(Xây dựng) - Chặng đường Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước, Người bôn ba trên các đại dương và nhiều quốc gia khám phá thế giới, sớm tiếp thu chủ nghĩa Lê - nin, trong đó có tư tưởng về báo chí. V.I. Lê-nin cho rằng:” Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, và “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”. Theo Lê-nin “Báo chí là người tuyên truyền, cổ động, tổ chức chung, người lãnh đạo chung”…
Phóng viên tác nghiệp tại bệnh viện đưa tin về phòng chống dịch Covid-19. |
Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) một mặt tổ chức các lớp học truyền bá học thuyết Mác- Lê-nin cho thanh niên yêu nước vừa nung nấu ý tưởng xây dựng tờ báo cách mạng. Ngày 21/6/1925, Người sáng lập tờ báo Thanh Niên, làm chủ bút và xuất bản số đầu, đánh dấu một mốc son lịch sử trọng đại, mở đầu cho sự nghiệp báo chí cách mạng ở nước ta. Từ đó đến năm 1930 ở trong nước và nước ngoài đã có gần 50 tờ báo cách mạng của các tổ chức Đảng tiền thân, đoàn thể quần chúng yêu nước, góp phần vào sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1930). Ngày 21/6, trở thành Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam - Ngày truyền thống vẻ vang của “binh chủng” đặc biệt mà đội ngũ những người làm báo hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, thông tin truyền thông có quyền tự hào và được Nhân dân tôn vinh.
Trong các cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và bảo vệ lãnh thổ ở biên giới, đông đảo những người làm báo như dũng sĩ, xông ra tiền tuyến vừa cầm bút, vừa cầm súng. Họ cung cấp thông tin nhanh nhất về chiến thắng từ các mặt trận, viết những bản tin, thiên phóng sự, tùy bút, bài phản ánh trở thành lời hiệu triệu cho các lực lượng vũ trang xông lên giết giặc, lập công, kêu gọi lớp lớp thanh niên lên đường nhập ngũ, hăng hái xông ra chiến trường. Trong đội ngũ của “binh chủng” đặc biệt ấy, đã có hơn 400 nhà báo quả cảm ngã xuống, là những liệt sĩ vinh quang, bất tử.
Ngót một thế kỷ Báo chí cách mạng ra đời, phát triển, đồng hành cùng sự nghiệp lãnh đạo của Đảng và phong trào yêu nước, đi theo Đảng làm cách mạng của Nhân dân, nước ta hình thành nền báo chí giống như một “binh chủng” đặc biệt quan trọng, tham gia tích cực vào công cuộc giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo vĩ đại, Người sáng lập ra nền báo chí tiến bộ, ưu việt đó từng dạy: ”Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Đội ngũ những người làm báo, từ thế hệ này đến thế hệ khác, trong chiến tranh cũng như thời bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân, luôn có mặt trên tuyến đầu. Các cơ quan báo chí thực hiện tốt chức năng, vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, là diễn đàn của Nhân dân, phê phán những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những gì cũ kĩ, lạc hậu, bảo thủ, cản trở công cuộc đổi mới; đồng thời kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, phản động, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trong “cuộc chiến mang tầm thời đại” là phòng, chống đại dịch Covid-19 nghiệt ngã dòng dã suốt 18 tháng qua, trải 4 giai đoạn dịch bùng phát trong cả nước, tham gia cùng lực lượng tuyến đầu là ngành Y tế, Quân đội, Công an, “binh chủng”đặc biệt lại dũng cảm vào cuộc. Hàng trăm nhà báo đến với tuyến đầu, hoạt động xuất sắc nhiệm vụ thông tin tuyên truyền làm cho Nhân dân hiểu biết về nguy cơ của dịch bệnh, để mọi người tuân thủ sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, hướng dẫn của cơ quan chức năng, nỗ lực phòng, chống dịch. Đồng thời, các nhà báo phản ánh kịp thời, chân thật diễn biến dịch bệnh những “điểm nóng”, khu công nghiệp và tinh thần xả thân, hi sinh của các y, bác sĩ, các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân nơi tuyến đầu, nêu những tấm gương dũng cảm, hi sinh trong chống dịch và cứu chữa người bệnh. Đặc biệt, công tác truyền thông trong quá trình vận động ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19 có nhiều cách làm sáng tạo, xuất sắc và hiệu quả nổi bật. Đóng góp của công tác truyền thông mà “binh chủng” báo chí là nòng cốt góp phần quan trọng vào công cuộc “chống dịch như chống giặc” của cả hệ thống chính trị nhằm kiểm soát, khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép trong bối cảnh khó khăn, thử thách chưa từng thấy đối với đất nước, Nhân dân ta.
