(Xây dựng) – Đây là nhận định của Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Hằng tại Hội nghị làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Bắc Ninh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về khảo sát tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình) giai đoạn 2021 - 2025.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Hằng: Cần rà soát các tiêu chí, đánh giá tính khả thi thực hiện từng tiêu chí, đề xuất các giải pháp, chính sách để toàn tỉnh sớm về đích Chương trình xây dựng nông thôn mới. |
Rà soát các tiêu chí, đánh giá tính khả thi
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tham mưu lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, 100% số xã, huyện trong tỉnh đã và đang triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu. Hạ tầng kinh tế, xã hội tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng.
Cùng với đó, giáo dục và đào tạo được quan tâm, phát triển ổn định vững chắc; hoạt động văn hóa thể dục, thể thao ngày càng phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng. Môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp. Hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; an toàn, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn luôn được ổn định, góp phần tạo cho nông thôn trong tỉnh một diện mạo văn minh, văn hóa, sản xuất phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao.
Theo kết quả rà soát 70 xã theo Bộ tiêu chí mới, đến nay, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới là 15,62 tiêu chí/xã, trong đó có 9 xã đạt 19 tiêu chí xã nông thôn mới; bình quân số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 13,5 tiêu chí/xã, trong đó có 4 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Nhìn chung tiến độ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh còn chậm; nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn những năm gần đây giảm so với giai đoạn 2016 – 2020; nhiều tiêu chí nông thôn mới nông thôn mới nâng cao có tỷ lệ xã đạt thấp (dưới 50% số xã đạt); theo đánh giá, nguyên nhân do Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025 có nhiều nội dung tiêu chí bổ sung mới, chất lượng tiêu chí đòi hỏi cao hơn trong khi thời gian thực hiện ngắn...
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận và làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến nguồn lực thực hiện Chương trình; công tác tuyên truyền; nhận thức của cán bộ, nhân dân về thực hiện Chương trình nhất là ở cấp xã; đánh giá khả năng thực hiện từng tiêu chí theo Bộ tiêu chí mới và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Đánh giá về chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Hằng cho biết, những năm qua, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để các ngành, địa phương có cơ sở thực hiện Chương trình và đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh, đây là chương trình thực hiện xuyên suốt, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, đồng thời đề nghị Sở NN&PTNT cần rà soát các tiêu chí, đánh giá tính khả thi thực hiện từng tiêu chí, tiếp tục tham mưu, đề xuất các giải pháp, chính sách để toàn tỉnh sớm về đích Chương trình.
Tập trung ưu tiên thực hiện các tiêu chí dễ đạt
Tuy nhiên, Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh cũng lưu ý, trước mắt, cần tham mưu kiện toàn bộ máy Ban chỉ đạo cấp tỉnh, Văn phòng điều phối tỉnh và bộ phận quản lý Chương trình ở cơ sở; có hướng chỉ đạo cụ thể đối với từng địa phương và có lộ trình biện pháp thực hiện rõ ràng, tập trung ưu tiên thực hiện các tiêu chí dễ đạt; quan tâm tập trung nguồn lực cho các xã đăng ký đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao thay đổi nhận thức của cán bộ, người dân, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong thực hiện Chương trình.
Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Ban Kinh tế - Ngân sách, Sở NN&PTNT tiếp tục đánh giá lại toàn bộ Chương trình, báo cáo Thường trực HĐND, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy bức tranh tổng thể về Chương trình, từ đó có kiến nghị, đề xuất giải pháp cụ thể để thực hiện trong thời gian tới.
Kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Đỗ Thị Thu Trang đề nghị Sở NN&PTNT tiếp thu ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Hằng và các thành viên trong Đoàn; phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tiếp tục tổng hợp, đánh giá cụ thể tình hình thực hiện và nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, hạn chế nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình trong những năm tiếp theo.
Nguyên Khánh
Theo