(Xây dựng) – Năm 2024, UBND tỉnh Bắc Giang đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, trong đó kiên quyết không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
UBND tỉnh Bắc Giang kiên quyết không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong năm 2024. |
Trả lời ý kiến, kiến nghị của đại biểu tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIX về công tác xử lý nợ đọng cơ bản xây dựng, UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Trong những năm qua, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các cấp tổ chức thẩm định nguồn vốn, khả năng bố trí vốn một cách nghiêm túc khi trình hoặc phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án, đồng thời phải ưu tiên bố trí trả nợ đọng xây dựng cơ bản mới được khởi công mới các công trình, dự án; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 35/2020/QĐ-UBND ngày 10/11/2020, trong đó đưa nội dung xử lý nợ đọng vào tiêu chí đánh giá, xếp loại người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trong năm 2023, nhiệm vụ xử lý nợ đọng xây dựng cơ tiếp tục được các cấp, các ngành quán triệt thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Trung ương. Tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản toàn tỉnh tại thời điểm ngày 31/12/2023 là 504,1 tỷ đồng, cao hơn 386,5 tỷ đồng so với năm 2022.
Tổng số nợ xây dựng cơ bản (bằng khoảng 4% tổng mức đầu tư dự án) chủ yếu là nợ xây dựng cơ bản có tính chất thời điểm do các dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện so với thời gian phê duyệt và cơ bản các dự án đã được cân đối bố trí kế hoạch vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã hoặc do chờ quyết toán để bố trí, giữ lại để bảo hành công trình…
Ngoài yếu tố khách quan kể trên, việc để nợ đọng xây dựng cơ bản còn xảy ra tại một số đơn vị, địa phương còn do yếu tố chủ quan, đặc biệt trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, khả năng cân đối của một số đơn vị, địa phương chưa đảm bảo nên việc xử lý nợ đọng và kiểm soát không để phát sinh nợ mới còn hạn chế như: Việc phê duyệt quyết định đầu tư dự án chưa đảm bảo nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, điều chỉnh dự án làm tăng tổng mức đầu tư dẫn đến chưa có kế hoạch bố trí vốn hoặc bố trí kế hoạch vốn không đủ tổng mức đầu tư được duyệt, một số địa phương chưa ưu tiên bố trí giải quyết nợ xây dựng cơ bản theo quy định hoặc một số chủ đầu tư chậm thực hiện thủ tục thanh toán, quyết toán...
Năm 2024, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, trong đó tại Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 06/02/2024 đã yêu cầu “kiên quyết không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; Chủ tịch UBND cấp huyện, Thủ trưởng các đơn vị được giao chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong phạm vi được giao quản lý”.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu các cơn quan, đơn vị, chủ đầu tư thực hiện nghiêm một số nội dung. Cụ thể, các chủ đầu tư thực hiện nghiêm quy định của Luật Đầu tư công. Không được yêu cầu nhà thầu ứng vốn để thi công hay yêu cầu nhà thầu thi công khối lượng vượt kế hoạch vốn đã bố trí dẫn đến gây nợ đọng xây dựng cơ bản và vượt quá khả năng cân đối vốn của các dự án. Các nhà thầu cần nâng cao trách nhiệm, chỉ thực hiện khối lượng theo mức vốn kế hoạch năm 2024 đã được bố trí.
Tiếp tục thực hiện nghiêm việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo đúng chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; quán triệt, xác định việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản là vấn đề quan trọng, cấp thiết. Thực hiện phê bình, kiểm điểm trách nhiệm đối với người đứng đầu các địa phương, chủ đầu tư, cá nhân có liên quan để phát sinh tăng, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn.
Yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cân đối bổ sung vốn đầu tư, trả nợ các dự án quyết toán trong kế hoạch năm 2024 đối với các dự án cấp tỉnh quản lý, góp phần giảm nợ đọng xây dựng cơ bản ở địa phương…
Các cơ quan thanh tra, kiểm tra tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về nợ đọng xây dựng cơ bản để phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các đơn vị vi phạm về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, các đơn vị có số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn nhưng không có các biện pháp để giảm nợ. UBND tỉnh tổ chức theo dõi, đánh giá tình hình xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản ở các địa phương để làm căn cứ đánh giá, xếp loại người đứng đầu hàng năm.
Thân Nam
Theo