Trải qua 96 năm (1925 - 2021) nước ta có một nền báo chí cách mạng phát triển đến độ chín. Hệ thống các cơ quan báo chí đang chuyển mình theo quy hoạch của Nhà nước và xu thế truyền thông kĩ thuật số, từng bước xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, tính nhân văn. Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ IV (4.0) nhiều cơ quan báo chí chuyển dần sang mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện, phát triển nhiều loại hình báo chí, cung cấp nhiều dịch vụ truyền thông, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao, đa dạng của công chúng. Trong khi thông tin kỹ thuật số cạnh tranh khốc liệt của báo chí công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cung cấp nội dung xuyên quốc gia, kết nối mạng 4G, 5G với các thiết bị di động đang là thách thức mới, đòi hỏi Báo chí Việt Nam đổi mới cả tư duy lẫn công nghệ ứng dụng, kĩ năng và phương pháp truyền thông nhằm tiến kịp xu thế thời đại. Hiện nay, mạng xã hội bùng nổ như lấn át thông tin chính thống là một thách thức không nhỏ. Báo chí cách mạng không thể thắng được mạng xã hội về tốc độ cập nhật thông tin nhưng có sức mạnh hơn hẳn mạng xã hội bằng thông tin sự thật, chính xác, chuẩn mực, đem lại niềm tin cho công chúng bằng đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Con đường tồn tại, phát huy hiệu quả là trách nhiệm, độ tin cậy và sức thuyết phục của báo chí chân chính trong thời đại truyền thông kỹ thuật số. Thông tin tích cực sẽ là dòng chủ lưu, chủ đạo, đóng vai trò cốt lõi trong xây dựng môi trường thông tin lành mạnh, tạo không khí phấn khởi, có sức cổ vũ, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội.
Đi đôi với định hướng vươn tới dòng chủ đạo của truyền thông hiện đại, kỹ thuật số, đa phương tiện đặt ra cho cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cấp chiến lược, cơ quan chủ quản đổi mới, dũng cảm bứt phá, vượt lên nếp điều hành, quản lý truyền thống lâu nay để tương xứng với chức năng, nhiệm vụ mới phù hợp và xứng tầm là người “chỉ huy binh chủng đặc biệt” đang chuyển mình, vươn lên, hoạt động không chệch hướng. Đồng thời các cơ quan báo chí không xa rời tôn chỉ mục đích như đã từng diễn ra ở nơi này, nơi nọ trong những năm qua. Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến tuyên truyền, cổ vũ người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, mô hình mới. Vậy mà lâu nay, hàng trăm cơ quan báo chí rất hiếm có nơi nào còn giữ chuyên mục “người tốt việc tốt”, rất ít điển hình tiên tiến được nêu gương. Ngược lại, một số cơ quan “báo hóa tạp chí”, sa đà vào thông tin về mặt trái của xã hội, thiếu nhân văn, có hiện tượng đưa thông tin giật gân, “lá cải” thương mại hóa, quảng cáo dễ dãi, kém phông văn hóa để câu khách, phản tác dụng. Một bộ phận những người làm báo lợi dụng danh nghĩa báo chí, lợi dụng thẻ nhà báo hoạt động vụ lợi, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thiếu trách nhiệm công dân. Có những văn phòng đại diện, phóng viên thường trú hoạt động tự tung tự tác, không được quản lý, giám sát chặt chẽ của Tổng biên tập, của địa phương. Một số báo và trang thông tin điện tử, mạng xã hội đưa thông tin sai lệch, gây phản cảm, tác hại đối với xã hội. Do quản lý yếu kém dẫn đến những tiêu cực, mà nổi cộm là thỉnh thoảng lại xảy ra vụ cơ quan pháp luật khởi tố bị can phóng viên lừa đảo, tống tiền DN, doanh nhân, cán bộ, viên chức để trục lợi, làm vẩn đục môi trường thông tin và xúc phạm giới báo chí. Bác Hồ dạy: “Người không có đạo đức tốt thì không thể là nhà báo tốt”.
Báo chí vừa là phương tiện truyền thông vừa là vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước. Đất nước ta có 850 cơ quan báo chí với hơn 1.000 ấn phẩm các loại, gần 40.000 người lao động trong lĩnh vực này, 20.000 nhà báo được cấp thẻ và hơn 22.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam là một lực lượng hùng hậu tạo thành một “binh chủng” đặc biệt, tiên phong, thậm chí được coi là “quyền lực thứ tư”, có chức năng giám sát hoạt động của các tổ chức, cơ quan, nói tiếng nói của dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với Nhân dân, thúc đẩy việc thực hiện Chỉ thị 05 -CT/TW về “Đẩy mạnh học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khích lệ khát vọng phồn vinh, hạnh phúc.
Kim Quốc Hoa
Theo