(Xây dựng) - Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa chủ trì Hội nghị trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố đánh giá tình hình thiệt hại và triển khai các phương án khắc phục hậu quả sau bão số 3 vào chiều 10/9.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục bão số 3. (Ảnh: BGP) |
Theo báo cáo nhanh của các ngành, địa phương trong tỉnh Bắc Giang, tại huyện Lục Ngạn, hiện còn một số thôn trong vùng lòng hồ Cấm Sơn và toàn bộ xã Sa Lý bị chia cắt; xã Đèo Gia và Tân Lập chưa có điện. Nhiều diện tích cây ăn quả nguy cơ mất trắng do bị ngập lụt. Huyện đề xuất UBND tỉnh sớm hỗ trợ người dân gặp khó khăn, nhất là có giải pháp giãn nợ, giảm lãi suất cho các khách hàng bị thiệt hại do mưa lũ; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón… giúp người dân khôi phục sản xuất.
Tại huyện Lục Nam, mặc dù nước trên thượng nguồn sông Lục Nam đang rút nhanh song khu vực hạ lưu thuộc địa bàn các xã Vũ Xá, Đan Hội, Huyền Sơn nhiều diện tích lúa, hoa màu vẫn ngập sâu, dự báo sẽ giảm năng suất, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Bên cạnh nỗ lực, cố gắng của địa phương, huyện đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ để giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm đời sống nhân dân.
Bên cạnh ảnh hưởng sản xuất, toàn tỉnh còn hơn 100 nghìn khách hàng chưa có điện (chiếm 15,5% trong tổng số khách hàng), chủ yếu là ở các địa bàn miền núi do bị nước lũ chia cắt. Một số tuyến đường giao thông bị sạt lở, chia cắt cục bộ...
Theo ông Lê Ánh Dương, có 3 vấn đề lớn cần quan tâm hiện nay đó là: Hệ thống đê điều trước áp lực nước sông lên cao, trọng điểm là hệ thống đê sông Cầu, sông Thương; công trình hồ chứa nước và tình trạng ngập úng ở một số nơi.
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương yêu cầu các Sở, ngành, địa phương cần tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý nhanh, kịp thời các sự cố về đê điều. Tổ chức rà soát, kiểm tra các điểm có nguy cơ gây sạt lở; có phương án huy động vật tư, vật lực để sẵn sàng ứng cứu kịp thời. Đối với các khu vực đê bối, thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo quy định để giảm áp lực cho đê chính.
Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn vẫn bị bao vây bởi nước lũ. (Ảnh: CTV) |
Đối với an toàn hồ đập, các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi cần phải thiết lập các tổ kiểm tra thường xuyên rà soát các hồ đập, có phương án sửa chữa khắc phục kịp thời nếu xảy ra sự cố.
Các huyện, thành phố phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ, có biện pháp xử lý cụ thể cho từng nguy cơ, sẵn sàng sơ tán dân nếu tình huống xấu xảy ra. Cùng đó, tập trung phối hợp khắc phục các điểm sạt lở làm ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, những điểm ngập úng tạm thời cần đặt biển cảnh báo để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông. Kịp thời nắm bắt tình hình đời sống bà con nhân dân; chủ động kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp, những nơi nước rút sớm chỉ đạo khôi phục sản xuất.
Khẩn trương khôi phục hoàn toàn lưới điện, viễn thông, nước sạch để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tập trung tu sửa trường học, công sở; xử lý vệ sinh môi trường, nước rút đến đâu xử lý vệ sinh môi trường đến đó, không để dịch bệnh xảy ra, không để người dân sống trong môi trường ô nhiễm.
Các Sở, ngành liên quan khẩn trương có hướng dẫn thống kê thiệt hại chính xác, bố trí nguồn lực ban đầu cho các địa phương. Các ngành Ngân hàng, Thuế phối hợp triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Ngành Công Thương có giải pháp chống đầu cơ tăng giá.
Chương Huyền
Theo