(Xây dựng) - Sáng 30/1 (tức mùng 9 tháng Giêng) tại thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đền Thác Bà, khai mạc Lễ hội đền Thác Bà Xuân Quý Mão 2023.
Ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trao Bằng xếp hạng Di sản văn hóa quốc gia đền Thác Bà cho lãnh đạo huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. |
Di tích đền Thác Bà có từ lâu đời, gắn với nghi thức thờ Mẫu là công chúa Minh Đạt, con gái vua Hùng Vương thứ đời thứ 18. Ngược dòng sông Chảy, Người lên khai khẩn đất đai nối dài bờ cõi, dạy dân cày cấy, phát triển nghề chài lưới, đánh bắt cá tôm, khai hoang lập địa, trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc cho miền sơn cước…Nhớ công ơn đó, muôn dân lập Đền thờ Mẫu mong được phù hộ làm ăn sinh sống, ngày càng phát triển. Mẫu giúp cho tướng quân Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đánh tan giặc Nguyên Mông, đất nước thanh bình giữ yên nền độc lập. Sau khi đánh tan giặc, tướng quân về Lễ tạ và tặng mỹ tự cho đền “Mẫu Nghi Thiên hạ Tối Linh Từ”, vua Trần phong sắc Thục Diệu Minh Đạt Thần Nữ Chi Thần, cho phép nhân dân địa phương xây dựng, tôn tạo Đền thờ Mẫu, là nơi lưu giữ 6 đạo sắc phong qua các triều đại phong kiến Việt Nam.
Trước đây, đền Thác Bà là một ngôi miếu nhỏ, thường được gọi là “miếu Thần Thác Bà” tọa lạc bên bờ đông sông Chảy, thuộc địa phận xã Minh Phú (nay là thị trấn Thác Bà) huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Đến đầu những năm 60 của thế kỷ XX, Chính phủ chủ trương xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà, công trình trọng điểm đầu tiên của miền Bắc trong quá trình công nghiệp hóa, xã hội chủ nghĩa. Để tiến hành xây dựng nhà máy thủy điện, tỉnh Yên Bái thực hiện việc chuyển di dân cư, cùng toàn bộ các thiết chế kinh tế, văn hóa-xã hội ra khỏi khu vực lòng hồ, trong đó có đền Thác Bà. Tháng 4/1963, nhân dân xã Minh Phú tự nguyện rước Mẫu sang xã Vĩnh Kiên (bên kia sông Chảy), cách vị trí đền Thác Bà cũ 5km để giải phóng mặt bằng xây dựng hồ thủy điện Thác Bà. Đến năm 1999, UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt dự án xây dựng lại đền Thác Bà trên núi Hoàng Thi. Sau nhiều lần tu bổ, tôn tạo, đền Thác Bà đã có diện mạo như ngày nay.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đã được khẳng định, ngày 28/12/2004, tỉnh Yên Bái đã quyết định xếp hạng đền Thác Bà (thị trấn Thác Bà) là di tích cấp tỉnh. Ngày 18/6/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 1905 công nhận đền Thác Bà là Di tích quốc gia thuộc di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia hồ Thác Bà.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình Nguyễn Xuân Trường nhấn mạnh: Việc công nhận đền Thác Bà là Di tích quốc gia là vinh dự lớn và là niềm tự hào đối với toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình, đặc biệt là đối với cộng đồng các dân tộc cư trú lâu đời ở vùng sông Chảy. Đây là nguồn động lực to lớn động viên, khích lệ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thiểu số huyện Yên Bình và tỉnh Yên Bái, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc nói chung trên địa bàn huyện.
Chương trình văn nghệ chào mừng buổi lễ công nhận Di sản văn hóa quốc gia do nhân dân huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái biểu diễn. |
Vùng hồ Thác Bà rộng hơn 20.000ha với hơn 1.000 đảo lớn nhỏ, nơi sinh sống của hơn 10 dân tộc anh em cùng chung sống như: Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Phù Lá... có đời sống sinh hoạt, văn hóa vô cùng phong phú, đậm bản sắc dân gian. Đền Mẫu Thác Bà là nơi để đồng bào các dân tộc được giao lưu văn hóa và đón du khách thập phương về chiêm bái nhân dịp đầu xuân và khám phá di tích lịch sử, danh thắng quốc gia hồ Thác Bà, thu hút các nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát và đầu tư vào địa bàn, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của huyện.
Tại buổi lễ, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã trao Bằng xếp hạng đối với Di tích quốc gia đền Thác Bà.
Sơn Lâm
Theo