, không gian thoáng đãng, mát mẻ. Đến Cồn Chim như đưa tôi trở về với tuổi thơ, những hình ảnh cánh cò bay lượn cùng hàng cây xanh của khu rừng ngập mặn, cộng với ánh nắng chiều tà làm tôi gợi nhớ nhiều về một buổi chiều quê. Tôi đang có dự tính, mời một số bạn bè đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh ra đây trải nghiệm, thưởng lãm vẻ đẹp Cồn Chim.
Về ốc đảo Cồn Chim ngắm bình minh màu nắng. |
Bà Nguyễn Thị Tố Trân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: Khu sinh thái Cồn Chim rộng 480ha, nằm giữa một vùng đầm phá mênh mông trong cánh rừng ngập mặn. Bên dưới mặt nước là nguồn lợi thủy sản đa dạng, phong phú với các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như: Tôm, cua, cá mú, cá hồng, cá dìa, cá đối, các loài nhuyễn thể. Cùng hệ sinh thái thảm cỏ biển ngày càng được phục hồi và phát triển. Bên trên tán rừng ngập mặn là nơi trú ngụ của quần thể các loài chim, cò đặc hữu và các loài chim di trú theo mùa.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Hùng Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết: Mở hướng phát triển du lịch cộng đồng tại Cồn Chim, thời gian qua, huyện đã hỗ trợ đầu tư xây dựng homestay và tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho người dân ở đây. Theo thống kê của địa phương, hiện nay có rất nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm chèo sup và thưởng thức ẩm thực tại Cồn Chim. Dự định trong tương lai, huyện sẽ đầu tư bến tàu và nạo vét luồng lạch để tạo thuận tiện cho tàu thuyền đưa du khách đến tham quan. Đồng thời, kêu gọi thu hút đầu tư dự án xây dựng Khu du lịch Cồn Chim để nâng tầm giá trị tại khu sinh thái này.
Ốc đảo Cồn Chim được ví như “lá phổi xanh” giữa đầm Thị Nại. |
Ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết: Từ khu sinh thái Cồn Chim, du khách có thể dễ dàng di chuyển đến các điểm đến du lịch khác ở khu vực lân cận như: Tiểu chủng viện Làng Sông, chùa Linh Phong, đảo Hòn Khô. Từ thành phố Quy Nhơn, chỉ mất khoảng 30 phút đi xe và 15 phút đi qua bằng đò ngang là du khách đã đến khu sinh thái Cồn Chim. Nơi đây sẽ mang lại cho du khách những khoảnh khắc sống cùng thiên nhiên hay những trải nghiệm thú vị về các nghề truyền thống của ngư dân vùng đầm phá.
Mỹ Bình
Theo