(Xây dựng) – Từ một vùng đất hoang sơ, chưa có điện, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, chưa có cơ cở vật chất – kỹ thuật du lịch, đến nay, diện mạo của cao nguyên La Vuông đã có nhiều đổi thay, khởi sắc. Ngày hội du lịch thị xã Hoài Nhơn “La Vuông – Cao nguyên xanh vẫy gọi” đã khởi động mới cho tư duy phát triển du lịch, tạo “cú hích” quảng bá đất và người Hoài Nhơn (Bình Định).
“Để có một La Vuông như ngày hôm nay là sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị”, Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn Lê Đăng Tuấn cho hay. |
Ngày hội Du lịch “La Vuông – Cao nguyên xanh vẫy gọi” được thị xã Hoài Nhơn tổ chức trong 3 ngày (từ 30/8 – 1/9) trong không khí cả nước hân hoan chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2024).
Cao nguyên La Vuông thuộc xã Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn nằm ở độ cao trên 719m so với mực nước biển. Tên gọi La Vuông theo tiếng Pháp “La Voul” nghĩa là “Điều ước”, có từ những năm đầu thế kỷ XX, khi người Pháp đặt chân đến vùng đất này. La Vuông có thảm thực vật và hệ sinh thái rừng đa dạng. Nét độc đáo ở La Vuông là du khách có thể trải nghiệm Xuân - Hạ - Thu - Đông trong một ngày; các địa danh tại cao nguyên La Vuông như: Ngã ba Đông Dương, Trường Lũy, sân bay Đồi Thông, bãi Bằng Lạc, hồ Cầu Lầy, Núi Chúa, suối Cô Tiên, Cổng Trời, thác Ba Tầng... La Vuông là điểm đến phù hợp cho phát triển các loại hình du lịch sinh thái rừng, trải nghiệm các môn thể thao địa hình, đồng thời, La Vuông như một điều ước phát triển mạnh mẽ du lịch xanh, khát vọng hoà bình trên thế giới.
Các đại biểu dự Lễ khai mạc ngày hội. |
Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn Lê Đăng Tuấn cho biết: Cách đây 3 tháng, cao nguyên La Vuông còn rất hoang sơ, chưa có điện, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, chưa có cơ cở vật chất – kỹ thuật du lịch. Để có diện mạo La Vuông như hôm nay, là sự quan tâm ủng hộ của lãnh đạo Tỉnh ủy, các Sở, ngành của tỉnh sự quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng bộ thị xã; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị…
“Ngày hội là dịp để thị xã Hoài Nhơn tăng cường giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp tự nhiên nổi bật của cao nguyên xanh La Vuông, về danh thắng, văn hóa quê hương, con người Hoài Nhơn; khai thác hiệu quả thế mạnh đặc trưng du lịch của thị xã, tạo điểm nhấn nổi bật truyền thông du lịch; thu hút đầu tư, phát triển du lịch Hoài Nhơn; đồng thời mở rộng cơ hội giao lưu văn hóa, kinh tế - xã hội trong và ngoài thị xã”, Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn nhấn mạnh
Rất nhiều hoạt động được diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch thị xã Hoài Nhơn “La Vuông – Cao nguyên xanh vẫy gọi”. |
Thông qua ngày hội, Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn mong muốn thu hút đầu tư, phát triển du lịch Hoài Nhơn thành ngành kinh tế trọng điểm của thị xã trong những năm đến đúng với tiềm năng và thế mạnh vốn có của mình “Hoài Nhơn – tình biển, xứ dừa, cao nguyên xanh”.
Tại lễ khai mạc, UBND thị xã Hoài Nhơn cũng đã công bố kết quả, trao giải thưởng thiết kế quy hoạch cao nguyên La Vuông. Theo đó, ý tưởng thiết kế mang chủ đề: "La Vuông Glamping - Thế giới sắc màu trên cao nguyên xanh" của Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Phương Việt Quy Nhơn đã đạt giải Nhất cuộc thi tuyển ý tưởng thiết kế quy hoạch khu vực phát triển du lịch sinh thái thảo nguyên La Vuông.
Theo phương án này, La Vuông được thiết kế với quy mô khoảng 500ha; trong đó, bao gồm 3 khu vực phát triển: Điểm dừng chân La Vuông – Trường Lũy với quy mô khoảng 11ha; Khu vực phát triển du lịch thảo Nguyên xanh La Vuông, diện tích 146ha và Khu du lịch trải nghiệm thiên nhiên rừng núi Chúa với diện tích 322ha.
Một góc cao nguyên La Vuông. |
Các loại hình du lịch sẽ được triển khai trên cao nguyên La Vuông gồm: Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái (tổ chức theo mô hình các khu nghỉ dưỡng dựa vào thiên nhiên Glamping với 300-350 Glamping); các hoạt động thể thao, giải trí xanh (tập cưỡi ngựa, trải nghiệm tại nông trại, du lịch trải nghiệm khám phá thiên nhiên rừng núi Chúa…); các hoạt động du lịch theo phong cách sống xanh (các giải chạy địa hình marathon, xe đạp địa hình, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp hình thức thiền, yoga...).
Tổng mức đầu tư theo quy hoạch khoảng 700 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng (bao gồm đất 136,2ha rừng trồng sản xuất, cây cối, vật kiến trúc) khoảng 80 tỷ đồng.
Thu Loan
Theo