(Xây dựng) – Mới đây, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Chương trình “Cà phê doanh nhân” để gặp gỡ, chia sẻ, ghi nhận và giải đáp những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ông Ngô Hạnh Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. |
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 8 tháng năm 2023, lũy kế 8 tháng năm 2023, đã có 230 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 69,7% kế hoạch, với tổng số vốn đăng ký trên 2.390 tỷ đồng, đưa tổng số doanh nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh là 3.133 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 39.000 tỷ đồng, trong đó có 2.043 Công ty TNHH, 693 công ty cổ phần, 360 doanh nghiệp tư nhân, 49 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 10 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do địa phương quản lý và 3 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do Trung ương quản lý.
Về những khó khăn vướng mắc: Trước hết đó là chính sách tín dụng, hệ thống ngân hàng thương mại siết chặt cho vay và lãi suất cao nên việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp; chính sách thuế, phí và lệ phí, việc tăng thuế suất một số mặt hàng xuất khẩu tăng như đá hoa trắng ốp lát đã gia công chế biến tăng từ 5 đến 19%; giá nguyên vật liệu đầu vào có sự biến động tăng, nhất là phí vận chuyển.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Yên Bái Bùi Thị Sửu phát biểu tại Hội nghị. |
Thị trường tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng bởi lạm phát ở một số nước nhập khẩu; thắt chặt tiêu dùng; chi phí đầu vào tăng cao… Một số sản phẩm công nghiệp bị cắt giảm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong khi các doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, một số sản phẩm sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp… dẫn đến nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không phát huy được công suất sản xuất, phải hoạt động cầm chừng, thậm chí phải dừng sản xuất trong ngắn hạn.
Để hỗ trợ, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, UBND đã chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục thông qua đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, nhà đầu tư; qua các chương trình hội nghị, hội thảo; tiếp nhận đề xuất, kiến nghị bằng văn bản của các doanh nghiệp gửi trực tiếp đến các cơ quan, đơn vị chức năng.
Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023 được phê duyệt theo Quyết định số 05/QĐ-UBND ngày 04/01/2023 dưới nhiều hình thức, có trọng tâm, trọng điểm nhằm đảm bảo thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phát huy được tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.
Tại buổi gặp mặt Chương trình Cà phê doanh nhân, đã có nhiều đại biểu đại diện doanh nghiệp phản ánh thực trạng tình hình hoạt động của doanh nghiệp, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải, đề xuất ý kiến, kiến nghị với UBND tỉnh và các Sở, ngành có liên quan. Trong đó chủ yếu tập trung vào vấn đề thu phí, lệ phí, bảo vệ môi trường, xử lý rác thải; sự chênh lệch cao trong giá tính thuế tài nguyên; những vấn đề còn tồn tại trong việc đo đạc, xác định lại diện tích đất và phương án giải quyết, xử lý những vấn đề tồn tại do lịch sử cũ để lại cho doanh nghiệp khi được tiếp quản…
Đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tham dự chương trình. |
Đại diện Công ty TNHH MTV Phát triển số 1, ông Nguyễn Công Ký thẳng thắn nêu rõ: “Hiện nay, tỉnh Yên Bái quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với quặng sắt là 60.000đ/tấn là quá cao, tương đương mức tối đa trong khung của Chính phủ, trong khi mức phí của các tỉnh xung quanh như: Lào Cai là 40.000/tấn, Thái Nguyên 45.00đ/tấn, Tuyên Quang, Phú Thọ quy định từ 40.000 đến 45.000đ/tấn. Đề nghị lãnh đạo, cơ quan tham mưu tỉnh Yên Bái nghiên cứu, xem xét, quy định giảm mức thu phí bảo vệ môi trường đối với quặng sắt như hiện nay để các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn vì giá thành khai thác, chế biến quá cao”.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh khẳng định: Là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cấp chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đặc biệt quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp, sẵn sàng chỉ rõ những Sở, ngành nào thiếu quan tâm, chậm giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý, giải quyết.
Một số ý kiến, kiến nghị khác được đại biểu đưa ra, lãnh đạo các Sở, ban, ngành chuyên môn trực tiếp trả lời đầy đủ, cơ bản sát vấn đề, đúng trọng tâm, nội dung vấn đề được nêu ra cùng với biện pháp, hướng xử lý, tạo được sự đồng thuận nhất trí cao giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước. Những vấn đề khác phức tạp cần có thời gian nghiên cứu sẽ được tiếp thu, ghi nhận và trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc đã ghi nhận sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần rất quan trọng vào nguồn thu ngân sách Nhà nước. Ông Phúc khẳng định: Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh đã ban hành về phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo và chuyển đổi số. Tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp đã và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh; hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án, rà soát, thu hồi quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án chậm tiến độ hoặc không thực hiện theo quy định.
Ngọc Giang Sơn – Sơn Lâm
Theo