(Xây dựng) – Sau hơn một năm chính thức trở thành thị xã, Thuận Thành đang từng bước khẳng định vị thế là một đô thị di sản năng động của tỉnh Bắc Ninh. Với những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và quy hoạch phân khu, Thuận Thành đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Để hiểu rõ hơn về những thành tựu này, Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Đương, Chủ tịch UBND thị xã Thuận Thành.
Chủ tịch UBND thị xã Thuận Thành: Việc triển khai các đồ án quy hoạch phân khu đô thị đã và đang tạo ra những tác động tích cực, là cơ sở quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy các ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm, hình thành các khu đô thị hiện đại. |
PV: Được biết sau một năm lên thị xã, Thuận Thành đã có nhiều đổi mới tích cực, người dân dần thích nghi với tên gọi “thị xã”, “phường” thay cho “huyện, thôn, xóm”. Vậy theo ông, đâu là những đổi thay nổi bật và điểm nhấn của thị xã Thuận Thành cả về kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng?
Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Xuân Đương: Có thể nói, sự kiện Thuận Thành chính thức trở thành thị xã là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của địa phương. Sau hơn một năm lên thị xã (từ ngày 10/4/2023), Thuận Thành đã có nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 75 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,61%. Đặc biệt, thị xã đang tập trung vào các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao nhằm thu hút nhiều dự án đầu tư lớn, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân.
Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, cũng góp phần thay đổi diện mạo của Thuận Thành. Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ. Các tuyến đường giao thông huyết mạch như: Đường tỉnh 286, 287, đường nối các khu công nghiệp với Quốc lộ 18, đường trục chính đô thị, đường gom dân sinh dọc tuyến đường sắt Hà Nội - Bắc Ninh - Hạ Long... đã và đang được nâng cấp, mở rộng, tạo động lực thu hút đầu tư cho thị xã.
Bên cạnh đó, thị xã ưu tiên gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển. Hệ thống trường học các cấp được quan tâm đầu tư, từng bước hiện đại với 8 trường đạt chuẩn quốc gia. Các công trình văn hóa, thể thao như: Nhà văn hóa các khu dân cư, sân vận động trung tâm thị xã được đầu tư xây dựng, tạo không gian sinh hoạt cộng đồng lành mạnh. Đồng thời thị xã cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dân…
Thị xã Thuận Thành hôm nay đã “thay da đổi thịt”, khẳng định vị thế là một trong những đô thị năng động của tỉnh Bắc Ninh. |
PV: Tỉnh Bắc Ninh đang triển khai các đồ án quy hoạch phân khu đô thị trong đó có thị xã Thuận Thành. Theo ông, điều này đã tạo ra những tác động nào đối với sự phát triển kinh tế của thị xã Thuận Thành nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung, đặc biệt là trong việc thu hút đầu tư và thúc đẩy các ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm?
Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Xuân Đương: Việc triển khai các đồ án quy hoạch phân khu đô thị theo Quyết định 728/QĐ-TTg ngày 20/6/2023 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 và Quyết định 1589/QĐ-TTg ngày 8/12/2023 về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở pháp lý quan trọng để Thuận Thành tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề.
Cụ thể, các đồ án quy hoạch phân khu đã định hướng phát triển không gian đô thị, xác định rõ các khu vực chức năng (đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch...), từ đó tạo ra không gian phát triển phù hợp cho từng lĩnh vực, tối ưu hóa việc sử dụng đất đai và tài nguyên, tạo quỹ đất sạch để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Việc quy hoạch rõ ràng, minh bạch sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là vào các khu công nghiệp, khu đô thị mới, các dự án hạ tầng... điều này tạo động lực phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Hiện nay, thị xã Thuận Thành đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn như: Dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất thiết bị điện tử của Tập đoàn Hanwha Aero Engines (Hàn Quốc); dự án Nhà máy sản xuất linh kiện xe máy điện của Tập đoàn Pegatron (Đài Loan); dự án Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử của Công ty TNHH JA Solar Investment (Trung Quốc); dự án Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em của Công ty TNHH LEGO (Đan Mạch); dự án khu đô thị sinh thái Cẩm Đình…
Bên cạnh đó, quy hoạch phân khu đô thị bài bản sẽ giúp xác định các ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm cần ưu tiên phát triển, từ đó có các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phù hợp. Đối với Thuận Thành, các ngành công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch... được xác định là trọng điểm và đang được đẩy mạnh phát triển.
Theo tôi, việc triển khai các đồ án quy hoạch phân khu đô thị đã và đang tạo ra những tác động tích cực quan trọng cho sự phát triển kinh tế của thị xã Thuận Thành nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung. Đây là cơ sở quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy các ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm, hình thành các khu đô thị hiện đại.
Chùa Dâu là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam nằm ở phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa có nhiều tên gọi: Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Thiền Đình tự, Cổ Châu tự. |
PV: Nhiều chuyên gia đánh giá Thuận Thành (Luy Lâu) là một trong hai "đô thị di sản" của Bắc Ninh, ông có nhìn nhận gì về đánh giá này và những định hướng cụ thể của thị xã Thuận Thành để bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên lợi thế này?
Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Xuân Đương: Tôi đồng tình với đánh giá này, Thuận Thành là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, sở hữu nhiều di tích lịch sử, văn hóa và khảo cổ có giá trị. Trên địa bàn thị xã hiện có 28 di tích quốc gia đặc biệt và 49 di tích quốc gia, trong đó có nhiều di tích nổi tiếng như: Thành cổ Luy Lâu, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, lăng Kinh Dương Vương, Trung tâm văn hóa Luy Lâu. Làng nghề truyền thống thì có gốm Phù Lãng, tranh Đông Hồ... những di sản này không chỉ là minh chứng cho bề dày lịch sử và văn hóa của Thuận Thành mà còn là tiềm năng, lợi thế để thị xã phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch văn hóa.
Theo phê duyệt Đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” thị xã Thuận Thành sẽ phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở các làng Quan họ, làng nghề, làng nông nghiệp nông thôn. Trong đó, xã Song Hồ, thị xã Thuận Thành với loại hình du lịch cộng đồng, dịch vụ du lịch homestay, nghỉ dưỡng, sinh thái; trải nghiệm và khám phá các giá trị văn hóa, đặc biệt là nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, ẩm thực Quan họ; du ngoạn sông Đuống gắn với các điểm tham quan lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương, chùa Bút Tháp và các giá trị văn hóa truyền thống các xã lân cận.
Với quan điểm phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, vừa qua, tỉnh Bắc Ninh cũng đã và đang triển khai Đề án xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch giai đoạn 2023-2025 tại 3 làng nghề, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… Theo Đề án này, làng nghề tranh Đông Hồ tại phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành được chọn là 1 trong 3 địa điểm làng được chọn, đây cũng là vinh dự của thị xã trong phát triển kinh tế làng nghề.
Thời gian tới, Thuận Thành định hướng tập trung nguồn lực đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trước mắt, thị xã tập trung hoàn thiện các đồ án quy hoạch phân khu các khu vực có di tích, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Bên cạnh đó, thị xã chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, vận chuyển, hướng dẫn viên du lịch... Tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Thuận Thành thông qua các phương tiện truyền thông, hội chợ, triển lãm du lịch…
PV: Xin chân thành cảm ơn ông về những chia sẻ!
Nguyên Khánh
Theo