(Xây dựng) - Trong giai đoạn Covid-19 quay trở lại, thói quen tiêu dùng trực tuyến “lên ngôi”, thương mại điện tử trở thành xu thế nổi bật. Vì vậy, việc nhanh chóng thích ứng với xu thế này là yêu cầu cấp bách của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả lâu dài thì rất cần đến uy tín và chất lượng sản phẩm của mỗi doanh nghiệp.
Giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ. |
Theo báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, hoạt động xuất khẩu vẫn chịu tác động nặng nề, hoạt động xúc tiến xuất khẩu truyền thống về cơ bản không triển khai được, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C).
Bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường trong nước, Bộ Công Thương ưu tiên nguồn lực xúc tiến thương mại cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu ở khâu phát triển sản phẩm; Nghiên cứu chiến lược truyền thông cho sản phẩm; Đầu tư phát triển mẫu mã bao bì sản phẩm đảm bảo phù hợp với yêu cầu từng thị trường; Xây dựng cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch lớn, hệ thống phân phối lớn đã có cơ sở ở Việt Nam và các thị trường mục tiêu; Tìm hiểu thông tin về yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường.
Đây là các bước chuẩn bị cần thiết để đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu thành công khi dịch Covid-19 được kiểm soát, đồng thời phát triển xuất khẩu bền vững, mang lại giá trị xuất khẩu cao.
Về lâu dài, ngoài việc mang sản phẩm tham gia các hội chợ, triển lãm, giao thương tại nước ngoài, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu tại chỗ như tổ chức đón đoàn nhập khẩu vào tiếp xúc, mua hàng.
Xuất khẩu qua kênh khách du lịch nước ngoài bằng việc đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các hệ thống phân phối đặc sản vùng miền, điểm bán sản phẩm OCOP tại các đô thị lớn, các địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, vừa phục vụ nhu cầu tiêu dùng, làm quà tặng của du khách quốc tế vừa góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm tới người tiêu dùng tiềm năng tại các nước.
Các mặt hàng xuất khẩu ra thị trường thế giới cần phải chú trọng đến chất lượng của sản phẩm để tạo độ uy tín và niềm tin cho đối tác. |
Bà Trần Thị Hoài Tú - Giám đốc xuất khẩu Công ty Cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn cho rằng, nền tảng số đã giúp doanh nghiệp thay đổi cách thức kinh doanh, ứng dụng nền tảng số, quảng bá hàng hóa tại các trang thương mại điện tử uy tín và xuất khẩu hàng hóa.
Nhờ kết nối với nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu là Alibaba và đầu tư mạnh để ứng dụng nền tảng số với chiến lược chi tiết, bài bản, có lộ trình nhất quán, doanh nghiệp này đã mở rộng thị trường xuất khẩu, với lượng hàng xuất khẩu chiếm khoảng 20% lượng hàng hóa sản xuất trong năm 2020.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng ban Đối ngoại và marketing, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) cũng cho rằng, kinh tế số đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
Tận dụng nguồn tài nguyên thông tin, tính kết nối với các đối tác tại các thị trường khác nhau đã giúp doanh nghiệp chào hàng, ký kết đơn hàng được thuận lợi hơn rất nhiều. Hiện mỗi tuần, Hapro xuất khẩu 15 container hàng hóa đến 80 thị trường trên thế giới.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi nhanh hơn dự kiến trước đó nhờ nỗ lực lớn trong việc ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19 sau khi mở cửa lại nền kinh tế. Việc này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam vận hành sản xuất ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường thế giới.
Đây là lúc doanh nghiệp cần phải biết nắm bắt cơ hội trong gian khó, các mặt hàng xuất khẩu ra thị trường thế giới cần phải chú trọng đến chất lượng của sản phẩm để tạo độ uy tín và niềm tin cho đối tác.
Hạ Ly
Theo