(Xây dựng) - Đó là Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) của thị xã Quảng Yên, một trường công đang thiếu giảng đường-thiếu trường sở cho việc dạy học văn hóa và dạy nghề trong khi nhiều trường tư đang “thừa trường thiếu trò”.
Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Quảng Yên một trong những ngôi trường tại Quảng Ninh được xây dựng từ rất lâu. |
Cụ thể, Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Quảng Yên có 22 lớp với trên dưới 1.000 học sinh. Cơ sở vật chất nhà trường gồm 11 phòng học văn hóa, trong đó 10 phòng học tổng cộng diện tích là 480m2 (48m2/phòng); 5 xưởng thực hành, trong đó 3 xưởng điện lạnh 120m2 (40m2/phòng), 2 xưởng cơ khí 120m2 (60m2/phòng), 4 xưởng nấu ăn diện tích 120m2 (30m2/phòng)... rất bí cho việc dậy học văn hóa và dậy nghề, trong xu hướng phát triển sự nghiệp giáo dục.
Công trình xây dựng trường sở của Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Quảng Yên thuộc diện già cỗi nhất toàn quốc. 100% giảng đường học văn hóa được tiếp quản lại công trình nhà cửa từ thời thuộc Pháp, xây dựng trước năm 1954 (nguồn gốc là tu viện của đạo giáo); các xưởng thực hành 100% là nhà tạm, hầu hết là công trình xây dựng cấp 4 có thời gian sử dụng từ năm 2010-2012 đến nay.
Lô nhà 2 tầng với 11/11 phòng học văn hóa và nhà hiệu bộ có niên đại hàng 100 năm, lưu dung thời thuộc Pháp. |
Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Quảng Yên có nhiều học sinh, bởi Nhà nước đang bao cấp cho ngành học này. Học sinh được hưởng học bổng, lại được đài thọ tiền ăn… là chính sách an sinh xã hội, nhưng thiếu sự đầu tư đồng bộ. Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Quảng Yên trường sở trật hẹp “dạy chữ cũng khó-dạy nghề cũng phiền”, đã phải liên kết gửi khoảng 500 học sinh/năm học đến 5 trường Cao đẳng trong tỉnh để học nghề.
Công trình xây dựng đã hết thời hạn sử dụng rất nguy hiểm. |
Thầy trò đang phải gồng mình trong khó khăn, hàng năm dao động sĩ số trên dưới 1.000 học sinh mà chỉ có 22 lớp học, phòng học chỉ đạt 48m2 (quy định học sinh THPT là 2m2/người), thiếu phòng học đạt chuẩn. Cả 11 phòng học văn hóa trong lô nhà 2 tầng có niên đại trăm năm, đã hết thời hạn sử dụng, rất nguy hiểm; một bi kịch “nhiều trò ít trường”.
Quảng Ninh có chủ trương đầu tư cho sự nghiệp giáo dục ngang tầm với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, mà cả nước đã biết đến; đồng thời đã từ lâu Bộ Giáo dục-Đào tạo có chỉ đạo xây dựng “trường ra trường-lớp ra lớp”, thì không có lý gì để một ngôi trường cơ sở vật chất thiếu thốn, nhà học xây dựng từ trước năm 1954, công trình xây dựng lưu dung thời thuộc Pháp này.
Vũ Phong Cầm
Theo